Thứ tư, 29/07/2020 15:23 GMT+7

Nâng cao hiệu quả đào tạo, tuyên truyền về sở hữu trí tuệ

Trong thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện hàng loạt các hoạt động đào tạo, tuyên truyền về sở hữu trí tuệ và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Công tác đào tạo về sở hữu trí tuệ tiếp tục được nâng cao một bước

Nhằm góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương, trong năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng về sở hữu trí tuệ đã được Cục đẩy mạnh. Tính đến ngày 31/12/2019, có 70 lớp đào tạo, bồi dưỡng về sở hữu trí tuệ được tổ chức trong nước với 5.435 lượt người tham dự đến từ các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, sinh viên, giảng viên đại học, viện nghiên cứu và hội nghề nghiệp tham dự (cao hơn so với năm 2018 chỉ có 6 lớp với 385 học viên). Một số hoạt động đào tạo đáng chú ý gồm:

- Đào tạo nâng cao năng lực cho hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung và các đối tượng khác liên quan được thực hiện mạnh mẽ: Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với các các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học tổ chức 62 lớp đào tạo, bồi dưỡng với sự tham gia của 5.160 học viên đến từ các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học, viện nghiên cứu. Trong đó tổ chức được 10 lớp với 930 học viên dành riêng cho giảng viên, sinh viên năm cuối nhiều trường đại học, trang bị những kiến thức căn bản về sở hữu trí tuệ để hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu, học tập tại các môi trường học thuật và sáng tạo. Đồng thời, Cục Sở hữu trí tuệ cũng xác định đây là một trong những đối tượng ưu tiên đào tạo nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong xã hội, là nhân tố quan trọng để tạo dựng “văn hóa sở hữu trí tuệ” trong tương lai.



Hội nghị khoa học sinh viên về sở hữu trí tuệ 2019

 

- Công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, thẩm định viên tiếp tục được chú trọng: Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức 8 khóa đào tạo trong nước cho 275 lượt cán bộ, thẩm định viên, trong đó có 3 lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản và chuyên sâu về thẩm định sáng chế do các chuyên gia của Cơ quan Sáng chế Nhật Bản trực tiếp giảng dạy, đồng thời đã cử 26 đoàn công tác với 65 cán bộ, thẩm định viên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn về sở hữu trí tuệ tại các cơ quan sở hữu trí tuệ nước ngoài như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu, Pháp…



Hội nghị khoa học sinh viên về sở hữu trí tuệ 2019

 

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020” (Chương trình OCOP), Cục Sở hữu trí tuệ đã xây dựng kế hoạch và thực hiện đào tạo cho các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP về sở hữu trí tuệ và hỗ trợ đăng ký, bảo vệ và quản lý quyền sở hữu công nghiệp. 

- Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức 2 khóa đào tạo dài hạn, chuyên sâu cho 108 học viên đến từ các doanh nghiệp, văn phòng luật, đại diện sở hữu công nghiệp (các học viên đã đủ điều kiện hoàn thành khóa học). Đây là nguồn nhân lực quan trọng đưa công tác sở hữu trí tuệ vào thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp, hoặc các nhu cầu liên quan đến đến đăng ký, khai thác, thực thi quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân liên quan.

Có thể đánh giá, công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn kiến thức về sở hữu trí tuệ đã được Cục triển khai mạnh mẽ với số lượng các lớp bồi dưỡng, tập huấn và học viên tăng so với năm 2018, hình thức đào tạo, nội dung đào tạo được thực hiện bài bản, nội dung phong phú và từng bước đáp ứng nhu cầu của học viên, góp phần hoàn thành những nhiệm vụ và mục tiêu đào tạo của Cục Sở hữu trí tuệ theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ và yêu cầu của hội nhập quốc tế.


Công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ tiếp tục được triển khai hiệu quả

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến vai trò, tầm quan trọng sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp nâng cao nhận thức của công chúng, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện hàng loạt các hoạt động tuyên truyền rộng rãi và đạt nhiều kết quả khích lệ. 

Cục Sở hữu trí tuệ chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 26 hội nghị, tọa đàm và sự kiện cộng đồng về sở hữu trí tuệ với 2.753 lượt người từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nhân, viện nghiên cứu, trường đại học, tầng lớp thanh niên, sinh viên. Trong đó có nhiều sự kiện lớn được tổ chức đã tác động tích cực tới công chúng, điển hình là:

(a) Chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4

Chào mừng kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) và tôn vinh hoạt động đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ trong đời sống kinh tế, xã hội theo Chủ đề của năm 2019 “Vươn tới Giải Vàng – Sở hữu trí tuệ và Thể thao”, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức chuỗi hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu về sở hữu trí tuệ và sự kiện cộng đồng chào mừng kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới dành cho khối doanh nghiệp như: Hội thảo “Tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp – doanh nghiệp khởi nghiệp” (Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 23/3/2019, có 120 đại biểu tham dự); Hội nghị khoa học sinh viên về sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức thu hút các sinh viên, giảng viên, nhà khoa học của 6 trường đại học, học viện  tham dự; Hội thảo“Sinh viên nhận diện, tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”, Hội thảo “sở hữu trí tuệ với văn hóa, thể thao và du lịch” (do các văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh tổ chức); Cuộc thi Khởi nghiệp dựa trên quyền sở hữu trí tuệ dành cho sinh viên do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức. Các hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới đã được thực hiện đa dạng, phong phú cả về nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về sở hữu trí tuệ của nhiều đối tượng. 

Đáng chú ý là sự kiện cộng đồng kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới với chủ đề “Vươn tới Giải Vàng – Sở hữu trí tuệ và Thể thao” được tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh ngày 20/4/2019. Đây là một hoạt động chính của Tháng hành động chào mừng kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ, đánh dấu lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Sự kiện thu hút hơn 500 đại biểu là sinh viên, các nhà quản lý, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và nhiều cơ quan báo chí đến đưa tin. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có Thứ trưởng Phạm Công Tạc, phía Trung ương Đoàn có Bí thư, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy và lãnh đạo các ban ngành của thành phố và Cục Bản quyền tác giả tham dự.

Đây là lần thứ 5 sự kiện cộng đồng chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ Việt Nam được tổ chức với quy mô lớn, đảm bảo an ninh, an toàn và thu hút được sự quan tâm của công chúng. Hoạt động này được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ghi nhận đăng trên bản tin của WIPO. Ngoài ra còn có hơn 30 tin, bài, phóng sự của cơ quan báo chí đưa tin về các hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới của Cục Sở hữu trí tuệ.

 (b) Cuộc thi sáng chế và Lễ trao giải năm 2018

Cuộc thi Sáng chế 2018 tại Việt Nam được thực hiện trong năm 2018 -2019 với chủ đề “Sáng chế vì cuộc sống cộng đồng”. Đây là sự kiện được Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam (VTV2) tổ chức. Cuộc thi nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo để tạo ra các công nghệ mới, có tính ứng dụng rộng rãi, dễ dàng và tiết kiệm chi phí, đáp ứng các nhu cầu thiết thực của cuộc sống và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau 6 tháng phát động (từ ngày 16/8/2018 đến hết ngày 31/01/2019), Ban Tổ chức nhận được 212 hồ sơ dự thi, nhiều hơn so với năm 2013 (146 hồ sơ) và 2014 (176 hồ sơ). Ban Tổ chức chấm sơ khảo và lựa chọn được 10 hồ sơ xuất sắc nhất vào vòng chung khảo và trao một Giải Nhất thuộc về Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Hóa Sinh với giải pháp kỹ thuật “Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt”; một Giải Nhì thuộc về Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển thuộc Viện khoa học thủy lợi Việt Nam với giải pháp kỹ thuật “Hệ thống hộp thép mạ kẽm bọc nhựa PVC chứa đá hộc liên kết dạng bậc so le bảo vệ mái hạ lưu đập đá đổ giảm lũ quét và bùn đá”; một Giải Ba thuộc về tác giả Trịnh Đình Năng với giải pháp kỹ thuật “Phương pháp và hệ thống thiết bị sản xuất hỗn hợp Fullerenes”; 7 Giải Khuyến khích thuộc về các tổ chức, cá nhân gồm Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ Việt Nam (BUSADCO) với giải pháp “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển”, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương với giải pháp “Hỗn hợp dược liệu chăm sóc tóc, lông và chế phẩm chứa hỗn hợp này”, nhóm tác giả Nguyễn Vĩnh Phúc và Nguyễn Vĩnh Sơn với giải pháp “Chậu tự động cung cấp nước cho quy trình tự tưới cây”, tác giả Hoàng Ngọc Kỷ với giải pháp “Đập mở chặn thủy triều và giữ nước sông”, nhóm tác giải Vũ Văn Anh và Chu Đào Ngọc Minh với giải pháp “Hệ thống thu thập, quản lý thông tin bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh”, tác giả Nguyễn Đức Thành với giải pháp “Thiết bị cảnh báo lũ từ xa sử dụng tín hiệu pháo hiệu, cảnh báo cho các đoạn đường ngập nước, tác giả Phạm Huỳnh Phong với giải pháp “Thiết bị phát sáng đeo tay và phương pháp điều khiển”. 

Cuộc thi Sáng chế 2018 đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, thu hút được một lượng lớn hồ sơ dự thi thuộc nhiều lĩnh vực, giải pháp khác nhau. Phần lớn các giải pháp kỹ thuật có những giá trị kỹ thuật và thực tiễn cao, có khả năng ứng dụng rộng rãi và góp phần thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong việc tạo ra các giải pháp hữu ích cải thiện cuộc sống hằng ngày cho người dân. 

2019 cũng là năm Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan sở hữu trí tuệ nước ngoài tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo thu hút các đối tượng đến từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội hội nghề tham dự, như: Hội thảo về “Sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội”, chuỗi hội thảo về “Sử dụng hiệu quả Hiệp ước hợp tác về sáng chế (Hệ thống PCT) dành cho người dùng tại Việt Nam” (phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO); hội thảo “Chỉ dẫn địa lý” (phối hợp với Dự án ARISE + IPR của Liên minh Châu Âu); Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (phối hợp với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản)… Qua đó đã giúp đại biểu tham dự sớm tiếp cận những vấn đề mới của sở hữu trí tuệ và những kinh nghiệm trong tạo lập, quản lý, khai thác tài sản trí tuệ từ các nước khác nhau để có kế hoạch, chiến lược và áp dụng vào thực tiễn quản lý, sản xuất kinh doanh của đơn vị.

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1431

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)