Thứ tư, 29/07/2020 15:21 GMT+7

Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

Hoạt động hỗ trợ và phát triển tài sản trí tuệ đã giúp nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương phát huy được lợi thế cạnh tranh. Trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Chương trình 68), năm 2019 là năm bản lề của việc thực hiện Chương trình để cơ quan quản lý và các đơn vị thụ hưởng kết thúc các dự án vào năm 2020.

Các hoạt động tuyên truyền nhằm thúc đẩy việc sử dụng, phát triển tài sản trí tuệ tiếp tục được tăng cường (thông qua hàng loạt các bài viết, bình luận trên báo chí, truyền hình, hội thảo) nhằm cung cấp cho công chúng những thông tin cụ thể về việc triển khai các dự án thuộc Chương trình 68.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ được đẩy mạnh, góp phần giúp doanh nghiệp quản lý và khai thác tốt nguồn tài sản trí tuệ, từ đó phát huy lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Nhiều dự án đã và đang được thực hiện tại các doanh nghiệp và dần phát huy hiệu quả như dự án xây dựng, vận hành tổ chức quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ tại Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, Công ty CP Vĩnh Thắng...

Nhằm tăng cường công tác nghiên cứu, triển khai, đưa các sáng chế và kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống, năm 2019, Chương trình tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ khai thác, áp dụng sáng chế của nhiều tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp Việt Nam như: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện Dược liệu, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Công ty CP Phân bón Fitohoocmon... Qua đó giúp khẳng định giá trị các kết quả nghiên cứu khi được đưa vào khai thác một cách phù hợp và hiệu quả trên thực tế.



Đoàn Khảo sát Cục Sở hữu trí tuệ tham quan mô hình trồng na tại Hợp tác xã Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn

 

Một trong những điểm đáng lưu ý của năm 2019 là Chương trình 68 đã tăng cường hỗ trợ việc bảo hộ, quản lý và nâng cao giá trị các sản phẩm đặc thù, chủ lực của địa phương. Năm 2019, Chương trình đã hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý và công tác kiểm soát nguồn gốc, quản lý chất lượng và khai thác, phát triển quyền sở hữu trí tuệ sau khi được bảo hộ cho 20 sản phẩm chủ lực, đặc thù khác gồm: (1) Cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình; (2) Bưởi năm roi Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; (3) Tôm sú Cà Mau, tỉnh Cà Mau; (4) Vịt Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa; (5) Khóm Cầu Đúc Hậu Giang, tỉnh Hậu Giang; (6) Trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; (7) Chuối ngự Đại Hoàng, tỉnh Hà Nam; (8) Cam Hà Giang, tỉnh Hà Giang; (9) Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An, tỉnh Quảng Nam; (10) Ba ba gai Văn Chấn - Yên Bái, tỉnh Yên Bái; (11) Sâm Nam Núi Dành, tỉnh Bắc Giang; (12) Tôm hùm bông Phú Yên, tỉnh Phú Yên; (13) Gà đồi Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên; (14) Chanh leo Quế Phong, tỉnh Nghệ An; (15) Chè Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ; (16) Quế Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, (17) Dầu tràm Huế, (18) Cam Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, (19) Gạo Điện Biên, (20) Gạo Séng Cù, tỉnh Lào Cai.

Bên cạnh đó, Chương trình đã tổ chức các đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm và đánh giá hiệu quả hoạt động bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương (tại Phú Quốc, Sơn La và Hà Tĩnh) nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức cho các cán bộ quản lý của địa phương và doanh nghiệp, đồng thời xác định, định hướng nội dung hỗ trợ từ Chương trình trong giai đoạn tới.

Thông qua việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các sản phẩm chủ lực địa phương, Chương trình 68 nói riêng và hoạt động sở hữu trí tuệ nói chung đã trực tiếp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, chuyển đổi từ sản phẩm thô sang sản phẩm có bao bì và tem nhãn, thay đổi thói quen của cộng đồng từ việc sản xuất, phát triển sản phẩm tự do thành sản xuất kinh doanh sản phẩm được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù địa phương còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình bản địa.

Kết quả triển khai Chương trình là một trong những luận cứ khoa học và thực tiễn để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục quán triệt, hiện thực hóa các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh các giải pháp phát triển bền vững kinh tế - xã hội, Cơ quan quản lý dự án là Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tham mưu cho Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên, tập trung hỗ trợ hoạt động soát nguồn gốc, chất lượng, phát triển sản phẩm chủ lực địa phương được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo chuỗi giá trị, tăng cường hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ của Việt Nam tại các thị trường lớn trên thế giới.

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1130

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)