Thứ tư, 29/07/2020 12:40 GMT+7

Cục Sở hữu trí tuệ - 38 năm một chặng đường phát triển

Năm 2020 đánh dấu chặng đường 38 năm phát triển của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT). Khi mới thành lập (ngày 29/7/1982), Cục SHTT chỉ có 27 cán bộ, đến nay, Cục SHTT đã trở thành một trong những đơn vị lớn mạnh của Bộ Khoa học và Công nghệ với 17 đơn vị trực thuộc, 360 cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Hà Nội và 2 Văn phòng đại diện Cục SHTT tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.

Trong 38 năm qua, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã đồng hành cùng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền SHTT, đưa SHTT dần trở thành công cụ quan trọng trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của các chủ thể trong xã hội, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu ứng dụng, lành mạnh hóa môi trường sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội. 38 năm hình thành và phát triển là một con số đủ lớn để có thể nhìn lại những thành tựu mà Cục SHTT đã đạt được khi thực hiện những nhiệm vụ chính trị được giao.
 


 

1. Công tác xây dựng thể chế ngày càng được hoàn thiện và cơ bản đáp ứng những yêu cầu quản lý của từng thời kỳ xây dựng đất nước

Ngay sau khi thành lập, Cục Sáng chế (tiền thân của Cục SHTT) đã xây dựng được dự thảo văn bản pháp lý đầu tiên: Nghị định số 197/HĐBT ngày 12/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ Nhãn hiệu hàng hóa. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, theo chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Đảng, Cục Sáng chế đã nhanh chóng bắt tay xây dựng một loạt văn bản pháp lý quan trọng như: Nghị định số 85-HĐBT ngày 13/5/1988 về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, Nghị định số 200-HĐBT ngày 28/12/1988 về bảo hộ giải pháp hữu ích, Nghị định số 201-HĐBT ngày 28/12/1988 ban hành Điều lệ về mua bán quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và bí quyết kỹ thuật (gọi tắt là Điều lệ về mua bán li xăng). Đặc biệt, sự ra đời của Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngày 11/02/1989 đã ghi nhận nhiều vấn đề mới như “quyền sở hữu công nghiệp”, sáng chế và các đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN) khác được coi là tài sản và là đối tượng của quyền sở hữu, tạo điều kiện khuyến khích sáng tạo và cân bằng lợi ích của chủ thể quyền với lợi ích của xã hội,… Việc xây dựng thể chế trong giai đoạn đầu này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo ra một cơ chế bảo hộ cụ thể, thúc đẩy các hoạt động đăng ký bảo hộ quyền SHTT gia tăng nhanh chóng. Có thể coi đây là những văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khi Việt Nam chuẩn bị bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được chính thức đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII.

Năm 1995, Bộ Luật Dân sự lần đầu tiên được Quốc hội khóa IX thông qua, trong đó có 26 điều khoản quy định những nguyên tắc cơ bản trong xác lập và bảo hộ quyền SHCN. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất trong việc thực hiện các hoạt động SHCN của nước ta. Để thực hiện những quy định của Bộ Luật Dân sự, Cục SHTT (khi đó có tên là Cục SHCN) đã nhanh chóng nghiên cứu, soạn thảo các văn bản hướng dẫn để trình các cấp có thẩm quyền ban hành như: Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về SHCN, Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 06/3/1999 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN, Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 03/10/2000 của Chính phủ quy định về bảo hộ quyền SHCN đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHCN, Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/CP, Nghị định số 42/2003/NĐ-CP ngày 05/5/2003 của Chính phủ quy định về bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Thông tư số 3055/TT-SHCN ngày 31/12/1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành các quy định về thủ tục xác lập quyền SHCN và một số thủ tục khác trong Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ, Thông tư số 23/1997/TC-TCT ngày 09/5/1997 của Bộ Tài chính  hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý phí, lệ phí SHCN, Thông tư số 29/2003/TT-BKHCN ngày 05/11/2003 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thủ tục xác lập quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp, Thông tư số 30/2003/TT-BKHCN ngày 05/11/2003 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thủ tục xác lập quyền SHCN đối với sáng chế và giải pháp hữu ích. Đây là hệ thống văn bản pháp luật về SHCN quan trọng đầu tiên khi đất nước ta bước vào giai đoạn đầu của hội nhập khu vực và thế giới.

Có thể thấy, SHTT là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động đàm phán gia nhập các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WTO. Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ 20, Việt Nam đã khởi động các vòng đàm phán để gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu này. Nhưng để được công nhận chính thức trở thành thành viên của Tổ chức này (tháng 02/2007), các cơ quan hữu quan đã phải chuẩn bị rất nhiều nội dung, đặc biệt là cải cách thể chế, mà trong đó pháp luật SHTT là một trong những yêu cầu mạnh mẽ nhất từ WTO. Cục SHTT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng dự thảo văn bản luật đầu tiên về SHTT, đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua (Luật SHTT có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2006). Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một giai đoạn mới về hoạt động SHTT của Việt Nam, nhất là để đáp ứng yêu cầu của việc gia nhập WTO. Trong thời gian này, Cục SHTT đã nhanh chóng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan dự thảo và trình các cấp có thẩm quyền ban hành một loạt văn bản hướng dẫn thi hành Luật SHTT như: Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật SHTT về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN.

Bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay1 , Cục SHTT tiếp tục chủ trì xây dựng hàng loạt văn bản quan trọng về SHTT như Luật SHTT sửa đổi năm 2009, Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật SHTT, Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 103/2006/NĐ-CP, Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung các thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ: 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/72010, 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011 và Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20/02/2013.

Đáng chú ý là trong năm 2019, bên cạnh việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT để thi hành Hiệp định CPTPP, Cục SHTT đã xây dựng một văn bản quan trọng khác là Chiến lược SHTT đến năm 20302 . Chiến lược đã đặt ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao vai trò, vị thế của SHTT trong đời sống kinh tế xã hội, với mục tiêu đưa nước ta thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT, tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam, gia tăng số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về SHTT trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, xây dựng một “văn hóa SHTT” trong thời gian tới. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có Chiến lược quốc gia về SHTT. Chiến lược này có ý nghĩa to lớn, thể hiện tầm vóc của Việt Nam khi bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời thể hiện tinh thần chủ động trong việc tiếp nhận, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đón nhận làn sóng đầu tư mới.

2. Công tác tiếp nhận xử lý đơn đăng ký quyền SHCN đạt được nhiều tiến bộ, góp phần quan trọng cho công tác quản lý nhà nước, bảo vệ tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân

Khi mới thành lập, lượng đơn đăng ký quyền SHCN còn hết sức khiêm tốn và công tác xử lý đơn còn đơn giản. Điểm qua một số con số như: từ năm 1981 – 1989 tổng số lượng đơn sáng chế nộp tại Cục Sáng chế mới có 531 đơn (506 đơn Việt Nam và 25 đơn nước ngoài), đơn nhãn hiệu có 1.721 đơn (716 đơn Việt Nam, 1.005 đơn nước ngoài), đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp bắt đầu được nộp từ năm 1988 với 06 đơn của người nộp đơn Việt Nam và chưa có người nộp đơn nước ngoài. Nhưng chỉ gần 10 năm sau, đặc biệt là 05 năm gần đây, số lượng đơn đăng ký quyền SHCN đã tăng gấp nhiều lần so với thời gian trước3 . Điều này đã tạo ra những áp lực cho công tác quản lý và công tác thẩm định đơn của Cục SHTT trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn về các nguồn lực. Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Lãnh đạo Cục và sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể công chức, viên chức và người lao động của Cục SHTT, công tác thẩm định đơn đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng: số lượng đơn được xử lý, thẩm định, cấp văn bằng bảo hộ gia tăng, khắc phục dần tình trạng tồn đọng đơn. Có thể thấy qua những số liệu thống kê gần đây: Năm 2017, Cục xử lý được 39.250 đơn (tăng 1% so với năm 2016), năm 2018 xử lý 42.867 đơn (tăng 9,2% so với năm 2017), năm 2019 xử lý 65.029 đơn (tăng 51,7% so với năm 2018). Bên cạnh sự nỗ lực của tập thể cán bộ, Cục SHTT cũng đã chú trọng đầu tư, hiện đại hóa công cụ và trang thiết bị phục vụ công tác thẩm định. Cục SHTT đã thực hiện một số dự án CNTT quan trọng như: Dự án hiện đại hóa hệ thống CNTT, Dự án phục hồi dữ liệu SHCN, Dự án dịch vụ công trực tuyến, đưa vào vận hành Phần mềm tra cứu nhãn hiệu (IP-Search) và tích hợp các đăng ký chỉ dẫn địa lý vào cơ sở dữ liệu của nhãn hiệu để phục vụ công tác thẩm định đơn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để Cục SHTT từng bước khắc phục tình trạng đơn tồn đọng nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu quản lý, thực hiện tốt hơn nữa chủ trương đồng hành cùng các chủ thể quyền trong các hoạt động SHTT, đặc biệt là các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

3. Hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT ngày càng được mở rộng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong các quan hệ song phương và đa phương

Ngay từ khi mới thành lập, Cục Sáng chế đã rất coi trọng hoạt động hợp tác quốc tế. Tháng 12 năm 1985, Cục Sáng chế đã đăng cai tổ chức kỳ họp lần thứ 26 của Hội nghị Lãnh đạo cơ quan sáng chế các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế SEV tại Hà Nội với sự tham gia đầy đủ của 10 đoàn đại biểu của các nước thành viên SEV . Năm 1986, Cục Sáng chế được Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO) đầu tư dự án “Phát triển hoạt động SHCN ở Việt Nam và xây dựng Trung tâm tư liệu sáng chế quốc gia”. Qua đó đã góp phần tạo cơ sở vật chất ban đầu và nâng cao năng lực hoạt động cho Cục Sáng chế.

Trong những năm tiếp theo, công tác hợp tác quốc tế được mở rộng với hàng loạt các hoạt động hợp tác song phương về SHCN với các nước như Thái Lan, Úc. Cục SHTT đã được tham gia là một bên thụ hưởng trong Chương trình hợp tác đặc biệt Việt Nam – Thụy Sỹ về SHTT năm 1999. Chương trình đã hỗ trợ rất lớn cho Việt Nam trong việc nghiên cứu thể chế, tuyên truyền phổ biến pháp luật SHTT, đào tạo, nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác SHTT. Bên cạnh đó, Cục SHTT cũng được Chính phủ Nhật Bản tài trợ dự án Hiện đại hóa quản trị SHCN. Dự án này đã góp phần quan trọng trong công cuộc đưa công nghệ, tự động hóa vào các thao tác nghiệp vụ về xử lý đơn đăng ký quyền SHCN của Cục SHTT.

Trong tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Cục SHTT đã trực tiếp chuẩn bị nội dung, phương án và tham gia đàm phán về SHTT, góp phần kết thúc 12 năm đàm phán gia nhập, chính thức đưa Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO kể từ ngày 11 tháng 01 năm 2007.

Nhiều hiệp định, dự án hợp tác song phương và đa phương đã được Cục SHTT tích cực tham gia đàm phán, ký kết và xúc tiến triển khai như: Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với Australia và Newzealand, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Hải quan (VCUFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Khối thương mại tự do Trung Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Dự án hợp tác EC-Việt Nam về SHTT (ECAP III) do Liên minh châu Âu tài trợ, Dự án “Ứng dụng thông tin SHTT tại Việt Nam (UTIPINFO)” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Đặc biệt gần đây là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (VEFTA) đã hứa hẹn mang lại nhiều thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường lớn. Bên cạnh đó, Cục SHTT đã ký kết các chương trình hợp tác thẩm định nhanh về sáng chế đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và phối hợp với Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Mê Thuột tại Nhật Bản.

Đáng chú ý là sự kiện Cục SHTT đảm nhận vị trí Chủ tịch Nhóm Công tác về Hợp tác SHTT các nước ASEAN (AWGIPC) nhiệm kỳ 2019 – 2021 - lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức này. Cục đang chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và thực hiện tốt vai trò Chủ tịch trong nhiệm kỳ. Sự kiện này là một bước khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam khi hội nhập sâu trong hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT.

Có thể đánh giá, hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT trong thời gian qua đã đem lại cho đất nước Việt Nam nói chung và Cục SHTT nói riêng một vị thế nhất định. Việt Nam đã sẵn sàng làm đối tác thương mại của  tất cả các nước, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tác thực hiện đầu tư, bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền SHTT. Cục SHTT đang ngày càng khẳng định vai trò đầu mối quốc gia trong việc tham mưu cho Nhà nước về các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực SHTT ở cấp độ khu vực và quốc tế 4.

4. Công tác đào tạo, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về SHTT đã được triển khai tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về SHTT

SHTT đến nay đã không còn là một khái niệm mới mẻ đối với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong nước.  Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền, nhiều cơ quan, tổ chức và truyền thông trong hoạt động truyền thông còn phải kể đến vai trò quan trọng của Cục SHTT. Các hoạt động đào tạo về SHTT đã được Cục tổ chức liên tục, thường xuyên dành cho doanh nghiệp, trường đại học, viên nghiên cứu, cán bộ quản lý, sinh viên… về các vấn đề liên quan đến SHTT. Cục cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan SHTT nước ngoài để cử cán bộ sang học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ về SHTT. Cục SHTT đã biên soạn hàng ngàn trang tài liệu về SHTT dành cho các đối tượng khác nhau (như bộ tài liệu tập huấn về SHTT thuộc dự án “Đào tạo, huấn luyện về SHTT”)5. Ngoài ra, Cục SHTT đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều sự kiện cộng đồng nổi bật và đã nhận được sự quan tâm tích cực của công chúng (ví dụ như Chuỗi sự kiện chào mừng Ngày SHTT thế giới 26/4, các cuộc thi sáng chế, sinh viên nghiên cứu khoa học về SHTT,v.v.). Cục SHTT cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí truyền thông tiếp cận thông tin về SHTT để có các hoạt động tuyên truyền kịp thời, chất lượng nhất.

Có thể khẳng định, công tác đào tạo, tuyên truyền trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Nhận thức của công chúng, của các tổ chức, cá nhân về SHTT ngày càng cao, thể hiện rõ qua việc các chủ thể đã chủ động tiếp cận, khai thác thông tin SHCN, nộp đơn đăng ký quyền SHCN ở Việt Nam và ra nước ngoài ngày càng gia tăng.


 

5. Trân trọng quá khứ, hướng tới tương lai, đồng hành cùng cộng đồng bước vào kỷ nguyên mới

Có thể thấy với thời gian 38 năm hình thành và phát triển, Cục SHTT đã thực sự có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của công cuộc đổi mới đất nước. Cục SHTT đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất năm 2012, Huân chương lao động hạng Nhì năm 2007, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ các năm 2007, 2008, 2011, cùng nhiều Bằng khen và các danh hiệu cao quý khác. Có được điều này là nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, sự đoàn kết, thống nhất của tập thể Đảng ủy, Lãnh đạo Cục, sự nỗ lực cố gắng của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục qua các thế hệ.

SHTT giờ đây đã trở thành một yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động kinh tế xã hội, là động lực cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao vị thế của mỗi quốc gia. Những chặng đường đã qua, Cục SHTT đã cơ bản hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong từng thời kỳ. Nhưng để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi Cục SHTT ra sức nỗ lực, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng ở mọi mặt công tác, từ hoạt động xây dựng chính sách pháp luật, đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến nâng cao năng lực xử lý đơn SHCN, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế của Cục trong các tổ chức quốc tế về SHTT.

38 năm là cơ hội để nhìn lại chính mình và hướng tới tương lai tươi sáng. Hơn lúc nào hết, Cục SHTT đã và đang chuẩn bị sẵn sàng để tiếp sức và đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của trí tuệ, hợp tác và phát triển bền vững./.
 

--------------------------------------

Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019.

Công tác tiếp nhận đơn đăng ký quyền SHCN:  Năm 2016 tiếp nhận 58.217 đơn, năm 2017 tiếp nhận 60.166 đơn, năm 2018 tiếp nhận 64.889 đơn, năm 2019 tiếp nhận 75.742 đơn.

Với công tác tham mưu chuyên môn của Cục SHTT, Việt Nam đã ký kết và gia nhập hầu hết các điều ước quốc tế về SHTT. Chi tiết các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia có tại: http://ipvietnam.gov.vn/vi_VN/web/guest/-ieu-uoc-quoc-te.

Dành cho các đối tượng: cán bộ quản lý về SHTT thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước; cán bộ các hội/hiệp hội ngành nghề; cán bộ các trường đại học, viện nghiên cứu; lãnh đạo doanh nghiệp; cán bộ doanh nghiệp; các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý; cán bộ thuộc các cơ quan thực thi.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1309

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)