Thứ ba, 12/11/2019 18:53 GMT+7

Phát triển du lịch - cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019, sáng ngày 10/11/2019, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Du lịch - Cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên tiềm năng, lợi thế vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại Trung tâm Hội nghị Hải Tượng tỉnh Sóc Trăng.

Chủ trì Hội thảo có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng; ông Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; bà Vũ Thị Hiếu Đông - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng; ông Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng

Tham dự Hội thảo có các đơn vị thuộc Bộ KH&CN: ông  Đinh Hữu Phí - Cục Trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Hoàng Anh Tuấn - Cục Trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử; ông Phạm Xuân Đà - Cục Trưởng Cục Công tác phía Nam, ông Trần Văn Quang - Phó Vụ Trưởng Vụ Phát triển KH&CN Địa phương; ông Lê Hùng Lân, Viện Trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ ; cùng với 130 đại biểu đại diện cho các Sở KH&CN, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các Sở, ngành, UBND các địa phương trong tỉnh và các trường, các doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh.

Hội thảo “Du lịch - Cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên tiềm năng, lợi thế vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ những thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch dựa trên các tiềm năng, lợi thế của vùng Đồng bằng sông cửu Long (ĐBSCL) và đưa ra định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới ở vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Đồng thời, tạo sự kết nối, chia sẻ giữa các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về tiềm năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, giới thiệu sản phẩm du lịch gắn liền với đặc sản địa phương, góp phần phát triển du lịch vùng ĐBSCL theo hướng liên kết vùng gắn liền với việc thực hiện mục tiêu khai thác, bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của từng tỉnh, thành phố trong Vùng.

Tại hội thảo, đã có nhiều tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp đóng góp ý kiến đề xuất đưa ra những hướng phát triển khởi nghiệp để Sóc Trăng nói riêng và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung nắm bắt lợi thế riêng có của vùng, địa phương mình đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch sông nước, miệt vườn, du lịch biển,... Đa số các ý kiến cho rằng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế như sông rạch, cây tría, sản phẩm đặc trưng sẵn có, nhiều sản phẩm có thể trở thành đồ lưu niệm phục vụ, thu hút du khách nếu biết khai thác tốt.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, để du lịch Sóc Trăng phát triển xứng tầm, cần có sự liên kết, phối hợp với các tỉnh, thành phố trong vùng và có giải pháp trong quy hoạch phát triển du lịch, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, đẩy mạnh đầu tư vào kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư các sản phẩm du lịch mới, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa (lễ hội, tâm linh; tham quan di tích lịch sử, làng nghề…), phát triển các điểm du lịch tạo điểm nhấn kết nối các tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, cũng như kết nối với các tuyến du lịch lữ hành quốc tế.

Bên cạnh đó, cần tham vấn, hỗ trợ của các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế để phát triển ngành Du lịch một cách bền vững và lâu dài, đặc biệt là phát triển KH&CN chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ công chức và người dân về du lịch; kêu gọi nhà đầu tư chiến lược có uy tín đầu tư vào du lịch, phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch. Ông Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh.
 

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý hành tím Vĩnh Châu cho bà Vũ Thị Hiếu Đông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng và ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu.
 

Tại Hội thảo, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã công bố chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 75 của cả nước và là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng, được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Quyết định số 2665/QĐ-SHTT ngày 28/5/2019.
 

Trưng bày giới thiệu sản phẩm của các Doanh nghiệp KH&CN.
 

Bên lề Hội thảo cũng đã trưng bày giới thiệu các Báo cáo tổng hợp, sách của các đề tài, dự án; sản phẩm của dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng”; ấn phẩm du lịch, sản phẩm quà tặng lưu niệm văn hóa Sóc Trăng, thủ công mỹ nghệ; sản phẩm thuộc “Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; sản phẩm của các Doanh nghiệp KH&CN; công nghệ, thiết bị phục vụ trong phát triển du lịch...

 

Nguồn: Vụ Phát triển KH&CN địa phương - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2353

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)