Thứ ba, 16/03/2021 16:35 GMT+7

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sẵn sàng cho những thử nghiệm cuối cùng trước khi phóng

Vệ tinh NanoDragon (NDG) là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng khoảng 4 kg với kích thước 3U, được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (TTVTVN) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát triển, dự kiến phóng lên quỹ đạo vào tháng 9 năm 2021, đúng vào dịp 10 năm thành lập TTVTVN.

Các cán bộ VNSC tham gia chế tạo NanoDragon

Vệ tinh là sản phẩm của Đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano" thuộc "Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020". Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của TTVTVN. Ngoài ra toàn bộ cấu trúc cơ khí và mạch phân phối nguồn của vệ tinh cũng được tự chế tạo tại Việt Nam.
 


Vệ tinh NanoDragon đã hoàn thiện

Nhiệm vụ vệ tinh: Vệ tinh NDG dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) ở độ cao khoảng 520 km. Vệ tinh có hai nhiệm vụ chính: 1/ tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển; và 2/ sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo.  

Thông số kĩ thuật hệ thống: 

Kích thước [mm] 100 x 100 x 340.5
Khối lượng [kg] 4
Quỹ đạo Độ cao:  520km
Góc nghiêng:  97.2˚
Khối nhiệm vụ

Bộ thu AIS: hoạt động ở tần số 162 Mhz

Máy ảnh quang học: độ phân giải mặt đất < 70m

Tần số hoạt động Tần số thu tín hiệu: 437 Mhz (UHF)
Tần số phát tín hiệu: 145 Mhz (VHF)
Tần số thu dữ liệu nhiệm vụ: 2250 Mhz (S-band)
Điều khiển tư thế 3 trục sử dụng thanh từ lực và bánh xe động lượng

 
Hiện quá trình phát triển vệ tinh NanoDragon đã đi đến những bước cuối cùng. Vệ tinh đã được tích hợp, thử nghiệm chức năng ở mức hệ thống và chuẩn bị được gửi sang Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản để thử nghiệm môi trường (giả lập môi trường phóng và môi trường vũ trụ).

 


NanoDragon trong vali gửi sang Nhật thử nghiệm

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quá trình thử nghiệm được thực hiện bởi một cán bộ TTVTVN hiện đang làm nghiên cứu sinh tại trường phối hợp với các cán bộ trong nước thông qua công cụ trực tuyến. Kế hoạch chi tiết của đợt thử nghiệm tại Viện Công nghệ Kyushu như sau:

- Ngày 8-14/3/2021: Thử nghiệm nhiệt trong buồng chân không
- Ngày 15/3/2021: Thử nghiệm Fit-check lần 1
- Ngày 16-17/3/2021: Thử nghiệm rung động
- Ngày 19/3/2021: Thử nghiệm sốc
- Ngày 20/3/2021: Thử nghiệm Fit-check lần 2

Thử nghiệm rung, sốc và nhiệt chân không tại Nhật Bản là bước cuối cùng trong việc phát triển phần cứng vệ tinh. Sau khi thử nghiệm, vệ tinh sẽ được gửi trả về Việt Nam để chờ phóng. Trong thời gian này, phần mềm bay của vệ tinh vẫn có thể được kiểm tra, tối ưu, để bảo đảm vệ tinh vận hành trơn tru trên quỹ đạo. Dự kiến vệ tinh sẽ được phóng bởi tên lửa Epsilon của Nhật Bản theo chương trình "Innovative satellite technology demonstration" vào tháng 9/2021.

Song song với quá trình phát triển vệ tinh là công tác thiết kế, xây dựng và lắp đặt trạm mặt đất để vận hành vệ tinh sau khi phóng. Trạm mặt đất này hiện cũng chuẩn bi được hoàn thành phần lắp đặt và chuyển sang vận hành thử nghiệm.

Trước NanoDragon, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg), phóng lên quỹ đạo và thu được tín hiệu vào năm 2013. Vệ tinh MicroDragon (50kg) đã được chế tạo bởi nhóm 36 cán bộ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản, được phóng thành công lên quỹ đạo vào tháng 1 năm 2019 và gửi được ảnh về trạm mặt đất tại Nhật Bản.

Việc phát triển vệ tinh NanoDragon tại Việt Nam là cột mốc lớn tiếp theo trong quá trình hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất trong lộ trình phát triển vệ tinh “Made in Vietnam”. Sự kiện cũng đã được truyền hình VTV đưa tin với khẳng định “Ước mơ nền công nghiệp vũ trụ Việt Nam vươn cao không còn xa”.

Liên kết nguồn tin:

https://vast.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ve-tinh-nanodragon-cua-viet-nam-san-sang-cho-nhung-thu-nghiem-cuoi-cung-truoc-khi-phong-13845-2.html

 

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Lượt xem: 883

TAGS : Vệ tinh
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)