Thứ sáu, 12/03/2021 10:14 GMT+7

Việt Nam sẽ hình thành Chính phủ số vào năm 2025

Chính phủ số sẽ được hình thành vào năm 2025. Chuyển đổi từ Chính phủ điện tử thành Chính phủ số là sự chuyển đổi có tính căn bản. Thách thức của Chính phủ số là quản lý sự thay đổi.

Chính phủ điện tử: Điểm sáng trong nhiệm kỳ

Chiều 10/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT), đã chủ trì phiên họp thường kỳ của Ủy ban này với nội dung chính là sơ kết 3 năm triển khai Nghị quyết số 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.


Phiên họp diễn ra chiều 10/3. Ảnh: Đức Huy

Thủ tướng đánh giá cao kết quả đạt được sau 3 năm triển khai. Một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quy mô quốc gia đã được xây dựng và phát huy hiệu quả như CSDL đăng ký doanh nghiệp, y tế, giáo dục, hộ tịch… Đặc biệt, CSDL quốc gia về dân cư đã được khai trương với 14 trường dữ liệu, nếu ứng dụng hiệu quả sẽ giúp đáng kể giảm giấy tờ, giúp công tác quản lý các vấn đề xã hội thuận lợi hơn.

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao được phát triển, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, nhất là Cổng Dịch vụ công Quốc gia do Văn phòng Chính phủ điều hành, hiện có 2.800 dịch vụ được tích hợp, người dân và doanh nghiệp rất mừng vì có thể giảm chi phí, tiêu cực.

Hoạt động trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đã thành nền nếp, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính. Trên 90% văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước, hơn 4,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia được khởi động.

Sau khi Bộ TT&TT trình Chính phủ và được phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số, trên 50% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, đề án chuyển đổi số. Các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đã nỗ lực làm chủ nhiều công nghệ cốt lõi. Bộ TT&TT thường xuyên ra mắt các nền tảng Make in Việt Nam (gần 40 nền tảng).

Những kết quả nêu trên đã giúp Việt Nam thăng hạng trong bảng xếp hạng CPĐT. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc về CPĐT năm 2020, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia, lãnh thổ, tăng 3 bậc so với năm 2018.

Có thể nói, CPĐT là một điểm sáng trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, nhất là năm 2020, năm thành công nhất về CPĐT”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

Thủ tướng cũng lưu ý rằng kết quả này còn thấp so với mục tiêu đề ra. Hơn thế, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ ở vị trí thứ 6, xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines. Chỉ số CPĐT các nước trong khu vực tăng mạnh đồng nghĩa môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, trở thành những lựa chọn cạnh tranh đáng gờm của Việt Nam, đặc biệt trong thu hút đầu tư thương mại, dịch vụ.

5 mục tiêu, 6 chiến lược của Chính phủ số

Một thông tin thu hút sự quan tâm của phiên họp đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng công bố. Đó là trong quý I hoặc đầu quý II năm 2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược CPĐT tiến tới Chính phủ số. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một chiến lược như vậy.

Các chỉ tiêu của CPĐT sẽ cơ bản được hoàn thành trong năm 2021, với trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%. Chính phủ số Việt Nam sẽ được hình thành vào năm 2025 và thuộc top 50 thế giới. Các dịch vụ của Chính phủ được cung cấp tự động 24/7, theo nhu cầu và cá thể hóa. Các dịch vụ công mới được phát triển kịp thời dựa trên dữ liệu mở và với sự tham gia hợp tác của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia. Tiếp theo là sự liên tục tiến hóa để trở thành chính phủ thông minh.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: "Thách thức của CPĐT là liên thông, tích hợp thì thách thức của Chính phủ số là quản lý sự thay đổi". Ảnh: Đức Huy

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Chính phủ số có sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, do vậy phải đi trước, đi đầu và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số.

Chiến lược Chính phủ số đặt ra 5 mục tiêu: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân; Huy động sự tham gia rộng rãi của người dân, doanh nghiệp; Sự vận hành tối ưu của các cơ quan nhà nước dựa trên dữ liệu và công nghệ số; Giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, như y tế, giáo dục, giao thông…; Đột phá về thăng hạng trong xếp hạng quốc gia.

Chiến lược cũng đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng số quốc gia; Phát triển các nền tảng số quốc gia; Phát triển dữ liệu quốc gia; Phát triển các ứng dụng quốc gia; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Chuyển đổi từ CPĐT thành Chính phủ số là sự chuyển đổi có tính căn bản. Từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số. Từ người dẫn dắt là giám đốc CNTT thành người đứng đầu các tổ chức. Khái niệm hệ thống công nghệ thông tin được thay bằng nền tảng số. Từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận theo hướng dữ liệu. Từ công nghệ Web và PC thành công nghệ Mobile, Cloud, AI, IoT. Từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Từ cải cách thủ tục hành chính thành thay đổi mô hình quản trị. Từ đo lường số lượng dịch vụ công lên online thành số lượng dịch vụ công mới được phát triển. Thách thức của CPĐT là liên thông, tích hợp thì thách thức của Chính phủ số là quản lý sự thay đổi.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Những nội dung được tập trung thảo luận tại phiên họp lần này là nhận diện tồn tại, hạn chế, vướng mắc làm cản trở việc xây dựng CPĐT, tìm đúng nguyên nhân, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến trình xây dựng trong thời gian tới.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT trăn trở về cơ chế tài chính cho CNTT. Thực sự các địa phương, các bộ rất muốn làm, đã nhìn ra vấn đề cần làm gì, nhưng vấn đề tài chính vướng. Không biết năm tới các địa phương/bộ có thể chi bao nhiêu cho CNTT? Nếu giải quyết được điểm này thì có thể đẩy tốc độ CPĐT.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC thẳng thắn nhìn nhận tốc độ thay đổi các quy chế, quy định hiện nay để đáp ứng nhu cầu xây dựng Chính phủ số còn khá chậm. Bên cạnh đó là nỗi lo về nguồn nhân lực. Vừa rồi Samsung giao triển khai CMC dự án xây dựng hệ thống giám sát thông tin toàn cầu với quy mô 1.500 nhân sự, thế nhưng nguồn nhân lực tại các địa phương chưa thực sự sẵn sàng.

Còn ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ DTT nhấn mạnh sự cần thiết của dữ liệu mở, đồng thời nêu một loạt đề xuất: Cần có các mô hình để các bên tham gia, đặc biệt là doanh nghiệp, dùng dữ liệu có sẵn để tạo ra các giá trị mới; Chính phủ cần đặt chỉ tiêu xếp hạng dữ liệu mở; Bộ TT&TT cần có kế hoạch xây dựng các dữ liệu mở...

Hành trình xây dựng Chính phủ số

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định 3 năm qua UBCPĐT QG đã triển khai NQ 17 tích cực, trách nhiệm, đạt nhiều kết quả rõ nét. Các Sở TT&TT, cơ quan chuyên trách CNTT được kiện toàn, triển khai tốt nhiệm vụ CPĐT.

Cùng với đó, môi trường pháp lý CPĐT cơ bản hình thành tương đối đầy đủ, trong đó có nhiều nghị định rất quan trọng. Ngoài ra, các nền tảng được tập trung phát triển, trong đó nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu toàn quốc. Kết quả thấy được CPĐT giúp chỉ đạo phòng chống Covid thành công ở Việt Nam. Một số CSDL quy mô quốc gia đã được xây dựng và phát huy hiệu quả.

Thủ tướng: Các Sở TT&TT, cơ quan chuyên trách CNTT được kiện toàn, triển khai tốt nhiệm vụ CPĐT. Ảnh: Đức Huy

Đánh giá cao Bộ Công an đã có những cố gắng, Thủ tướng lưu ý CSDL quốc gia phải được sử dụng hiệu quả, chứ không phải mỗi bộ, cơ quan ôm, không chia sẻ. Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính đề xuất khung phí phù hợp, thuận lợi.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của các thành viên UBQG, các bộ, ngành, địa phương, DN, đặc biệt DN công nghệ. Cùng với đó là biểu dương Bộ TT&TT hoàn thành tốt vai trò đầu mối có kết quả tốt; tập trung nhiều cán bộ giỏi; thường xuyên lắng nghe chuyên gia công nghệ đóng góp.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhìn nhận môi trường pháp lý CPĐT chưa được hoàn thiện, một số việc quan trọng chưa được ban hành, đặc biệt dữ liệu cá nhân, định danh xác thực điện tử. Ngoài ra, tỷ lệ DVCTT mức 4 còn thấp. Nhiều tỉnh, bộ chưa kết nối tốt. CSDL chậm được triển khai, kết nối.

Vì vậy, có chiến lược, giao các bộ, ngành, đẩy mạnh DVCTT, triển khai hệ thống CPĐT cấp bộ, tỉnh thuận lợi nhất. Cấp bộ, ngành chủ động chia sẻ, cung cấp dữ liệu của mình cho các cơ quan khác. 100% cơ quan, tổ chức nhà nước, thậm chí các DN lớn hoàn thành xác định cấp độ ATTT, đề xuất phương án ATTT.
 

Trưởng ban Kinh tế TƯ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh:

Tôi mới về công tác tại Ban Kinh tế TƯ, thấy CPĐT đi rất nhanh, hiệu quả rất tốt, nhưng hàng loạt nghị quyết đang vướng về CSDL, không có CSDL thì không nghiên cứu được. Ban Kinh tế TƯ cần cơ chế để khai thác, tiếp cận CSDL đang có. Về đất đai, Ban phải đổi mới pháp luật đất đai, đã thông qua nhưng đi làm là cả công trình khó khăn. Hàng loạt CSDL về hải quan, thương mại… Rất may, Bộ Công an rất mở. Cần tính quy chế về quản lý vận hành trên cơ sở nền tảng tích hợp dữ liệu, có cơ chế để các cơ quan chức năng có thể khai thác kỹ thuật để phục vụ hiệu quả hoạt động; nếu không sẽ giảm hiệu quả của CSDL, ứng dụng CNTT vào quản trị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Trước làm CPĐT từ trên xuống vì phải đổi mới. Giờ cho phép làm 2 mũi cả từ dưới lên. Vừa rồi nền tảng y tế xã làm thì thấy, nếu có nền tảng thì hoàn toàn làm từ dưới lên được. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo làm thí điểm xã điện tử, từ dưới lên, làm đồng khởi thì cả nước giống như làm nông thôn mới.


XEM TOÀN VĂN PHÁT BIỂU  KHAI MẠC CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI ĐÂY

XEM TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TT&TT NGUYỄN MẠNH HÙNG TẠI ĐÂY

XEM TOÀN VĂN PHÁT BIỂU BẾ MẠC CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI ĐÂY

Liên kết nguồn tin: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/146654/Viet-Nam-se-hinh-thanh-Chinh-phu-so-vao-nam-2025.html

 

Nguồn: mic.gov.vn

Lượt xem: 1411

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)