Thứ ba, 26/11/2019 09:45 GMT+7

Đổi mới công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh

Đổi mới công nghệ có vai trò ngày càng quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang có tác động ngày một sâu rộng.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Diễn đàn.
 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng cho biết như trên tại Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp và đổi mới công nghệ diễn ra chiều 25/11 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Diễn đàn do Bộ KH&CN phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức.

Tham dự Diễn đàn có Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Huỳnh Nữ Thu Hà, Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ban, bộ, ngành trung ương và địa phương.

Đổi mới công nghệ là tất yếu

Thời gian qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Các chính sách này được triển khai thông qua các công cụ thuế; các chương trình hỗ trợ cụ thể và các giải pháp tài chính như: trích lập Quỹ KH&CN, hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp và bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay  phục vụ đổi mới công nghệ. … Trong đó, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã được phê duyệt từ năm 2011 là một trong các giải pháp hiệu quả do Bộ KH&CN triển khai.

Với các chính sách, giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước cùng với sự quyết tâm, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, thời gian đã có nhiều doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh trên cơ sở đổi mới công nghệ. Ví dụ như: Tập đoàn Sao Mai đã làm chủ công nghệ tinh luyện phụ phẩm mỡ cá tra thành các loại dầu thực phẩm và dầu công nghiệp, giúp tăng thêm 800 tỷ giá trị sản phẩm mỗi năm; Doanh nghiệp Lương Quới chuyển giao thành công quy trình tách tinh dầu dừa tinh khiết đạt tiêu chuẩn quốc tế giúp  tăng giá trị sản phẩm gấp 4 lần, hiện nay doanh nghiệp Lương Quới có năng lực tiêu thụ tận dụng tới 6 triệu lít nước dừa  từ khoảng 12 triệu quả dừa do các doanh nghiệp khác không có khả năng sử dụng… Tại Gia Lai, đã có một số doanh nghiệp điểm sáng như: Doanh nghiệp Vĩnh Hiệp, Trường Sinh và  nhiều doanh nghiệp tiềm năng khác. Những thành quả này là minh chứng cụ thể và thuyết phục về vai trò, tác động mạnh mẽ mà công nghệ có thể mang lại cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng nhìn nhận rằng, hoạt động đổi mới công nghệ vẫn chưa thành hoạt động phổ biến, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nhiều nguyên nhân khác nhau như: nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của công nghệ còn chưa đầy đủ; các công nghệ đang sử dụng có tuổi đời lớn; thiếu nguồn lực cho đổi mới công nghệ; thiếu thông tin về các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Do vậy, đó chính là các nội dung được trao đổi tại Diễn đàn với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành từ trung ương tới địa phương, các doanh nghiệp và nhà khoa học trong và ngoài nước. Các diễn giả đã tập trung trao đổi các công nghệ mới có tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam đặc biệt là các công nghệ phục vụ phát triển bền vững. Đồng thời đóng góp ý kiến để huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm đẩy mạnh, phổ biến và đổi mới công nghệ trong cộng đồng doanh nghiệp.
 

Các diễn giả thảo luận tại Phiên 1 Diễn đàn với chủ đề “Cập nhật xu hướng và nhu cầu công nghệ phục vụ phát triển bền vững”.
 

Phiên thảo luận thứ nhất tại Diễn đàn với chủ đề “Cập nhật xu hướng và nhu cầu công nghệ phục vụ phát triển bền vững” với sự tham dự của các diễn giả: Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, TS. Alexander Redeker – Giám đốc điều hành Aone Deutschland AG (CHLB Đức), PGS. Dương Minh Hải - Đại học Quốc gia Singapore; ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, ông Phan Thanh Thiên – Tổng Giám đốc Trường Sinh Group, ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, VCCI

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, các công nghệ mới không chỉ giúp doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm với các tính năng ưu việt với chi phí cạnh tranh, mà còn tạo ra các mô hình kinh doanh chưa từng xuất hiện. Ví dụ như tạo ra doanh nghiệp vận chuyển có quy mô tầm cỡ thế giới mà không cần sở hữu phương tiện vận chuyển như Uber, Grab; tạo ra doanh nghiệp cho thuê phòng quy mô toàn cầu mà không cần xây bất cứ khách sạn nào như Airbnb;... Quan trọng hơn, các công nghệ mới còn giúp chúng ta sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, xử lý triệt để các nguồn rác thải, giảm phát thải nhà kính và hướng tới hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.

“Đối với doanh nghiệp, hoạt động đổi mới công nghệ không còn là một lựa chọn, mà sẽ là hoạt động tất yếu nếu muốn duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đổi mới công nghệ không chỉ mang tới hiệu quả vượt trội trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, mà còn góp phần vào sự phát triển của địa phương và quốc gia”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay.

Để hoạt động đầu tư công nghệ có hiệu quả, bước đầu tiên và quan trọng nhất là lựa chọn công nghệ phù hợp với năng lực của doanh nghiệp, tiềm năng phát triển của địa phương và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho rằng, vị trí công nghệ chưa được doanh nghiệp coi trọng, chỉ đứng sau thị trường, tài chính và nhân lực nên Việt Nam cần sử dụng công nghệ đến từ các nước phát triển. Đồng thời, kinh tế Việt Nam tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp cần phải tìm kiếm công nghệ để tối ưu hóa nguyên liệu đầu vào, phù hợp với nhu cầu và nguồn lực của doanh nghiệp.

Nói về vai trò của đổi mới công nghệ trong phát triển Tập đoàn Trường Sinh, ông Phan Thanh Thiên, Tổng Giám đốc cho biết, Tập đoàn được tiếp cận KH&CN từ các bộ, ban, ngành trung ương. Theo ông, KH&CN phải là yếu tố hàng đầu doanh nghiệp cần quan tâm, bất cứ doanh nghiệp nào đều có thể ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh. Đối với doanh nghiệp lớn thì hệ thống và tiêu chuẩn quản trị về công nghệ lớn, nếu áp dụng KH&CN phải đánh giá được dây chuyền sản xuất.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, không thể phủ nhận được vai trò của công nghệ đối với phát triển doanh nghiệp. Đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm chi phí, tạo ra sản phẩm độc đáo đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp đặt ra nhiệm vụ đổi mới công nghệ là vấn đề sống còn. Đổi mới công nghệ phải gắn với phát triển bền vững, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi trình độ và năng lực công nghệ còn thấp cần có công nghệ phù hợp và thể chế phù hợp. Quan trọng hơn cả là đổi mới công nghệ phải gắn với phát triển bền vững, giúp cuộc sống con người tốt hơn.

Là người từng có nhiều năm hợp tác cùng các doanh nghiệp, PGS. Dương Minh Hải, Đại học Quốc gia Singapore dẫn ví dụ từ quốc gia này các doanh nghiệp luôn sẵn sàng đổi mới công nghệ. Khi các nhà khoa học viết dự án nghiên cứu phải có doanh nghiệp hỗ trợ. Để làm được điều này, vấn đề nhà khoa học đặt ra phải trùng với sự quan tâm của doanh nghiệp. Nếu nghiên cứu đó giải được bài toán cho những khó khăn họ đang gặp phải thì việc cấp kinh phí không còn là chuyện khó khăn. Điều doanh nghiệp cần là làm sao đơn giản hóa trong sản xuất, nâng hiệu suất đầu tư. 

Cần có cơ chế để doanh nghiệp đổi mới công nghệ
 

Các diễn giả thảo luận tại Phiên 2 Diễn đàn với chủ đề “Chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
 

Phiên thứ hai tại Diễn đàn diễn ra với chủ đề “Chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ”. Các diễn giả tham gia thảo luận có: Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Giám đốc Sở KH&CN Gia Lai Lưu Trung Nghĩa, ông Phan Thanh Lộc - Công ty Quản lý Quỹ đầu tư ViGroup, TS. Ron Ashki, Giám đốc Dự án USLINKS LinkSME (Hoa Kỳ), ông Nguyễn Thế Tài, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và CEO Tập đoàn Bamboo Capital.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Đảng luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc, đây là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư trước một bước. Đảng luôn coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KH&CN.

Đảng cũng đã xác đinh các ngành công nghệ ưu tiên và định hướng thực hiện chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ ưu tiên, chủ yếu là thông qua công nghệ mới, hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển KH&CN và đặt hàng mua sắm công. Các quan điểm của Đảng được thể chế hóa, thông qua việc Quốc hội ban hành các Luật như: Luật KH&CN, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghệ… Chính phủ cũng đã ban hành một số Nghị định, Nghị quyết để thi hành các Luật và hỗ trợ đối với doanh nghiệp đổi mới công nghệ, mới đây là Nghị định số 13 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN. Như vậy, khuôn khổ pháp lý và cơ chế hính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo là tương đối đầy đủ.

TS. Ron Ashkin cho biết, hỗ trợ cho các doanh nghiệp là hỗ trợ nâng cao năng lực, USAID tăng nội địa hóa và kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần đơn giản và thực tiễn hơn, làm cho các doanh nghiệp hấp thụ công nghệ và tạo ra hành lang một cửa để tiếp nhận các dòng dịch chuyển đầu tư, nên rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan.

Theo Giám đốc Sở KH&CN Gia Lai Lưu Trung Nghĩa, cần đầu tư đổi mới công nghệ tạo ra chuỗi sản phẩm để tham gia thị trường có chất lượng. Hiện, các nghiên cứu của Gia Lai ưu tiên có sự tham gia của doanh nghiệp, có những nhiệm vụ nghiên cứu 100% vốn của doanh nghiệp. Cùng với đó là hỗ trợ làm tiêu chuẩn chất lượng, làm truy xuất nguồn gốc chỉ đạo của Chính phủ.
 

Toàn cảnh Diễn đàn.
 

Tại hai phiên thảo luận, các diễn giả đã thảo luận sôi nổi về xu hướng phát triển công nghệ của Việt Nam cùng với các chính sách, giải pháp hỗ trợ do doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Theo ý kiến của các chuyên gia cần có cơ chế để các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Việt Nam là nước đi sau, đang phát triển cần phải lựa chọn các công nghệ phù hợp với mỗi địa phương và với doanh nghiệp của mình. Việt Nam cần chú ý xu hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành chế biến phụ phẩm, tạo giá trị gia tăng. Cần phải dùng công nghệ để để thực hiện vừa phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, bảo vệ môi trường, dựa trên chính tài nguyên của các địa phương, kể các rác thải cũng được coi là nguồn tài nguyên của chúng ta. Cần có sự liên kết chặt chẽ từ các nhà khoa học, doanh nghiệp với các cơ chế do nhà nước, chính phủ, các bộ, ngành trong việc đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp kể cả các đối tượng trong và ngoài nước.

Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định, về phía Bộ KH&CN sẽ cùng với các bộ, ban, ngành đang coi doanh nghiệp là trung tâm và hỗ trợ để doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Đề nghị các doanh nghiệp phối hợp, tham gia vào các chương trình đổi mới công nghệ của Bộ đang triển khai.

“Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp và đổi mới công nghệ là cơ hội để kết nối doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, các trường đại học, với các nhà công nghệ ở trong và ngoài nước. Chúng tôi hi vọng trong thời gian tới chúng ta tận dụng tốt cơ hội để nhận chuyển giao công nghệ phù hợp với Việt Nam để phát triển bền vững”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 4495

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)