Thứ hai, 25/11/2019 15:38 GMT+7

Cơ sở khoa học quy định tiêu chí lựa chọn và trách nhiệm đơn vị cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại và hồ sơ yêu câu bồi thường thiệt hại về môi trường

Thực tiễn giải quyết các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường trong thời gian qua tại Việt Nam gặp không ít khó khăn, vướng mắc, bất cập do các quy định hiện hành còn chưa đủ chi tiết định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu có thì chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp. Hiện nay, theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, cả nước có 171 đơn vị cung cấp dịch vụ quan trắc, đánh giá, đo đạc có đủ điều kiện hoạt động dịch vụ theo quy định của Nghị định số 127/2014/NĐ-CP để thu thập dữ liệu, chứng cứ. Các đơn vị này bước đầu đã có những đóng góp quan trọng trong việc thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều đơn vị năng lực vẫn còn yếu, lĩnh vực thực hiện dịch vụ chưa đa dạng. Vì vậy, để lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực thực hiện xác định thiệt hại, bảo đảm các đơn vị đều bình đẳng trước pháp luật, các cơ quan có yêu cầu thu thập dữ liệu, chứng cứ cần căn cứ vào các tiêu chí, điều kiện để lựa chọn được đơn vị thích hợp góp phần bảo đảm việc thu thập dữ liệu được chính xác, khách quan và khoa học, đồng thời tránh được sự bất hợp lý trong việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ.


 

Nghị định số 113/2010/NĐ-CP ngày 03/12/2010 và nay là Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06/1/2015 của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường đã quy định tương đối chi tiết về về xác định thiệt hại đối với môi trường. Nhằm sớm đưa Nghị định này vào thi hành trong thực tiễn, cùng với những lý do cơ bản nêu trên, nhóm nghiên cứu Viện Khoa học môi trường do PGS. TS. Phạm Văn Lợi đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Cơ sở khoa học nhằm quy định tiêu chí lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu, chứng cứ xác định thiệt hại và hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường”.

Sau một thời gian triển khai nghiên cứu, nhóm nghiên cứu thu được các kết quả như sau:

1. Làm rõ được bức tranh tương đối toàn cảnh về thực trạng vi phạm pháp luật, thiệt hại do vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và thực trạng giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường ở các địa phương đi khảo sát trong đó nổi cộm lên một số vụ việc và các vướng mắc, khó khăn trong việc yêu cầu và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường. Qua các vụ việc ấy cho thấy:

- Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do các hành vi gây ô nhiễm môi trường mới chỉ thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản của người dân mà chưa yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường tự nhiên. Và hầu hết các doanh nghiệp gây ô nhiễm không có tinh thần tự giác trong việc bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm mà mình gây ra, thậm chí ngay cả khi các cơ quan có thẩm quyền đưa ra bằng chứng cụ thể như vụ Sông Chà Và và Vụ Vedan thì cũng phải họp thương lượng nhiều lần mà vẫn chưa chấp nhận bồi thường thiệt hại, vụ Vedan thì phải dùng đến sức mạnh của thị trường thì Vedan mới chấp nhận bồi thường thiệt hại cho tài sản của người dân và Vụ sông Chà Và thì phải khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho tài sản của người dân.

- Có thể do chế tài xử lý, có thể nhiều nguyên nhân, các doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm không tự giác chấp hành pháp luật môi trường và có tinh thần chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm khi cơ quan nhà nước chưa chứng minh được hành vi gây ô nhiễm,

- Để hỗ trợ người dân yêu cầu bồi thường thiệt hại, các cơ quan chức năng thường đứng ra thu thập dữ liệu, chứng cứ về mức độ ô nhiễm của môi trường. Do chưa có quy định cụ thể về thủ tục, quy trình bồi thường thiệt hại nên việc thu thập dữ liệu, chứng cứ cho các vụ việc cụ thể thường thực hiện theo kinh nghiệm của đơn vị được giao xác định mức độ ô nhiễm, đối tượng gây ô nhiễm và trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Các bước đã thực hiện để tính toán, xác định thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường bao gồm: quan trắc, lấy mẫu, phân tích các thông số môi trường để xác định nguyên nhân và mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường; Xác định các hoạt động gây ô nhiễm và tỷ lệ đóng góp gây ô nhiễm; Xác định chủ thể phải bồi thường thiệt hại; Xác định thiệt hại, lựa chọn các phương thức yêu cầu bồi thường thiệt hại, phân công các cơ quan chức năng hỗ trợ người dân xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

- Chưa có nhiều cơ quan có thẩm quyền đủ năng lực để thu thập dữ liệu, chứng cứ, tính toán thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cả Vụ Vedan và Vụ cá chết trên sông Chà Và, cơ quan thu thập dữ liệu, chứng cứ, tính toán thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đều là Viện TN&MT, Vụ Formusa thì do mức độ phức tạp nên phải huy động rất nhiều nhà khoa học và các đơn vị quan trắc và phân tích môi trường nhưng cũng chủ yếu theo phương pháp chỉ định đơn vị thu thập dữ liệu, chứng cứ. Vì vậy cần phải có cơ chế để nhiều tổ chức có thể thu thập dữ liệu, chứng cứ.

- Qua các vụ việc xác định thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường đã xảy ra thời gian qua, ta thấy thông tin môi trường ban đầu, môi trường nền ở Việt Nam không có (rất ít, nằm tản mạn, không chính thống), các cơ sở dữ liệu, tài liệu liên quan không có nhiều nên rất khó thu thập, tính toán thệt hại. Khi xác định thiệt hại dựa trên dữ liệu nền cho các vụ việc, các cơ quan chức năng phải lật lại hồ sơ, phải phân tích bổ sung nhiều thông số,… rất khó khăn và mất thời gian.

2. Đã làm rõ được một số vấn đề cơ sở khoa học về tiêu chí lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu, chứng cứ xác định thiệt hại đặc biệt là đã đề xuất được hai nhóm tiêu chí là tiêu chí về điều kiện tiên quyết và tiêu chí về mặt kỹ thuật làm cơ sở so sánh và lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ phù hợp nhất.

3. Đã đề xuất được các loại trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu, chứng cứ xác định thiệt hại bao gồm trách nhiệm trong việc thu thập dữ liệu, chứng cứ, Trách nhiệm trong việc giải trình và quan trắc, đánh giá, đo đạc bổ sung, trách nhiệm vô tư, khách quan, trong việc quan trắc, đánh giá, đo đạc và Trách nhiệm pháp lý.

4. Đã nghiên cứu và thiết kế được 4 mẫu hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường tự nhiên. Mẫu này sẽ phục vụ cho công tác bồi thường thiệt hại đối với môi trường trong thời gian tới.

5. Đã nghiên cứu và rút ra một số nhận xét, đánh giá về cách thức lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như mẫu hồ sơ của một số nước trên thế giới. Nhận xét này phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu đề xuất tại Việt Nam.

6. Nhóm nghiên cứu cũng đã đánh giá khái quát thực trạng tổ chức và hoạt động của các đơn vị trong lĩnh vực quan trắc và phân tích môi trường đất, môi trường nước, hệ sinh thái cũng như thực trạng các phòng thí nghiệm hiện nay ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng cơ quan được cấp phép đủ điều kiện quan trắc và phân tích các thông số môi trường chưa có nhiều, đến thời điểm hiện tại (26/10/2016), cả nước mới chỉ có 175 tổ chức được cấp phép, trong đó chủ yếu được cấp phép trong lĩnh vực quan trắc và phân tích môi trường nước, trong lĩnh vực môi trường đất thì chủ yếu là lấy và bảo quản mẫu, trong lĩnh vực hệ sinh thái và loài được ưu tiên bảo vệ chỉ có 03 đơn vị được cấp phép.

7. Nhóm nghiên cứu cũng đã nghiên cứu xây dựng Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí lựa chọn và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ quan trắc, đánh giá, đo đạc để thu thập dữ liệu, chứng cứ, tính toán thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Việc nghiên cứu thành công của đề tài sẽ là góp phần quan trọng trong việc đưa Nghị định số 03/2015/NĐ-CP triển khai nghiêm túc và hiệu quả trong thực tiễn, tạo nguồn thu cho địa phương để phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường, giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường đến sức khỏe người lao động, đời sống người dân ở các khu vực xung quanh vùng ô nhiễm. Các kết quả nghiên cứu, đặc biệt là các giải pháp đưa ra sẽ tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.


* Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13447/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2081

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)