Thứ hai, 25/11/2019 15:46 GMT+7

Nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn trình tự, thủ tục chứng minh tổ chức, cá nhân không gây ô nhiễm môi trường

Hiện nay nước ta đang trong thời kỳ phát triển và hội nhập mạnh mẽ, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và hoạt động tại Việt Nam. Cùng với sự gia tăng, phát triển của các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài, chúng ta phải đối mặt với thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng và phức tạp. Việc xác định được đúng đối tượng gây ô nhiễm khi xảy ra ô nhiễm trên cùng một một phạm vi không gian là rất phức tạp. Pháp luật môi trường đã quy định doanh nghiệp, tổ chức có quyền thực hiện chứng minh không ô nhiễm, thể hiện tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 6 tháng 1 năm 2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường. Không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước có quyền đưa ra các yêu cầu đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà những tổ chức, cá nhân này cũng có thể phản bác lại kết luận của cơ quan nhà nước bằng cách đưa ra dữ liệu, chứng cứ chứng minh được rằng tổ chức, cá nhân mình không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để có thể thực hiện quyền chứng minh, cần có những quy định hướng dẫn chi tiết để hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân.


 

Nhằm xây dựng bộ tiêu chí chứng minh tổ chức, cá nhân không gây ô nhiễm môi trường và xây dựng nội dung dự thảo thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục chứng minh tổ chức, cá nhân không gây ô nhiễm môi trường, nhóm nghiên cứu do TS. Đỗ Nam Thắng, Viện Khoa học Môi trường - Tổng cục Môi trường đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn trình tự, thủ tục chứng minh tổ chức, cá nhân không gây ô nhiễm môi trường”. Đây là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách phục vụ công tác quản lý nhà nước về BVMT trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Trong phạm vi nghiên cứu, đề tài đã đạt được một số kết quả chính sau:

1. Làm rõ được cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về việc chứng minh tổ chức, cá nhân không gây ô nhiễm môi trường; trong đó nguyên tắc chứng minh không gây ô nhiễm chủ yếu dựa trên quy định về bồi thường thiệt hại của pháp luật dân sự trong mối quan hệ hữu cơ với pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Đánh giá thực trạng bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân và nhu cầu chứng minh không gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân qua hoạt động điều tra, khảo sát. Có thể nói, cho tới nay vẫn chưa có vụ việc chứng minh không ô nhiễm môi trường nhưng thực tế có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện chứng minh do không đồng ý với các mức bồi thường do cơ quan yêu cầu bồi thường đưa ra; mặt khác việc chứng minh không gây ô nhiễm môi trường sẽ khẳng định ý thức, đạo đức môi trường cho doanh nghiệp; tạo dựng hình ảnh của doanh nghiệp trong cộng đồng xã hội.

3. Thông qua quá trình điều tra, khảo sát; tổ chức hội thảo, tọa đàm xin ý kiến chuyên gia, đề tài đã xây dựng bộ tiêu chí chứng minh tổ chức, cá nhân không gây ô nhiễm môi trường nhằm phục vụ yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường bao gồm 7 tiêu chí cụ thể thuộc 02 nhóm:

* Nhóm tiêu chí bắt buộc:

- Tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường

* Nhóm tiêu chí hỗ trợ:

- Chứng minh không có thiệt hại trong thực tế như yêu cầu bồi thường của cơ quan chức năng

- Chứng minh không có mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả xảy ra đối với môi trường nước, môi trường đất

- Chỉ ra được bằng chứng khẳng định có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và hậu quả đối với một tổ chức, cá nhân khác

- Tổ chức, cá nhân bị yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường nêu ra các dẫn liệu khẳng định thiệt hại bị yêu cầu, khởi kiện là có thật nhưng lại chứng minh được là thiệt hại môi trường xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại nhằm đòi bồi thường

- Hành vi gây thiệt hại là được phép và trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hoặc cơ quan cấp phép khác

- Chứng minh không có trách nhiệm của chủ thể do thiệt hại xảy ra là bất khả kháng đối với hoạt động của tổ chức cá nhân do thảm họa, tai biến thiên nhiên, sự cố môi trường nằm ngoài khả năng kiểm soát, thiết kế kỹ thuật, hệ thống quan trắc, giám sát môi trường, an toàn lao động đã được cơ quan chức năng phê duyệt khi cho phép tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Với mỗi tiêu chí có đưa ra nội dung tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá và phương pháp chứng minh.

4. Đề tài cũng đã sử dụng phương pháp phân tích giả định để mô phỏng thí điểm việc áp dụng bộ tiêu chí chứng minh tổ chức, cá nhân không gây ô nhiễm môi trường đối 03 doanh nghiệp cụ thể. Tuy nhiên, do đặc thù việc giả định này có thể ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp nên nhóm nghiên cứu đã sử dụng các thông tin của doanh nghiệp với ký hiệu X1, X2, X3 thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau để phân tích với từng nhóm tiêu chí.

5. Đề tài đã xây dựng trình tự, thủ tục chứng minh tổ chức, cá nhân không gây ô nhiễm môi trường và 04 mẫu hồ sơ kèm theo, bên cạnh đó cũng đề xuất thời điểm chứng minh; cơ quan có thẩm quyền giải quyết... Trên cơ sở đó, đề tài đã xây dựng dự thảo Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trình tự, thủ tục chứng minh tổ chức, cá nhân không gây ô nhiễm môi trường bao gồm 13 Điều. Việc thực hiện Thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục chứng minh tổ chức, cá nhân không gây ô nhiễm môi trường sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức thực hiện quyền chứng minh không ô nhiễm. 148.

Sản phẩm của đề tài góp phần nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động, đảm bảo quyền lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu sẽ tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về bồi thường thiệt hại đối với môi trường nói riêng và quản lý môi trường nói chung.

Việc xây dựng trình tự, thủ tục chứng minh tổ chức, cá nhân không gây ô nhiễm môi trường sẽ là công cụ tạo ra sức ép cho các tổ chức, cá nhân quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững doanh nghiệp.


*Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13449/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1772

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)