Bộ trưởng Chu Ngọc Anh (ngoài cùng bên phải) tham dự Hội nghị Tổng kết Công tác năm 2016 và Phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của Tổng cục TCĐLCL. Ảnh HT
Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Đồng chí Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Hội nghị còn có sự tham dự của Đồng chí Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL; các đồng chí Lãnh đạo đại diện các cơ quan thuộc Bộ KH&CN, Lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL, các đơn vị thuộc Tổng cục và gần 300 cán bộ tiêu biểu, chủ chốt, đại biểu khách mời của Tổng cục.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho rằng, Hội nghị là cơ hội để Tổng cục báo cáo những thành tích đạt được, những thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị, nâng cao vai trò của KH&CN cũng như hoạt động TCĐLCL; đóng góp to lớn vào nền kinh tế.
Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh HT
"Hoạt động TCĐLCL là một phần rất quan trọng, đặc biệt Bộ trưởng luôn quan tâm, chỉ đạo. Trong thời gian tới, hoạt động TCĐLCL ngày càng phát triển, ngày càng thành công; phát triển thực sự, đóng góp vào sự thành công của hoạt động khoa học công nghệ nói chung và hoạt động TCĐLCL nói riêng", Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh nhận định.
Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải đã có báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện công tác năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017.
Cụ thể, trong hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, với chức năng là cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ KH&CN và đầu mối tổ chức triển khai thực hiện công tác tiêu chuẩn hóa, Tổng cục sớm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN và tổ chức tốt công tác tiếp nhận, thẩm tra, thẩm định các hồ sơ TCVN, QCVN của các Bộ ngành soạn thảo để trình Bộ KH&CN ký ban hành.
Tổng cục đã chủ động xây dựng kế hoạch, định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ cho các Bộ ngành rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật do các Bộ ngành quản lý không bị chồng chéo (VD: Bộ Công Thương và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực an toàn máy, an toàn cơ khí; Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải trong lĩnh vực xây dựng công trình...) đồng thời định hướng để các Bộ ngành tập trung xây dựng các TCVN, QCVN đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực và những vấn đề thiết yếu khác của nền kinh tế - xã hội đất nước; phù hợp với các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia (WTO, FTA, TPP…).
Trong hoạt động quản lý đo lường, Tổng cục đã quan tâm chỉ đạo đối với công tác quản lý về đo lường, đặc biệt đối với xây dựng hoàn thiện hệ thống VBQPPL, văn bản kỹ thuật về đo lường nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong công tác QLNN thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài làm tốt công tác xây dựng VBQPPL, Tổng cục đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và giải đáp Nghị định số 105/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đo lường, đặc biệt là Thông tư 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015 của Bộ KH&CN về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc trong công tác QLNN và chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật về đo lường cho 63 Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố và các tổ chức doanh nghiệp. Tổng cục đã tổ chức thành công: Lễ kỷ niệm ngày Đo lường Việt Nam và Hội nghị toàn thể Chương trình Đo lường Châu Á - Thái Bình Dương (APMP) lần thứ 32 tại Đà Nẵng...
Về quản lý chất lượng, Tổng cục tiếp tục chú trọng đến việc hướng dẫn các Bộ, ngành, các Chi cục TCĐLCL, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thực hiện đầy đủ quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các VBQPPL dưới luật, đồng thời giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai, áp dụng liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (QLCLSPHH), đặc biệt là SPHH nhóm 2 của Bộ KHCN quản lý.
Trong đó, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông, nhập khẩu, kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất, khảo sát đánh giá chất lượng hàng hóa trên thị trường, thực hiện cảnh báo chất lượng hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện kịp thời các nhiệm vụ phát sinh đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Ban chỉ đạo 389. Tích cực tham gia các hoạt động liên ngành của Ban Chỉ đạo 389, Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm, hoàn thành tốt các công việc theo phân công là chủ trì hoặc phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức kiểm tra chất lượng hàng hoá, chống hàng giả và gian lận thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tích cực, chủ động triển khai thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu trong hệ thống một cửa quốc gia; phối hợp tốt với Tổng cục Hải quan để đảm bảo việc tham gia kết nối của Bộ KH&CN trong hệ thống một của quốc gia đáp ứng đúng nội dung và tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ KH&CN làm việc trực tiếp với bốn Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để đánh giá hiệu quả của mô hình cơ quan kiểm tra chuyên ngành hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 và xây dựng văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định về việc vừa phải thực hiện chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu nói riêng cũng như đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành.
Đối với công tác quản lý đánh giá sự phù hợp, Tổng cục đã cấp giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động cho 38 tổ chức thử nghiệm; 12 tổ chức chứng nhận; Chỉ định cho 09 tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với SPHH thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN; Xử lý đăng ký cấp giấy xác nhận đăng ký hoạt động xét tặng giải thưởng chất lượng SPHH và xử lý các vấn đề liên quan cho 01 tổ chức; Thẩm xét 90 hồ sơ liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp, giải quyết 83 hồ sơ và 07 hồ sơ đang giải quyết (còn thời hạn).
Về triển khai áp dụng TCVN ISO 9001 trong cơ quan hành chính, Tổng cục đã tổ chức tốt công tác theo dõi tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 875/QĐ-BKHCN ngày 28/4/2014, và đã tiến hành kiểm tra việc áp dụng TCVN ISO 9001 trong cơ quan hành chính tại 2 địa phương Hải Phòng và Nam Định. Xem xét cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện đào tạo về tư vấn, đánh giá HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 cho chuyên gia tư vấn, đánh giá tại cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước cho 02 tổ chức chứng nhận, 12 tổ chúc tư vấn, 03 thẻ chuyên gia tư vấn độc lập.
Đoàn chủ tịch điều hành Hội nghị
Hiện Tổng cục đang triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP, trong đó có việc ứng dụng CNTT đối với quá trình giải quyết TTHC (các TTHC này về cơ bản đã được xây dựng, áp dụng HTQLCL).
Về công tác mã số mã vạch, đã thẩm xét 3.152 hồ sơ xin đăng ký sử dụng mã doanh nghiệp; làm thủ tục thay đổi 241 giấy chứng nhận đăng ký sử dụng mã số mã vạch; xử lý thu hồi 929 giấy chứng nhận. Tổ chức 06 khóa đào tạo về sử dụng mã số mã vạch cho các cán bộ tại Chi cục TCĐLCL địa phương và các doanh nghiệp tại Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Yên, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh.
Còn về hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG), Tổng cục đã xem xét, đánh giá 86 hồ sơ tham dự GTCLQG của 37 Hội đồng sơ tuyển của Địa phương đăng ký tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2016. Đề xuất với Bộ KH&CN cho phép đăng cai tổ chức Hội nghị Chất lượng Quốc tế lần thứ 25 của APQO và Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA) năm 2019 tại Việt Nam...
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng cục đã thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được Bộ KH&CN phê duyệt, tích cực tham gia với vai trò tư vấn về chuyên môn nghiệp vụ TCĐLCL trong các đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành do Ban chỉ đạo 389, các Bộ, ngành chủ trì góp phần kịp thời phát hiện và ngăn chặn giảm thiểu hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận trong giao nhận hàng hóa.
Trong đó, triển khai thực hiện công tác thanh tra kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất đối với 59 cơ sở.
Tổng cục đã chủ trì, phối hợp Chi cục TCĐLCL, Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai.., kiểm tra và khảo sát chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng: xăng, dầu (XD); điện- điện tử (ĐĐT); đồ chơi trẻ em (ĐCTE); mũ bảo hiểm (MBH), vàng, các hàng hóa khác như máy tập thể thao, đồ uống, thực phẩm, thép, phân bón, phương tiện đo…
Cụ thể trong công tác kiểm tra, tổng số cơ sở được kiểm tra: 614 cơ sở (kiểm tra 291 cơ sở, khảo sát 323 cơ sở); Tổng số mẫu hàng hóa được kiểm tra và khảo sát: 2.300 mẫu (kiểm tra 1.641 mẫu, khảo sát 659 mẫu); Số mẫu không đạt về ghi nhãn: 261/1.641 = 15,9% số mẫu được kiểm tra; 107/659 = 16,2% số mẫu được khảo sát; Số mẫu không có dấu CR: 56/1267 mẫu= 4,4% số mẫu được kiểm tra; Số mẫu không có bản sao CNHQ: 460/1.399 = 32,9% số mẫu được kiểm tra; Số mẫu không đạt qua test nhanh: 19/154 mẫu = 12,3%; Số mẫu không đạt qua thử nghiệm: 12/96 mẫu = 12,5% số mẫu thử nghiệm. Thực hiện kiểm tra nhà nước tổng số 1.123 lô xăng dầu nhập khẩu, tổng khối lượng 6.946.305,937 tấn. Qua kiểm tra nhà nước, phát hiện 04 lô vi phạm chất lượng nhập khẩu, chiếm 0,36% số lô nhập khẩu được kiểm tra. Thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường đối với 375 phương tiện đo. Trong đó phát hiện 19 phương tiện đo không đạt yêu cầu, chiếm 5,1% số phương tiện đo được kiểm tra.
Trong công tác thông tin, tuyên truyền, Tổng cục đã đặc biệt quan tâm và chủ động đẩy mạnh nhiều hình thức tuyên truyền về hoạt động TCĐLCL. Trong đó, xây dựng mạng lưới thông tin rộng khắp cả nước (hệ thống thành viên ISMQ) thu hút gần 185 cơ quan, doanh nghiệp tham gia, tạo mối quan hệ thường xuyên với khách hàng, kịp thời đáp ứng yêu cầu thông tin về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phục vụ sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Cung cấp cho gần 3.575 lượt khách hàng là các cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp, với số lượng tài liệu tiêu chuẩn 15.850 lượt tài liệu góp phần đưa tiêu chuẩn vào thực tiễn.
Duy trì biên soạn, in ấn, phát hành các ấn phẩm định kỳ và không định kỳ phục vụ quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp (năm 2016 là 12 số với 9.600 bản).
Xuất bản Tạp chí TCĐLCL 02 kỳ/1 tháng, đạt khoảng 30.000 cuốn/1 năm, số lượng bài viết về hoạt động TCĐLCL, KH&CN chiếm hàng trăm tin, bài/ năm. Nâng cao chất lượng truyền thông của Tạp chí điện tử Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) với việc cập nhật tin, bài ảnh hàng ngày sống động tạo hiệu ứng mạnh mẽ với hàng trăm ngàn lượt độc giả truy cập mỗi ngày và tổ chức thành công 06 chương trình giao lưu trực tuyến đăng tải thông tin bài viết, hình ảnh và video trên các báo.
Tổ chức được nhiều Hội thảo khoa học phổ biến, hướng dẫn tuyên truyền về các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thuộc lĩnh vực TCĐLCL cho các Chi cục TCĐLCL, Sở KH&CN và các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố;..
Về hợp tác quốc tế, Tổng cục đã làm tốt vai trò là đại diện của Việt Nam trong các Tổ chức Quốc tế như: ISO. IEC. ACCSQ, APO, OIML, APMP, GS1... đã tích cực tham gia các Hội nghị, tiểu ban kỹ thuật và chủ động đề xuất, đóng góp ý kiến cho định hướng chính sách của các Tổ chức quốc tế này để phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật và kinh tế xã hội của nước ta, các cán bộ của Tổng cục đã tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ và chủ trì đàm phán chương Tiêu chuẩn, Quy chuẩn Kỹ thuật và Đánh giá sự phù hợp (STRACAP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đàm phán chương TBT Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam với khối EFTA, đàm phán chương STRACAP Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba, và đã đàm phán xong nội dung chương STRACAP Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hồng Kông; Thảo luận thực hiện nội dung về Tiêu chuẩn, Quy chuẩn và Đánh giá sự phù hợp (STRACAP) trong Hiệp định FTA giữa ASEAN và Trung Quốc.
Hoạt động hợp tác quốc tế được Tổng cục đẩy mạnh đạt được hiệu quả cao, cụ thể: Ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư (KOTRA); Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp. Ký Thỏa thuận hợp tác với Cơ quan tiêu chuẩn hóa Hàn Quốc (KATS) trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn, đánh giá sự phù hợp và mã số mã vạch. Ký biên bản làm việc về hợp tác với cơ quan thử nghiệm và chứng nhận Hàn Quốc (KTC).
Ngoài ra Tổng cục còn tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo quốc tế: Hội thảo về Cơ chế giám sát hàng nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ (phối hợp với Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ); Cuộc họp lần thứ 21 của Ủy ban hỗn hợp chuyên ngành về thiết bị điện – điện tử của ASEAN (ACCSQ/JSC EEE); Cuộc họp lần thứ 26 của Nhóm công tác về Đo lường pháp định của ASEAN (ACCSQ/WG3); Cuộc họp lần thứ 46 của Ủy ban tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN (ACCSQ) và các sự kiện liên quan; Hội nghị toàn thể Chương trình đo lường Châu Á – Thái Bình Dương (APMP). Việc tổ chức thành công các Hội nghị hội thảo quốc tế vai trò vị thế của Việt Nam nói chung và Bộ KH&CN, Tổng cục nói riêng đã được các bạn quốc tế đánh giá cao...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá, nhìn lại chặng đường một năm - năm 2016 của Tổng cục TCĐLCL đã đạt được nhiều kết quả toàn diện. Thể hiện sinh động trên nhiều mặt, cả về quản lý nhà nước, dịch vụ..., phủ rộng trên khắp mọi miền cả nước.
Bộ trưởng cho rằng, với các nhiệm vụ trọng tâm, Tổng cục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với Bộ, với Chính phủ, đặc biệt là trong điều kiện như hiện nay. Hoạt động TCĐLCL là mặt trận xung kích, đi đầu trên các mặt trận. Nhìn vào các hoạt động quan trọng nhất của kinh tế -xã hội như cạnh tranh, phát triển kinh tế xã hội, những nội hàm của các lĩnh vực đều có bóng dáng của công tác TCĐLCL.
Thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng đánh giá cao và biểu dương những kết quả của Tổng cục TCĐLCL. Bộ trưởng đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục TCĐLCL năm 2017.
Với tinh thần phấn đấu thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập Tổng cục vào năm 2017, tập thể lãnh đạo Tổng cục, CBCCVC và người lao động của Tổng cục sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trên từng vị trí công tác, góp phần đóng góp vào sự phát triển KH&CN, cũng như kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2017 với 10 nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Nghiên cứu, triển khai đề xuất sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; Hoàn thành sửa đổi Nghị định 127 hướng dẫn thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
- Nghiên cứu, triển khai đề xuất sửa đổi Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; Hoàn thành sửa đổi Nghị định 132 hướng dẫn thực hiện Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hoá; Thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc Chương trình Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 và giai đoạn 2017 – 2020.
- Hoàn thành Nghị định sửa đổi Nghị định 80/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 213/2013/NĐ-CP ngày 20/12/2013 về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ; Thông tư 24/2013/TT-BKHCN của Bộ KH&CN ngày 30/9/2013 Quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Thông tư 23/2013/TT-BKHCN của Bộ KH&CN ngày 26/9/2013 Quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2; Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật; Thông tư 27/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ KH&CN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN.
- Thực hiện tốt kế hoạch đầu tư năm 2017 và kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, Trong đó: hoàn thành các Dự án: Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 4 (Giai đoạn 1), Đầu tư chuẩn đo lường Quốc gia 2015-2016; Triển khai các Dự án: Mở rộng diện tích làm việc các đơn vị trực thuộc Tổng cục TCĐCL, Đầu tư chuẩn đo lường Quốc gia 2016 – 2020), Trung tâm Đo lường Việt Nam (giai đoạn 2).
- Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về TCĐLCL. Vận hành cổng thông tin doanh nghiệp, trang tin thông tin, cảnh báo về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Tổ chức tốt các cuộc họp của Tiểu ban về Tiêu chuẩn và Đánh giá sự phù hợp của APEC (SCSC1, SCSC2) và các sự kiện liên quan trong khuôn khổ năm APEC 2017; Tiếp tục phát huy vai trò của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế khu vực như ASEAN, APEC, ISO (Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế), IEC (Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế), OIML (Tổ chức Đo lường Pháp định Quốc tế), APO (Tổ chức Năng suất châu Á), GS1 (Tổ chức Mã số Vật phẩm Quốc tế).
- Hoàn thiện Quyết định thay thế QĐ 27/2014/QĐ-TTg về chức năng nhiệm vụ của Tổng cục; Kiện toàn tổ chức, hoạt động của các đơn vị trực thuộc Tổng cục; Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ, công chức, viên chức thuộc Tổng cục để nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành.
- Hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến Nghị định 105/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Nghị định thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa; Nghị định 87/2016/NĐ-CP Quy định về kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; Nghị định 107/2016/NĐ-CP về dịch vụ đánh giá sự phù hợp và các văn bản quy phạm pháp luật khác thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
- Đổi mới hoạt động thanh tra chuyên ngành và hoàn thiện hệ thống thanh tra chuyên ngành TCĐLCL; Tăng cường hoạt động cảnh báo và đề xuất với các Bộ, ngành xây dựng các biện pháp phòng vệ liên quan tới hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) để hỗ trợ các doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc tế.
- Tổ chức tốt lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Tổng cục TCĐLCL.