Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ, và lãnh đạo và cán bộ phụ trách an toàn của các cơ sở bức xạ các tỉnh phía Bắc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải cho biết,trong thời gian vừa qua, trên địa bàn một số tỉnh thành của nước ta đã xảy ra một số sự cố an ninh liên quan đến mất cắp, thất lạc nguồn phóng xạ, đặt ra trách nhiệm đối với công tác đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ không chỉ đối với chủ cơ sở bức xạ mà còn đối với công tác quản lý nhà nước các nguồn phóng xạ. Sau các sự cố mất nguồn phóng xạ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số17/CT-TTg ngày 10/7/2015 về nâng cao hiệu lực và hiệu quả thi hành pháp luật về ATBXHN, trong đó nêu rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ ngành, địa phương và cơ sở bức xạ trong việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, cũng như yêu cầu tăng cường thông tin tuyên truyền và huấn luyện, đào tạo liên quan.
Mục đích của Hội thảo nhằm thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về trách nhiệm đảm bảo và quản lý an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ cho các đối tượng là các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ và cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ ở địa phương.
Cục trưởng cũng mong muốn, Hội thảo là cơ hội tốt để trao đổi, thảo luận giữa cơ sở và cơ quan quản lý về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng, triển khai và những đề xuất, khắc phục nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe phổ biến và giới thiệu về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ bao gồm Chỉ thị số 17 của Chính phủ; công tác thanh tra, cấp phép cho các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ; hệ thống giám sát an ninh nguồn phóng xạ sử dụng di động và các bài học kinh nghiệm từ 3 sự cố mất nguồn phóng xạ trong thời gian gần đây ở nước ta.
Các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận về các báo cáo được trình bày tại Hội thảo và đặt ra nhiều vấn đề cần phải khắc phục nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Hội thảo đã nêu các bất cập trong quy định về sử dụng thiết bị giám sát nguồn phóng xạ di động được quy định tại Thông tư 13/2015/TT-BKHCN và đề xuất các giải pháp thích hợp. Một vấn đề cũng được Hội thảo quan tâm là việc lưu giữ các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, trong đó có việc xây dựng kho lưu giữ tập trung lâu dài của quốc gia và kế hoạch hiện nay của Bộ Khoa học và Công nghệ về lưu giữ tạm thời các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Một số vấn đề khác mà các đại biểu cũng quan tâm như quy định về trách nhiệm, quyền lợi và yêu cầu về trình độ chuyên môn của cán bộ phụ trách an toàn bức xạ; trách nhiệm của chủ cơ sở trong đảm bảo an toàn và an ninh nguồn phóng xạ; quy định đối với các nguồn phóng xạ sau khi bán rã, đã đạt dưới mức miễn trừ; phối hợp quản lý giữa trung ương và địa phương,....
Hội thảo này cùng với 2 Hội thảo, tháng 7/2016 tại thành phố Hồ Chí Minh dành cho khu vực phía Nam và tháng 9/2016 tại Đà Nẵng cho khu vực miền Trung đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và các cơ sở bức xạ trong công tác bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Trên cơ sở các kết quả của Hội thảo, Cục ATBXHN sẽ tiếp thu các ý kiến, tham mưu tư vấn cho Lãnh đạo Bộ trong các quy định về đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ; các Sở KH&CN cũng như các cơ sở bức xạ sẽ có thay đổi về nhận thức và hành động để từng bước nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ theo tinh thần Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ./.