Thứ sáu, 14/10/2016 16:40 GMT+7

Kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10: "Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin”

Ngày 14/10/2016, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày tiêu chuẩn thế giới.

Ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc

Ngày 14 tháng 10 năm 1946, các đại biểu đến từ 25 quốc gia lần đầu tiên họp mặt tại Luân Đôn để sáng lập nên một tổ chức quốc tế thực hiện việc điều phối và thống nhất hoạt động tiêu chuẩn.
Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) đã chính thức được thành lập một năm sau đó. Để kỷ niệm dịp này, Ngày Tiêu chuẩn Thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào 14 tháng 10 năm 1970 và được mở rộng ra cho cả các thành viên của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thống quốc tế (ITU).
Từ đó tới nay, cứ đến dịp này, gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của ISO, IEC, ITU cùng tổ chức kỷ niệm với các hình thức phong phú đa dạng khác nhau. Một mặt nhằm tôn vinh lợi ích to lớn của hoạt động tiêu chuẩn hoá trong đời sống kinh tế – xã hội trên toàn cầu, mặt khác nhằm khích lệ, lôi cuốn mọi quốc gia, mọi vùng lãnh thổ và mọi tổ chức, cá nhân tham gia tích cực hơn vào hoạt động tiêu chuẩn hoá.
Mỗi năm, ba tổ chức tiêu chuẩn hoá hàng đầu thế giới ISO, IEC và ITU đều thống nhất đưa ra một chủ đề với các mục tiêu khác nhau. Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm nay với chủ đề “Tiêu chuẩn ngôn ngữ chung của thế giới” nhằm khẳng định vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong cuộc sống hàng ngày. Tiêu chuẩn như một ngôn ngữ chung mà bất kể con người chúng ta dù nói hay đọc bằng thứ ngôn ngữ nào cũng đều hiểu theo cùng một nghĩa. Tiêu chuẩn giúp các sản phẩm cùng phối hợp vận hành thuận lợi hơn, con người giao tiếp với nhau dễ dàng hơn.
Ngày Tiêu chuẩn Thế giới là dịp để các quốc gia thành viên của Tổ chức ISO, IEC và ITU, trong đó có Việt Nam, triển khai hoạt động thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong việc đáp ứng các yêu cầu của giới kinh doanh, giới công nghiệp, quản lý và người tiêu dùng ở mỗi quốc gia nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Hưởng ứng chủ đề trên, ngày 14/10/2016 Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới và Hội thảo “Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin”.
Buổi lễ với mong muốn nâng cao nhận thức của các bên liên quan về tầm quan trọng của tiêu chuẩn đối với hoạt động quản lý của nhà nước; hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp; thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại toàn cầu, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.


Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL chủ trì thảo luận tại Hội thảo " Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin"

Tham dự lễ kỉ niệm có ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Trần Văn Vinh, đại diện của các Bộ, ngành có liên quan, cùng đại diện đến từ các Chi cục TCĐLCL, hiệp hội và các doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng tiêu chuẩn hoá mang lại nhiều lợi ích về công nghệ, kinh tế và xã hội.
“Đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn quốc tế là những công cụ chiến lược và hướng dẫn giúp giải quyết những thách thức đòi hỏi khắt khe nhất của kinh doanh hiện đại và đảm bảo hoạt động hiệu quả, tăng năng suất, tiếp cận thị trường mới. Người tiêu dùng có thể tin tưởng rằng sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn an toàn và có chất lượng tốt khi chúng tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế” - Thứ trưởng phát biểu tại buổi lễ.
Ngoài ra, tiêu chuẩn quốc tế cũng hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc xây dựng các chính sách công, các quy định quốc gia, đảm bảo các yêu cầu đối với việc xuất, nhập khẩu hài hòa trên toàn thế giới, từ đó thuận lợi hóa việc lưu thông hàng hóa, dịch vụ và công nghệ giữa các quốc gia.
Chủ đề Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm nay là “Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn, khẳng định tiêu chuẩn là cơ sở nền tảng và định hướng cho các hoạt động khác phát triển, giúp tạo lập lòng tin giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, kết nối khoa học và công nghệ với đời sống xã hội.
“Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn nâng cao nhận thức của các bên liên quan về tầm quan trọng của tiêu chuẩn đối với hoạt động quản lý của nhà nước; hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp; thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại toàn cầu, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng” - Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh.


Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10/2016 có sự tham gia đông đảo của các đại biểu từ các Bộ ngành, hiệp hội, Chi cục TCĐLCL và DN

Dưới sự chủ trì của lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, buổi lễ kỷ niệm cũng có phần thảo luận sôi nổi, trả lời những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực tiêu chuẩn hóa như hoạt động tiêu chuẩn hóa, vai trò của tiêu chuẩn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng quan hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và sự tham gia của các bên liên quan…
Tại lễ kỉ niệm, các đại biểu cũng có cơ hội được nghe các tham luận là: “Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin” do Ông Trần Văn Vinh Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL trình bày; “Hoạt động tiêu chuẩn hoá trong lĩnh vực thông tin truyền thông”; “Thành phố thông minh (smart city) – Xu thế phát triển đô thị Thế kỷ 21”; “Tiêu chuẩn và quy trình xây dựng tiêu chuẩn lĩnh vực công nghệ thông tin”; “Tiêu chuẩn - Nền tảng cho hoạt động đánh giá sự phù hợp”; “Vai trò và thực tế áp dụng tiêu chuẩn trong doanh nghiệp công nghệ”.

Theo thông tin từ Tổng cục TCĐLCL, hoạt động TCH tại Việt Nam trong những năm qua đã thu được nhiều kết quả nổi bật, tính đến 31/12/2015 số TCVN hiện hành: 8.625 tiêu chuẩn. Quy hoạch đến năm 2020: trên 10.000 TCVN; Tỷ lệ hài hòa TCQT: 45%, đến năm 2020: 60%.

Đến nay Việt Nam đã có trên 900 chuyên gia là thành viên Ban Kỹ thuật (BKT); 120 BKT, 54 Tiểu BKT; 70 BKT tương đương với các BKT của ISO.

Là thành viên chính thức (Thành viên P) của 16 BKT và Tiểu BKT của ISO và 04 BKT và Tiểu BKT IEC. Là thành viên P của 2 Ban chính sách của ISO: DEVCO – Ban Các vấn đề của các nước đang phát triển và CASCO – Ban Tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp; Thành viên O của COPOLCO – Ban chính sách người tiêu dùng. Thành viên quan sát (Thành viên O) của 70 BKT của ISO. Góp ý TCQT hàng năm trên 100 dự thảo ISO, IEC.


Lượt xem: 2697

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)