Thứ năm, 23/07/2015 15:12 GMT+7

Tọa đàm về hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp

Ngày 20/7/2015, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức Tọa đàm về hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp. Tham dự Tọa đàm có hơn 100 đại biểu đến từ các đơn vị chức năng của Bộ: Thanh tra Bộ, Cục Thông tin...
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã nhấn mạnh vai trò sở hữu trí tuệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp đã đóng góp không nhỏ vào việc phát triển hoạt động của lĩnh vực này. Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định, song hành cùng với Cục Sở hữu trí tuệ về xác lập quyền là sự hợp tác hết sức chặt chẽ của các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp để đưa sở hữu trí tuệ phát triển ngày một lớn mạnh. Buổi tọa đàm này là cơ hội để Cục Sở hữu trí tuệ lắng nghe ý kiến của các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp, từ đó nghiên cứu tìm giải pháp đẩy mạnh hoạt động sở hữu công nghiệp trong thời gian tới.



Ông Lê Duy Thiện, Trưởng phòng Quản lý và Phát triển hoạt động sáng tạo, Cục Sở hữu trí tuệ đã báo cáo tổng quan hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp từ những năm 1990 đến nay. Theo các số liệu thống kê, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp thông qua các tổ chức đại diện ngày một tăng. Tỷ lệ này là 63% trong năm 2014. Báo cáo đã nêu bật các kết quả đạt được cũng như các tồn tại ảnh hưởng đến hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp trong thời gian qua. Cục Sở hữu trí tuệ đã có nhiều biện pháp tích cực để hỗ trợ hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp, tuy nhiên cũng còn một số hạn chế cần khắc phục như: công tác xử lý đơn còn chưa đúng hạn, chưa giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại, hệ thống công nghệ thông tin còn yếu, v.v.. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra một số bất cập cần chấn chỉnh từ các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp như: chưa chủ động xóa tên cá nhân có chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khi tổ chức chấm dứt hợp đồng lao động với người đó; một số đơn nộp thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp còn nhiều thiếu sót chưa đáp ứng yêu cầu về mặt hình thức cũng như nội dung. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ xử lý đơn của Cục Sở hữu trí tuệ.



Bà Đỗ Thị Minh Thủy, Trưởng phòng thanh tra 1, Thanh tra Bộ KH&CN, đã báo cáo về hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động của các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Báo cáo của bà Thủy đã nêu rõ mục đích, ý nghĩa, căn cứ tiến hành thanh tra, nội dung thanh tra và phương thức tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động của các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Trong thời gian từ tháng 5/2015 đến tháng 6/2015, Thanh tra Bộ KH&CN đã tiến hành thanh tra đối với 11 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Kết quả thanh tra đã đánh giá tương đối tốt hoạt động của các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp này, đồng thời chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp cần được khắc phục trong thời gian tới.

Về phía đại diện sở hữu công nghiệp, hàng chục ý kiến phát biểu đã được trình bày tại Tọa đàm. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề trọng tâm như giải pháp xử lý đơn tồn đọng, các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp và nhu cầu đào tạo chuyên sâu về sở hữu công nghiệp của các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Một số ý kiến đề nghị có chính sách hỗ trợ để tăng số lượng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp của người Việt Nam, nhất là đơn đăng ký sáng chế, so với lượng đơn ngày càng tăng của người nước ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng cơ sở dữ liệu phục vụ việc tra cứu còn thiếu và yếu, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong việc tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp. Buổi tọa đàm diễn ra trên tinh thần đóng góp, xây dựng nhằm tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại trong hoạt động sở hữu trí tuệ nói chung, hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp nói riêng.

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, ông Trần Việt Thanh đã đánh giá cao kết quả của buổi làm việc. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có nghiên cứu cụ thể và đưa ra giải pháp phù hợp trong thời gian tới. Sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của hoạt động sở hữu trí tuệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Thư cảm ơn của ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

Lượt xem: 950

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)