Thứ sáu, 11/06/2021 15:03 GMT+7

Nghiên cứu hoàn thiện đụt lưới mắt vuông cho nghề lưới kéo đáy khai thác hải sản ven bờ nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản ven bờ

Ngành thủy sản là một trong những ngành phát triển nhanh và năng động của nền kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn 2000 - 2016, tổng số tàu thuyền tham gia khai thác hải sản đã tăng từ 83.983 chiếc lên 108.698 chiếc (tính đến tháng 12/2016). Trong đó, các họ nghề chiếm tỷ lệ cao trong tổng số tàu thuyền lần lượt là nghề: Lưới rê (35,50%), nhóm nghề khác (23,17%), lưới kéo (18,57%), nghề câu (17,61%) và nghề vây (5,15%).


 

Nghề lưới kéo ở Việt Nam là một nghề chiếm ưu thế cao trong các loại nghề khai thác hải sản. Sản lượng khai thác đem lại từ nghề lưới kéo chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng sản lượng khai thác hải sản hằng năm. Hiện tại, nghề lưới kéo ven bờ vẫn chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng số tàu thuyền làm nghề lưới kéo tại Việt Nam (35,49%). Hầu hết ngư cụ được các đội tàu này sử dụng trong thực tế đều vi phạm quy định về kích thước mắt lưới. Điều này đã có tác động không nhỏ đến nguồn lợi hải sản ven bờ, gây mất cân bằng trong các hệ sinh thái cũng như hủy diệt và làm suy giảm trầm trọng thêm nguồn lợi hải sản vốn đã bị khai thác quá mức.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nguồn lợi hải sản ven bờ vẫn đang bị tổn thương nghiêm trọng do tác động của các hoạt động khai thác hải sản. Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rất cần thêm các cơ sở khoa học để xây dựng, điều chỉnh các thông tư, chính sách quản lý các hoạt động khai thác (đặc biệt là đối với nghề lưới kéo) nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản ven bờ. Vì vậy để có thể phát triển nghề cá ven bờ một cách bền vững cần thiết phải tiến hành đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện đụt lưới mắt vuông cho nghề lưới kéo đáy khai thác hải sản ven bờ nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản ven bờ”.

Đề tài do ThS. Nguyễn Phi Toàn đến từ Viện Nghiên cứu Hải sản làm chủ nhiệm đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra, tiến hành điều tra đánh giá hiện trạng hoạt động của nghề lưới kéo ven bờ, từ đó, đưa ra được bức tranh tổng thể về nghề lưới kéo ven bờ Việt Nam. Bên cạnh đó, đề tài cũng tiến hành các chuyến điều tra khảo sát hiện trạng hoạt động khai thác trên các đội tàu lưới kéo, thu thập các số liệu về thành phần đối tượng khai thác, sản lượng khai thác… làm căn cứ để tính toán thiết kế thiết bị thoát cá non dạng đụt lưới mắt vuông. Sau đây là một số kết quả đáng lưu ý mà dự án thu được sau thời gian thực hiện:

1) 100% tàu lưới kéo được khảo sát sử dụng kích thước mắt lưới ở đụt thấp hơn kích thước cho phép sử dụng. Sản lượng khai thác tiếp tục có xu hướng giảm, sản phẩm là các loại cá tạp chiếm từ 44-48% tổng sản lượng khai thác. Hiệu quả kinh tế của nghề lưới kéo đang có xu hướng giảm so với thời điểm trước và thu nhập của nghề này khá bấp bênh.

2) Kết quả nghiên cứu đã xác định được thiết bị đụt lưới mắt vuông LMV1.3 là thiết bị phù hợp với nghề lưới kéo ven bờ Việt Nam với các thông số cơ bản và chỉ tiêu đạt được như sau:

* Thông số cơ bản của thiết bị LMV1.3

+ Kích thước tấm lưới (dài x rộng): 1,26 m x 0,84 m.

+ Số cạnh mắt lưới vuông (dài x rộng): 63 cạnh x 42 cạnh.

+ Kích thước cạnh mắt lưới vuông: a = 20 mm.

* Các chỉ tiêu đạt được.

+ Tỷ lệ giải thoát trung bình các đối tượng theo sản lượng đạt 30,4%, theo số cá thể đánh bắt đạt 41,3%.

+ Tỷ lệ thoát theo sản lượng và số cá thể của một số đối tượng khai thác chính đạt 49,0% và 60,7% ở họ cá mối; 65,0% và 71,5 ở họ cá phèn; 22,8% và 40,5% ở họ cá lượng và 22,4% và 34,6% ở họ mực ống. Tỷ lệ thất thoát họ tôm he là 20,0% theo sản lượng và 31,0% theo số cá thể.

+ Tỷ lệ giải thoát các đối tượng cá còn non, chưa trưởng thành theo số lượng cá thể của một số đối tượng khai thác chính đạt 82,8% ở họ cá mối; 86,3 ở họ cá phèn; 92,5% và 30,3% ở họ cá lượng; 80,5% ở họ mực ống; 21,8% ở họ tôm sắt và 29,1%  ở họ tôm vỏ lông.

3) Doanh thu giai đoạn đầu ứng dụng thiết bị đụt lưới mắt vuông LMV1.3 giảm khoảng 13,6% so với doanh thu hiện tại. Tuy nhiên, với khả năng giải thoát các đối tượng cá còn non, chưa trưởng thành đạt từ 29,1 - 92,5% số lượng cá thể tùy theo đối tượng đánh bắt sẽ góp phần bảo vệ và tái tạo nguồn lợi hải sản ven bờ.


*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14314/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 654

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)