Mặc dù diện tích lạc và đâu tương của các tỉnh phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra) lớn hơn so với các tỉnh phía Nam, song, năng suất bình quân thấp hơn do điều kiện tự nhiên (nhiệt độ thấp, cường độ ánh sáng và chất lượng ánh sáng và phân bố lượng mưa không hoàn toàn thích hợp cho cây đậu tương và lạc phát triển). Hơn nữa đậu tương phía Bắc chủ yếu trồng trong vụ đông ở vùng đồng bằng sông Hồng và vụ xuân hè hoặc hè ở vùng trung du miền núi, nơi có thể mở rộng diện tích lớn hơn nữa, đất đai kém mầu mỡ (vùng trung du, miền núi chủ yếu trồng trên đất dốc); trình độ canh tác của nông dân ở vùng vùng trung du, miền núi thấp, quảng lý cây trồng kém (thiếu hệ thống tưới tiêu, ít phân bón, quản lý sâu bệnh yếu… trong khi các nghiên cứu về giống và biện pháp canh tác cho vùng này chưa thật sự chú trọng.
Để từng bước giải quyết được các hạn chế nêu trên, góp phần nâng cao năng suất, mở rộng diện tích lạc và đậu tương, giảm nhập khẩu đậu tương hàng năm cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lạc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống lạc, đậu tương cho các tỉnh phía bắc” do ThS. Nguyễn Văn Thắng đến từ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm làm chủ nhiệm với mục tiêu chọn tạo ra các giống lạc, đậu tương mới có năng suất cao, chất lượng tốt hơn các giống hiện có, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng lạc, đậu tương của cả nước.
Đề tài đã áp dụng các phương pháp nghiên cứu chuẩn đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới và trong nước như nhập nội, lai hữu tính, chọn lọc, so sánh, khảo nghiệm và thử nghiệm sản xuất. Sau năm năm thực, hiện đề tài đã hoàn thành được mục tiêu đã phê duyệt, đã thực hiện được tất cả các nội dung và sản phẩm đã phê duyệt. Cụ thể là:
1. Thu thập, nhập nội bổ sung thêm 98 mẫu giống đậu đỗ mới vào tập đoàn giống
hiện có trong đó có 57 mẫu giống lạc và 41 giống đậu tương tăng so với kế hoạch 44 mẫu giống và đánh giá 3967 lượt mẫu giống trong tập đoàn vượt kế hoạch 247% và duy trì được tập đoàn 1120 mẫu giống trong đó tập đoàn lạc 576 mẫu giống và tập đoàn đậu tương 544 mẫu giống.
2. Lai và đột biến mới 262 tổ hợp/mẫu giống, trong đó lai hữu tính được 150 tổ hợp và đột biến được 12 mẫu giống góp phần làm đa dạng vật liệu khởi đầu phục vụ công tác chọn tạo giống và chọn ra được 8822 cá thể/dòng, trong đó, lạc 2790 dòng và đậu tương 5822 dòng.
3. Đánh giá, chọn lọc và gửi khảo nghiệm quốc gia được 24 lượt dòng triển vọng có năng suất và chất lượng cao hơn các giống hiện có để phục vụ cho công tác chọn giống giai đoạn tới. Kế thừa kết quả nghiên cứu giai đoạn 2006-2010, đề tài đã chọn tạo thành công và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận được 4 giống mới trong đó công nhận chính thức 2 giống lạc (L27 cho vùng nước trời và giống L17 cho vùng thâm canh), chọn ra 3 giống lạc triển vọng (L21, L22, L30) ở mức khảo nghiệm; công nhận chính thức 1 giống đậu tương (ĐT 51) có thể trồng 3 vụ/năm và thích hợp cho cả vùng đồng bằng sông hồng và trung du miền núi phía bắc; và công nhận tạm thời 1 giống (ĐT 30) thích hợp cho vụ đông, vụ xuân ở vùng đồng bằng sông hồng và 4 quy trình kỹ thuật cho các giống mới nói trên, bảo hộ được 2 giống lạc và 1 giống đậu tương.
4. Xây dựng thành công mô hình lạc thâm canh đạt trên 50 tạ/ha và trên 30 tạ/ha cho vùng nước trời; mô hình đậu tương thâm canh đạt năng suất 30-35 tạ/ha và 20-25 tạ/ha cho vùng đồng bằng sông hồng và vùng trung du miền núi phía Bắc. Các mô hình áp dụng giống mới và biện pháp kỹ thuật mới được cán bộ địa phương và nông dân đánh giá cao. Công trình nghiên cứu đã mang lại hiệu quả khoa học, kinh tế xã hội cao.
5. Đề tài góp phần đào tạo được 4 thạc sĩ, đăng 05 bài báo trên tạp chí khoa học chuyên ngành.
*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14318/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.