Thứ sáu, 22/01/2021 12:08 GMT+7

Bệnh viện Trung ương quân đội 108: Làm chủ khoa học và công nghệ, vươn lên tầm cao mới

Chỉ sau bốn năm, với sự nỗ lực, bền bỉ, vượt qua rất nhiều khó khăn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công các nhiệm vụ nghiên cứu, góp phần quan trọng trong việc đưa kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam tiệm cận với thế giới. Đây là một minh chứng cho năng lực nghiên cứu của đội ngũ các nhà khoa học của Việt Nam đồng thời là kết quả của quá trình cộng tác lâu dài, hiệu quả giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bệnh viện 108 đã được gây dựng qua nhiều thế hệ lãnh đạo giữa hai bên.

Toàn cảnh Hội nghị.
 

Chiều ngày 20/01/2021, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Đề án khoa học và công nghệ (KH&CN) “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (2016 – 2021)”.

Tham dự Hội nghị có PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Trung tướng Vũ Hải Sản - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Sỹ Hiệp – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; GS.TS Hoàng Văn Phong – nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN; TS. Nguyễn Quân – nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN; Trung tướng, GS. TS Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Quân y; cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Lãnh đạo một số bệnh viện…

Đồng chí Chu Ngọc Anh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN đã gửi lẵng hoa chúc mừng Hội nghị.

Về phía Bệnh viện 108 có Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện; cùng Ban Giám đốc Bệnh viện, các thành viên trong các tiểu ban ghép tạng của Bệnh viện; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bệnh viện.

Khẳng định bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật ghép tạng

Ghép tạng là một trong những thành tựu lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Lịch sử ghép tạng Việt Nam được đánh dấu bằng ca ghép thận thành công đầu tiên tại Học viện Quân y năm 1992. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của nền y học nước nhà, đồng thời mở cánh cửa hồi sinh cho những bệnh nhân suy thận. Liên tiếp các năm sau đó, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 108 thực hiện thành công các ca ghép tạng, mang đến niềm tự hào lớn cho ngành Y Việt Nam.

Từ một quốc gia "chậm tiến" so với thế giới trong lĩnh vực ghép tạng, đến nay, sau hơn 28 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên, kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã tiệm cận với thế giới. Mỗi năm, ngành Ghép tạng Việt Nam lại xác lập thêm được nhiều thành tựu mới, khẳng định bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng và đạt được những tiến bộ vượt bậc cả về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng. Chúng ta đang dần làm chủ được kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng trong đó nhiều tạng được coi là khó lĩnh vực ghép tạng. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tính đến 16/10/2020, cả nước đã thực hiện được khoảng hơn 5.225 ca ghép tạng, trong đó có 4.929 ca ghép thận, 244 ca ghép gan, 43 ca ghép tim, 01 ca ghép khối thận - tụy, 01 ca ghép khối tim - phổi, 07 ca ghép phổi, 02 ca ghép chi thể và có 39.503 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Phẫu thuật ghép tạng đã trở thành thường quy tại một số trung tâm ngoại khoa đầu ngành của Việt Nam với đầy đủ trang thiết bị hiện đại mà giá thành chỉ bằng 1/3 chi phí trên thế giới.

Với mục tiêu đến năm 2025, Bệnh viện 108 được tăng cường năng lực, phát triển nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người với trình độ ngang tầm một số nước có nền y học phát triển trong khu vực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Đề án “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” đã được phê duyệt triển khai.

Tháng 3/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng Trung tâm Ghép mô và bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện 108. Sau 4 năm triển khai thực hiện, (2016 – 2020), Bệnh viện đã thực hiện 268 ca ghép gồm ghép tế bào gốc, ghép tủy, ghép giác mạc, ghép thận thường quy, ghép gan ở người cho sống, lấy và ghép đa tạng từ người cho chết não. Chức năng các tạng sau ghép tốt, kéo dài thời gian và chất lượng sống cho bệnh nhân, mang lại nhiều giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc. Bộ Y tế đã cấp phép tiến hành ghép 07 tạng: phổi, thận, tụy, tụy - thận, gan, tim, chi thể và giác mạc, tế bào gốc.

Bệnh viện 108 đã tiếp tục ghi dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực ghép tạng tại nước ta với những kỷ lục đáng chú ý như: thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời cũng là ca ghép đa tạng xuyên việt lịch sử (26/2/2018); thực hiện thành công ca ghép chi thể lấy từ người cho sống đầu tiên trên thế giới (ngày 22/1/2020); thực hiện thành công ca lấy, ghép đa mô tạng lần thứ 4 từ người cho chết não để cứu chữa cho 06 bệnh nhân khác nhau: các bác sĩ đã ghép 02 phổi cho một bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi nguyên phát, ghép gan cho một bệnh nhân suy gan cấp trên nền xơ gan do nhiễm virus viêm gan B, ghép 02 thận cho hai bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối (ngày 16/9/2020). Đồng thời, bệnh viện cũng đã ghép 02 cẳng bàn tay cho một bệnh nhân bị mất hai bên cẳng tay do tai nạn chất nổ - đây là ca ghép hai cẳng bàn tay đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, và là ca ghép chi thể thứ 2 trong năm tại Bệnh viện. Ngoài ra, bệnh viện còn phối hợp với Trung tâm Điều phối Quốc gia lấy và ghép tim cho một bệnh nhân bị viêm cơ tim thể dãn giai đoạn cuối tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Hiệu quả từ quá trình đầu tư lâu dài cho KH&CN
 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.

 

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Bệnh viện 108 cùng toàn thể cán bộ, nhà khoa học tham gia thực hiện Đề án đã bền bỉ, nỗ lực, vượt qua rất nhiều khó khăn để thực hiện thành công các nhiệm vụ nghiên cứu, góp phần quan trọng trong việc đưa kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam tiệm cận với thế giới. “Việc triển khai thành công Đề án này là một minh chứng cho năng lực nghiên cứu của đội ngũ các nhà khoa học của Việt Nam. Đây cũng là kết quả của quá trình cộng tác lâu dài, hiệu quả giữa Bộ KH&CN với Bệnh viện 108 đã được gây dựng qua nhiều thế hệ lãnh đạo giữa hai bên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho rằng, năng lực triển khai thực hiện các kỹ thuật ghép tạng tại Bệnh viện 108 hiện nay có thể đáp ứng rất tốt trong các tình huống khác nhau. Trong tháng 12/2020, Bệnh viện đã thực hiện 5 ca ghép gan trong một tuần với các tình huống: ghép gan cấp cứu, ghép theo kế hoạch, ghép từ người cho sống, ghép người lớn, ghép trẻ em, lấy ghép gan tại Bệnh viện và lấy gan xuyên Việt từ Bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu về ghép tại Bệnh viện 108…

Thời gian tới, để đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trong tình hình mới, đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả hơn nữa các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người, Bộ trưởng cho rằng, cần thành lập Trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người; tiếp tục đầu tư phát triển Trung tâm Ghép tạng trở thành Trung tâm ghép tạng lớn của Việt Nam và Thế giới.

Cùng với đó, ưu tiên xây dựng chương trình vận động hiến tạng và phát động phong trào hiến tạng, chương trình vinh danh người hiến tạng (hiến sống và chết não). Hoàn thiện quy trình pháp lý chặt chẽ, đúng quy trình pháp luật nhưng phải đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho người hiến tạng.

Đồng thời, phải thực sự coi phát triển ghép tạng là lĩnh vực mũi nhọn của các chuyên ngành; đưa lĩnh vực ghép tạng vào nội dung kế hoạch năm, có chỉ tiêu cụ thể, tính điểm thi đua khen thưởng của các đơn vị; đẩy mạnh đào tạo – chuyển giao kỹ thuật ghép tạng cho các bệnh viện trong cả nước; tiếp tục nghiên cứu và phát triển ghép thêm nhiều mô, tạng khó; tạo nguồn mô tạng sinh học và vật liệu thay thế, tạng nhân tạo, kiểm soát được vấn đề thải ghép, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong ghép tạng,…

Bộ trưởng kỳ vọng, bằng sự nỗ lực và sự quyết tâm của những người lính áo trắng, Bệnh viện 108 sẽ đưa ngành ghép tạng của Việt Nam nói chung và Bệnh viện 108 nói riêng sánh ngang tầm khu vực và thế giới. Hướng tới mục tiêu phấn đấu năm 2021 và những năm tiếp theo, Bệnh viện 108 sẽ triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người với trình độ ngang tầm một số nước có nền y học phát triển trong khu vực (như ghép được chi thể, ruột, mặt, tử cung...), đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bộ đội và nhân dân.
 

GS.TS Mai Hồng Bàng – Giám đốc Bệnh viện 108 phát biểu tại Hội nghị.

Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng – Giám đốc Bệnh viện 108 cảm ơn Bộ trưởng Bộ KH&CN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ KH&CN đã luôn dành sự quan tâm cho Bệnh viện 108. Cho rằng đây là đề án KH&CN hết sức đặc biệt mà Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ Quốc phòng giao cho Bệnh viện 108, GS.TS Mai Hồng Bàng cho biết, “để có được Đề án này, chúng tôi biết ơn và trân trọng sự giúp đỡ hết sức đặc biệt của GS. Hoàng Văn Phong – nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN và GS.TS Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam. 3 thầy trò đã rất vất vả từ khi có ý tưởng đầu tiên đến khi xây dựng Đề án và được nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh hết sức ủng hộ. Hành trình rất gian nan, vất vả”.

“Bệnh viện 108 về ghép tạng đi sau rất nhiều trung tâm lớn trong cả nước nhưng chúng tôi cho rằng đi sau nhưng nếu quyết tâm và có cách đi đúng thì không bao giờ là muộn. Và Bệnh viện đã có những bước đi rất vững chắc”, GS.TS Mai Hồng Bàng nói. 

Năm 2021 và những năm tiếp theo, Bệnh viện quyết tâm triển khai thành công những mô tạng trong Đề án chưa triển khai, đồng thời mở rộng thêm những hướng mới như Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã đề cập. GS.TS Mai Hồng Bàng mong muốn Bộ KH&CN tiếp tục ủng hộ Bệnh viện mở rộng Đề án với quy mô lớn hơn, số mô tạng ghép nhiều hơn, trong đó có nghiên cứu đến việc sử dụng những vật liệu thay thế, vật liệu sinh học. Đồng thời, quan tâm đến vấn đề chuyển giao các kỹ thuật cho các đơn vị để ứng dụng rộng rãi trong cả nước.
 

Đại diện các bệnh viện ký kết Biên bản ghi nhớ chuyển giao kỹ thuật ghép tạng.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bệnh viện 108 đã ký hợp tác chuyển giao kỹ thuật ghép tạng cho 4 bệnh viện: kỹ thuật ghép phổi cho Bệnh viện Phổi Trung ương; kỹ thuật ghép gan cho Bệnh viện Nhi Trung ương; kỹ thuật ghép thận cho Bệnh viện Quân y 175; kỹ thuật ghép thận cho Bệnh viện Thanh Nhàn. Đồng thời, Bệnh viện cũng đã tri ân gia đình và cá nhân người hiến tạng; trao tặng kinh phí hỗ trợ các bệnh nhân ghép tạng tại Bệnh viện 108.
 

Thừa ủy quyền của Chủ Tịch nước, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trao Huân chương Lao động hạng Ba cho 01 tập thể và 01 cá nhân thuộc Bệnh viện 108.

Thừa ủy quyền của Chủ Tịch nước, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho 01 tập thể và 01 cá nhân thuộc Bệnh viện 108; Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Vũ Hải Sản - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 02 tập thể và 01 cá nhân thuộc Bệnh viện 108 có thành tích trong thực hiện ca ghép chi thể.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4027

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)