Thứ hai, 23/11/2020 17:02 GMT+7

Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân trả lời phỏng vấn về Năm Chủ tịch ASEANTOM 2020

Năm 2020, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Cùng với đó, Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ đảm nhận chức Chủ tịch Mạng lưới các cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử ASEAN (ASEANTOM) 2020. Nhân dịp này, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục ATBXHN đã có bài trả lời phỏng vấn về năm Chủ tịch ASEANTOM 2020. Dưới đây là bài phỏng vấn Cục trưởng.


Cục trưởng Cục ATBXHN Nguyễn Tuấn Khải
 

Là một nước thành viên của ASEANTOM, Cục trưởng có thể cho biết những khả năng và kinh nghiệm nào Việt Nam có thể vận dụng từ Mạng lưới?

Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải: Trước tiên, tôi đánh giá cao sáng kiến của Thái Lan trong việc tập hợp Mạng lưới các cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử trong khu vực ASEAN (ASEANTOM) vào tháng 09 năm 2013. 

Chúng ta có thể nhận thấy, dựa trên Mạng lưới này, một số dự án hợp tác hữu ích trong việc củng cố năng lực vùng về an toàn hạt nhân, an ninh và thanh sát trong khu vực ASEAN đã được triển khai với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế như Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Ủy ban châu Âu (EC), Bộ Năng lượng Hoa Kỳ và các đối tác khác. Đặc biệt, bản Kế hoạch hành động 05 năm (2019-2023) được chấp thuận tại Cuộc họp thường niên lần thứ 5 của ASEANTOM tại Singapore vào 02 năm trước đã thể hiện mục tiêu chung của ASEANTOM trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Hiện tại, các quốc gia thành viên ASEANTOM đã triển khai một số dự án hợp tác vùng quan trọng, bao gồm:

(1) Dự án hợp tác vùng IAEA - ASEAN RAS 9077 về Hỗ trợ chuẩn bị và ứng phó sự cố hạt nhân cấp vùng; 

(2) Dự án EC – ASEAN về Củng cố việc chuẩn bị và ứng phó sự cố của các quốc gia ASEAN. Dự án này bao gồm 02 dự án thành phần: Dự án 01 về Hỗ trợ kỹ thuật đối với việc ra quyết định; và Dự án 02 về Mạng lưới quan trắc phóng xạ cảnh báo sớm (EWRMN);

(3) Dự án vùng IAEA – ASEAN về An ninh hạt nhân.

Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEANTOM và chúng tôi đã tham gia đầy đủ các hoạt động kể trên. Các dự án trên thực sự đã có những phù hợp nhất định với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và đã có những đóng góp hiệu quả vào việc củng cố năng lực kỹ thuật và nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực An ninh hạt nhân, ứng phó khẩn cấp đối với các sự cố hạt nhân và phóng xạ.
Để chia sẻ những khả năng và kinh nghiệm mà Việt Nam có được, tôi có thể tóm lược trong các ý sau:

- Thứ nhất, chúng tôi (Cục ATBXHN) đã hỗ trợ các tỉnh thành tại Việt Nam thành lập các đội ứng phó sự cố cũng như xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh và thực hiện diễn tập về ứng phó các sự cố phóng xạ;

- Thứ hai, chúng tôi đã hợp tác với Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) trong việc thiết lập mạng lưới quan trắc phóng xạ quốc gia. Ngoài ra, tôi muốn đề cập rằng các thiết bị quan trắc phóng xạ thuộc Dự án thành phần 02 của EC – ASEAN về Mạng lưới quan trắc phóng xạ cảnh báo sớm sẽ được kết nối với hệ thống quan trắc quốc gia của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng dữ liệu đo đạc từ mạng quan trắc này sẽ hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN trong việc cảnh báo sớm và phát hiện phóng xạ bất thường từ các sự cố hoặc tai nạn từ các Nhà máy điện hạt nhân bên ngoài lãnh thổ ASEAN.

- Thứ ba, để bảo đảm vấn đề An ninh hạt nhân, chúng tôi tiếp tục hợp tác với IAEA để trang bị Cổng quan trắc phóng xạ (RPM) tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh (hiện tại, hệ thống RPM mới chỉ được thiết lập tại Sân bay quốc tế Nội Bài);

- Thứ tư, việc phát triển nhân lực trong lĩnh vực An ninh hạt nhân đã được chúng tôi lập kế hoạch đào tạo khoảng 20 giảng viên có chất lượng vào năm 2022 thông qua các khóa đào tạo được hỗ trợ bởi IAEA và Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia (NNSA), Bộ Năng lượng Hoa Kỳ. Chúng tôi hi vọng những giảng viên này sẽ có thể tham gia các khóa đào tạo Nhân viên tuyến đầu (FLO’s) của lực lượng Hải quan và Công an Việt Nam trong việc phát hiện các sự cố an ninh hạt nhân và đào tạo Nhân viên phản ứng đầu tiên (FR’s) trong ứng phó các sự cố hạt nhân và phóng xạ.


Theo Cục trưởng, trong vai trò Chủ tịch ASEANTOM năm 2020, Cục ATBXHN/Việt Nam đã gặp những thách thức nào do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19? Những kết quả tích cực mà Việt Nam thu được từ vị trí Chủ tịch ASEANTOM là gì?

Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải: Trong năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ đầu năm đã tác động lớn đến các hoạt động hợp tác dự kiến được triển khai trong năm nay với các đối tác quốc tế của ASEANTOM. Những điều kiện khách quan trong việc phòng ngừa dịch bệnh, kiểm soát biên giới, cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên toàn thế giới…đã gây ra nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Kế hoạch hành động 2019-2023 của ASEANTOM. Các hoạt động (bao gồm các khóa đào tạo, diễn tập hiện trường, hội thảo, cuộc họp tham vấn…) để triển khai các dự án thành phần của ASEANTOM đã không thể triển khai như dự kiến. Trong bối cảnh này, theo tinh thần của chủ đề ASEAN 2020: “ASEAN Gắn kết và chủ động thích ứng”, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ OAP/Thái Lan, chủ tịch ASEANTOM năm 2019 và Ban thư ký ASEAN, Cục ATBXHN/Việt Nam đã tích cực đối thoại với đầu mối của các đối tác để đưa ra các giải pháp phù hợp: trao đổi thông qua thư điện tử, hủy một số sự kiện, thay đổi thời gian (từ những tháng đầu năm sang những tháng cuối năm 2020 hoặc muộn hơn), thay đổi hình thức tổ chức (từ trực tiếp sang trực tuyến) hoặc thay đổi thời gian và hình thức tổ chức để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh và các yêu cầu được đưa ra. Cho đến nay, Việt Nam đã hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng được bàn giao từ Chủ tịch ASEANTOM năm trước, có thể kể đến: Thứ nhất, việc xây dựng Kế hoạch hoạt động dự kiến để triển khai Thỏa thuận dàn xếp giữa IAEA và ASEAN trong lĩnh vực khoa học, công nghệ hạt nhân và ứng dụng, an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân; Thứ hai, trao đổi thông tin với Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm họa (Trung tâm AHA) hướng tới việc xây dựng Dự thảo ASEAN về chuẩn bị và ứng phó sự cố hạt nhân và phóng xạ; Thứ ba, tiếp tục thúc đẩy việc triển khai dự án EC – ASEANTOM về thiết lập Mạng lưới quan trắc phóng xạ cảnh báo sớm.


Kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2020, chức Chủ tịch ASEAN được trao từ Việt Nam cho Brunei Darussalam. Việt Nam sẽ gửi thông điệp gì tới Brunei với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEANTOM 2021 mà Brunei sẽ đảm nhận lần đầu tiên?

Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải: Năm 2020 là năm đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEANTOM và cũng được coi là một năm đầy thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp và lan rộng trên toàn cầu. Bất chấp thực tế đó, các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục khẳng định sức mạnh, tinh thần đoàn kết bền chặt, khả năng phục hồi và thích ứng linh hoạt với các thách thức. Việt Nam tin tưởng rằng Brunei Darussalam sẽ tiếp tục tinh thần đó và sẽ thực hiện thành công nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2021 với chủ đề mà Brunei đã chọn: "Chúng tôi quan tâm. Chúng tôi chuẩn bị. Chúng tôi thịnh vượng". VARANS/Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ hết mình cho Brunei Darussalam nói riêng và nâng cao đóng góp của ASEANTOM vào sự phát triển chung của khu vực.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

 

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 1021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)