Thứ sáu, 20/11/2020 11:46 GMT+7

Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện hiện Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025

Ngày 13/11/2020 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang đồng chủ trì tổ chức “Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025”.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam; Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành TW,  đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN và 55 Sở KH&CN các tỉnh trong toàn quốc.



 

Hội nghị đã đánh giá kết quả hoạt động của chương trình Nông thôn miền núi (NTMN) giai đoạn giai đoạn 2016-2020 với một số nội dung chính như: Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt thực hiện 400 dự án với tổng kinh phí đầu tư là 3.066.340 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ nguồn Ngân sách sự nghiệp KH&CN TW là 1.224.085 triệu đồng, kinh phí từ nguồn khác là 1.842.255 triệu đồng. Các dự án khi kết thúc dự kiến xây dựng được 1.309/1.200 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN; chuyển giao được 2.126/1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (đạt 141,7%) vượt kế hoạch đề ra; có 43 dự án đã nghiệm thu, trong đó 02 dự án loại Xuất sắc, 33 dự án đạt loại Khá, 08 dự án loại Đạt.

Thông qua việc thực hiện dự án đã đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 1.800 cán bộ quản lý dự án; đào tạo được 3.520 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương, tập huấn cho 78.610/80.000 lượt nông dân về các tiến bộ KH&CN đã được chuyển giao, ứng dụng. Các công nghệ chuyển giao trong khuôn khổ dự án tập trung vào các nội dung chính như: Tiến bộ KH&CN về giống mới và công nghệ nhân giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, giống nấm; công nghệ trong thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm; sơ chế nông, lâm thủy sản, dược liệu cho vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm sinh học, xử lý môi trường; phòng trừ dịch bệnh; công nghệ, thiết bị phục vụ phát triển sản xuất gắn với du lịch sinh thái...

Trong giai đoạn này, các dự án theo chuỗi liên kết được ưu tiên lựa chọn với mục tiêu tạo hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Trong đó, Chương trình đã ưu tiên xây dựng các mô hình liên kết giữa đơn vị sản xuất với người nông dân và với nhà phân phối thành chuỗi giá trị từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các dự án ứng dụng KH&CN đều mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp một cách rõ rệt cho cộng đồng, thể hiện ở sự gia tăng doanh thu hay lợi nhuận, đồng thời mang lại hiệu quả xã hội rất lớn, tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới cho người lao động nông thôn, miền núi.

Nhằm triển khai giải pháp tổng thể phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn miền núi, nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm sáng tạo, lồng ghép các nhiệm vụ thuộc Chương trình NTMN với các nhiệm vụ thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các nhiệm vụ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực của địa phương. Tiêu biểu như, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 18 sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn nông thôn miền núi của tỉnh như: vải thiều Lục Ngạn, cam Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, gạo thơm Yên Dũng, na dai Lục Nam, mây tre đan Tăng Tiến, bánh đa Kế… trong đó, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore; gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ tại Trung Quốc và Lào; Sản phẩm mỳ Chũ đã được bảo hộ tại Lào, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị đã thảo luận về những tồn tại hạn chế cụ thể như: có giải pháp hỗ trợ các địa phương trong việc ứng dụng công nghệ cao trong các dự án thuộc chương trình NTMN; hàng năm, nhu cầu đề xuất thực hiện dự án của các địa phương được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN từ TW còn hạn chế; việc lựa chọn tổ chức chủ trì dự án ở một số địa phương mới chỉ chú trọng đến năng lực tài chính nên khi thực hiện, đơn vị chủ trì gặp khó khăn như: không có mặt bằng sản xuất, khả năng ứng dụng công nghệ còn chậm… dẫn đến chậm tiến độ dự án; quá trình tổ chức triển khai các dự án, một số Sở KH&CN chưa phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; việc nắm bắt tiến bộ kỹ thuật của người dân khu vực nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số còn hạn chế, để người dân có thể tiếp thu ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi và nâng cao giá trị thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi phải có thời gian dài vì vậy đề nghị Bộ KH&CN tăng cường công tác tập huấn, bảo đảm các nội dung của mô hình, giúp người dân dễ tiếp thu, ứng dụng trong thực tế.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đã biểu dương và ghi nhận những thành tích kết quả đã đạt được trong 5 năm qua và tin tưởng trong 5 năm tới với sự chung tay của nhiều cơ quan quản lý, chính quyền của địa phương sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình dự án. Bên cạnh những kết quả đạt được, Lãnh đạo Bộ KH&CN cũng cho rằng Chương trình vẫn còn một số tồn tại, vì vậy cần tăng cường các giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình như vấn để lựa chọn công nghệ chuyển giao trong khuôn khổ các dự án, ưu tiên ứng dụng chuyển giao các giải pháp đã được bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích; tăng cường hỗ trợ sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, lồng ghép quản lý và phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị Vụ Phát triển KH&CN địa phương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN rà soát, tham mưu cho Bộ KH&CN bổ sung, hiệu chỉnh các quy định để tạo thuận lợi hơn nữa cho việc thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết từng năm và cả giai đoạn 2021-2025, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về sản phẩm mà chương trình đã đặt ra; đề nghị Sở KH&CN các địa phương bám sát mục tiêu Chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH, phát triển KH&CN giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở đó chủ động tham mưu cho UBND tỉnh từ đó đề xuất, tổ chức thực hiện dự án phù hợp với chỉ tiêu phát triển, nâng cao năng xuất chất lượng cạnh tranh sản xuất hàng hóa của địa phương.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1124

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)