Thứ sáu, 20/11/2020 11:43 GMT+7

Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Khả Lĩnh” cho sản phẩm bưởi

Ngày 13/11/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4473/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00088 cho sản phẩm bưởi “Khả Lĩnh”. Ủy ban nhân dân huyện Yên Bình (Yên Bái) là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Cây bưởi “Khả Lĩnh” có nguồn gốc từ cách đây hơn 300 năm, kể từ khi làng Khả Lĩnh (nay là thôn Khả Lĩnh), xã Đại Minh được thành lập vào cuối thế kỷ XVII. Đây là một trong hai địa danh có giống bưởi ngon nổi tiếng tạo nên thương hiệu bưởi Đoan Hùng trong lịch sử, được nhắc đến trong câu ca dao:

“Bưởi Đoan Hùng lừng danh chí tiếng
Là hai nơi Chi Đám - Đại Minh”

Bưởi Khả Lĩnh được nhiều người biết đến như một sản vật đặc trưng của địa phương, một vật quý để làm quà cho du khách. Tương truyền dưới thời phong kiến “Nơi đây bưởi mọc thành rừng, lũ trẻ con hái bưởi đóng thành bè bơi sông, quả bưởi xuôi về vùng hạ lưu, người ta vớt lên ăn, thấy ngon nên ngược sông tìm đến làng Khả Lĩnh”. Từ đó, hàng năm dân làng Khả Lĩnh đều chọn những quả bưởi ngon nhất để tiến vua.


 

Cây bưởi gắn với đời sống của bà con nơi đây, ngày nay bưởi Khả Lĩnh góp một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế của xã Đại Minh nói chung và thôn Khả Lĩnh nói riêng. Hiệu quả kinh tế do bưởi Khả Lĩnh đem lại cao gấp 1,5 đến 2 lần so với các loại trái cây khác, thu nhập bình quân đạt 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm, từ đó giúp cho người dân nơi đây yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống và phát triển kinh tế địa phương.


Bưởi Khả Lĩnh có được danh tiếng như vậy là nhờ thích hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý. Vùng trồng bưởi “Khả Lĩnh” thuộc xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ trung bình năm từ 23,4oC - 24,4oC, tổng lượng mưa trung bình năm từ 1267,1 - 2414,2 mm. Đây là vùng có địa hình thấp, chủ yếu là vùng đất ven sông, khá bằng phẳng và vùng đồi thấp. Độ cao giữa các vùng trồng chênh lệch không lớn, độ dốc tương đối thấp, đồng thời, chế độ thủy văn ở vùng trồng bưởi do được chi phối bởi hệ thống sông Chảy, hồ Thác Bà và hệ thống sông, suối, kênh rạch dày nên rất thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Cũng nhờ hệ thống sông, suối, kênh rạch khá dày mà vùng này được bồi tụ phù sa, đất tơi xốp, thông thoáng, tiêu thoát nước tốt, không bị ngập úng, nhiễm mặn, nhiễm phèn đã tạo nên vùng đất đai màu mỡ thích hợp trồng các loại trái cây có chất lượng đặc biệt là bưởi. Thổ nhưỡng vùng này thuộc nhóm đất thịt pha cát và sét, có độ pHKCL từ 5,91 đến 6,68 hoàn toàn nằm trong ngưỡng thuận lợi để cây bưởi phát triển và hấp thu chất dinh dưỡng, hàm lượng lân dễ tiêu cao từ 174,26 mg/kg đến188,63 mg/kg giúp cho cây bưởi có hàm lượng axit tổng số trong dịch quả thấp nên quả ít có vị chua, hàm lượng kali tổng số từ 1,18 % đến 1,25 %, kali dễ tiêu cao từ 140,24 mg/kg đến 154,10 mg/kg giúp nâng cao độ Brix, hàm lượng đường trong dịch quả, đồng thời làm giảm độ dày vỏ quả. Bên cạnh đó, khả năng trao đổi cation (CEC) trong đất tương đối cao từ 41,38 meq/100g đến 45,08 meq/100g cũng giúp cho cây bưởi hấp thu tốt kali làm tăng độ brix.



 

Bưởi “Khả Lĩnh” có hình cầu dẹt, đáy quả bằng, phần sát cuống phẳng. Cuống quả nhỏ, nông, trọng lượng quả  từ 462,70 g/quả đến 887,20 g/quả, chiều cao quả từ 83,20 mm đến 122,30 mm, đường kính quả từ 69,57 mm đến 128,70 mm.  Nhờ điều kiện tự nhiên thích hợp mà bưởi nơi này có đặc thù, khác biệt với bưởi trồng tại vùng khác. Vỏ quả rất mỏng, độ dày vỏ quả từ 3,8 mm đến 8,7 mm, khi chín có màu vàng, nhẵn, bóng. Cùi quả màu trắng, múi đều và rất mọng nước, hàm lượng nước từ 85,67 % đến 89,82 %.  Hàm lượng tinh dầu trong vỏ cao từ 1,48% đến 1,71 %, số túi tinh dầu nhiều từ 44 túi tinh dầu/cm2 đến 51 túi/cm2 nên bưởi có mùi rất thơm. Bưởi “Khả Lĩnh” có độ Brix nằm ở ngưỡng cao từ 11,03 % đến 12,75 %, đường tổng số từ 9,48 % đến 10,71 %, vì vậy, bưởi có vị ngọt dịu, không the, đắng và không có vị chua. 

Với kinh nghiệm hơn 300 năm trồng bưởi, người dân địa phương đã đúc kết nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc và thu hoạch phù hợp với đặc tính cây trồng và điều kiện đất đai để tạo ra sản phẩm có chất lượng. Đồng thời người dân cũng biết áp dụng khoa học kỹ thuật để đưa ra các biện pháp kỹ thuật như thụ phấn chéo với cây bưởi chua, bón phân hữu cơ một cách khoa học, chọn lọc giống từ cây mẹ có chất lượng để nâng cao năng suất, bảo vệ và khai thác nguồn gen giống bưởi Khả Lĩnh. Nhờ đó mà danh tiếng của bưởi Khả Lĩnh được giữ gìn và ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn./.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1933

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)