Thứ sáu, 13/03/2020 16:47 GMT+7

Tổ chức năng suất châu Á họp trực tuyến xây dựng Tầm nhìn và Chiến lược mới đến năm 2025

Tiếp theo thành công của cuộc họp lần thứ hai của Ban chỉ đạo được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 25-26/02/2020, Tổ chức năng suất Châu Á (APO) đã tiến hành cuộc họp lần thứ hai của Nhóm chuyên gia kỹ thuật tại Tokyo để xây dựng các nội dung theo các định hướng đã được Ban chỉ đạo thống nhất để trình Ban chấp hành APO phê duyệt trong tháng 4 năm 2020.


Quang cảnh cuộc họp tại Tokyo

 

Do ảnh hưởng của dịch vi rút Covid-19, cuộc họp được tổ chức theo hình thức kết hợp họp tại chỗ (tại Tokyo) và họp trực tuyến từ ngày 10-11/3/2020 do Tổng thư ký APO, Tiến sỹ AKP Mochtan chủ trì. Ngoài Ban thư ký APO, cuộc họp còn có sự tham dự của 04 chuyên gia đến từ Úc, Pháp, Singapore và Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ Hà Minh Hiệp đã tham dự với vai trò chuyên gia của Nhóm, đại diện cho Ban chỉ đạo của APO.



Tổng thư ký APO, Tiến sỹ AKP Mochtan trình bày tại cuộc họp



Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp tham gia cuộc họp theo hình thức trực tuyến

 

Tại cuộc họp, các chuyên gia đã cùng nhau hoàn thiện các phương pháp luận để đánh giá mục tiêu, nội dung và các giải pháp của Tầm nhìn và Chiến lược của APO đến năm 2025, xác định các chỉ số đo lường hiệu quả (KPI) để thực hiện 7 chiến lược cụ thể như:

Mở rộng năng lực và thúc đẩy các thực hành tốt nhất: APO sẽ tập trung vào đẩy mạnh các sáng kiến ​​trong nước phù hợp với nhu cầu của từng nền kinh tế thành viên; tăng cường năng lực tổ chức của các cơ quan năng suất của các nền kinh tế thành viên; thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn giữa các cơ quan năng suất của các nền kinh tế thành viên.

Phát triển và áp dụng các thực hành và công nghệ mới, thế hệ mới: APO sẽ tập trung tạo một môi trường chủ động để phát triển các chương trình và phương pháp mới nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai; tổ chức đào tạo và tăng cường liên tục lực lượng lao động chất lượng cao cho các nước thành viên.

Tạo môi trường pháp lý giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo: APO sẽ tăng cường xây dựng năng lực về thực hành quy định tốt; đồng thời phát triển các nền tảng để chia sẻ thực hành quy định tốt.

Tăng cường thúc đẩy năng suất xanh: Tăng cường các chương trình hiện tại về Năng suất xanh và mở rộng phạm vi Năng suất xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu là 02 nhiệm vụ trọng tâm của APO trong giai đoạn 2020-2025.

Đẩy mạnh các dịch vụ nghiên cứu và tư vấn chính sách: APO sẽ đưa ra các tài liệu tham khảo đáng tin cậy về tất cả các chủ đề, thống kê năng suất ở Châu Á-Thái Bình Dương cho các nền kinh tế thành viên, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy các dịch vụ tư vấn chính sách dựa của các cơ quan năng suất của các nền kinh tế thành viên.

Mở rộng mạng lưới các chuyên gia và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược: trong giai đoạn tới, APO sẽ tận dụng các tổ chức và cá nhân đã tham gia các chương trình APO để mở rộng mạng lưới chuyên môn, đồng thời tập trung thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu hàng đầu về kinh tế vĩ mô.

Tăng cường năng lực của Ban thư ký APO: APO sẽ thiết lập các biện pháp đánh giá hoạt động hiệu quả đối với các thành viên Ban Thư ký APO; tập trung đánh giá chuyên môn của các cá nhân có năng lực, xuất sắc có liên quan chặt chẽ với APO; khuyến khích các thành viên Ban Thư ký APO tạo liên kết mạnh mẽ hơn với các cơ quan năng suất của các nền kinh tế thành viên.

Theo đó, Tầm nhìn và Chiến lược phát triển của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) sẽ kết thúc vào năm 2020. Do vậy, APO đã thành lập Ban chỉ đạo và Nhóm chuyên gia kỹ thuật để xây dựng Tầm nhìn và Chiến lược mới đến năm 2025. Ban chỉ đạo đã xác định một số định hướng trọng tâm xây dựng chiến lược APO đến năm 2025 với tầm nhìn thúc đẩy quá trình tăng trưởng năng suất toàn diện, dựa trên động lực đổi mới sáng tạo trong toàn khu vực Châu Á đến năm 2025.

Ngoài mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của các nền kinh tế thành viên thông qua tăng trưởng năng suất, định hướng chiến lược sẽ mở rộng năng lực và thúc đẩy các thực hành tốt nhất, phát triển và áp dụng các thực hành và công nghệ mới, thế hệ mới; tạo môi trường pháp lý giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tăng cường thúc đẩy năng suất xanh; đẩy mạnh các dịch vụ nghiên cứu và tư vấn chính sách; mở rộng mạng lưới các chuyên gia và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược; tăng cường năng lực của Ban thư ký APO.

APO là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, liên chính phủ được thành lập vào ngày 11 tháng 05 năm 1961. Đây là tổ chức duy nhất tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có nhiều hoạt động triển khai giúp nâng cao năng suất, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực. Hiện nay, APO có 20 nền kinh tế thành viên gồm: Ấn Độ, Campuchia, Bangladesh, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hong Kong, Indonesia, Iran, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Nhật Bản, Pakistan, Fiji, Philippines, Singapore, Thái Lan, Sri Lanka và Việt Nam. Dự kiến trong năm 2020, APO sẽ có thêm nền kinh tế thành viên mới là Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ khi gia nhập APO đến nay, Việt Nam đã cử hàng nghìn lượt cán bộ của nhiều cơ quan quản lý, các ngành kinh tế và các tổ chức, doanh nghiệp tham dự các chương trình, dự án của APO ở trong nước và nước ngoài. Viện Năng suất Việt Nam (Vietnam Productivity Institue, VNPI) là Cơ quan năng suất đại diện cho Việt Nam tại Tổ chức năng suất Châu Á  (APO). Trong thời gian vừa qua, APO đã trực tiếp hỗ trợ VNPI một số chương trình, dự án quan trọng như: Dự án xây dựng Kế hoạch Tổng thể về năng suất hướng đến phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; Dự án xây dựng tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất của APO; Dự án “nghiên cứu giải pháp thúc đẩy năng suất trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế”; Chương trình cung cấp chuyên gia kỹ thuật (Technical Expert Services, TES) cho các tổ chức tại Việt Nam; tổ chức các đoàn học tập khảo sát theo chủ đề tại các quốc gia thành viên...

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1904

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)