Thứ sáu, 13/03/2020 10:45 GMT+7

Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng bộ tiêu chí xác định các hệ thống thiết bị viễn thám trên vệ tinh nhằm đáp ứng nhu cầu ảnh viễn thám ở Việt Nam

Các hệ thống thiết bị viễn thám trên vệ tinh rất đắt tiền, thường đòi hỏi những đầu tư kinh phí rất lớn của Nhà nước. Nếu các hệ thống thiết bị viễn thám này được thiết kế, chế tạo tự do không có sự quản lý, giám sát thì sẽ dẫn đến sự thiếu hiệu quả và lãng phí to lớn trong khi vẫn không thỏa mãn hết được đòi hỏi thực tế về tư liệu viễn thám của người sử dụng. Nhưng do việc thiết kế, chế tạo các hệ thống thiết bị viễn thám lắp đặt trên vệ tinh còn rất mới đối với Việt Nam, nên cho đến nay có rất ít nghiên cứu, thử nghiệm sơ khai về lĩnh vực này và vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu nào cho phép xác định được các hệ thống thiết bị viễn thám cần phát triển trong giai đoạn hiện nay và tương lai gần (đến năm 2030). Cục Viễn thám quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về các hoạt động viễn thám ở Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ cơ bản của Cục Viễn thám quốc gia là xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thám trong đó hệ thống thiết bị viễn thám trên vệ tinh có vai trò then chốt. Vì vậy, một yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với Cục là phải trả lời được câu hỏi: cần xây dựng hệ thống thiết bị viễn thám nào với các tính năng kỹ thuật, cơ chế hoạt động, vận hành phù hợp với các đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội và trình độ khoa học kỹ thuật của nước ta trong khi vẫn đáp ứng được tối đa các nhu cầu đa dạng về ảnh viễn thám của người sử dụng.


 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này cần có một hệ thống các tiêu chí là công cụ cho phép đánh giá tổng hợp, toàn diện về đặc tính kỹ thuật, năng lực cung cấp và chất lượng dữ liệu ảnh viễn thám, tỉ lệ đáp ứng nhu cầu sử dụng của các Bộ, nghành trong nước, sự thích ứng với điều kiện thời tiết khí hậu của Việt nam, tính ổn định và tuổi thọ của hệ thống, sự tương thích với các hệ thống thiết bị, cơ sở hạ tầng viễn thám hiện có, tính hiệu quả của vốn đầu tư… đối với mỗi hệ thống, thiết bị viễn thám trên vệ tinh sẽ được thiết kế, chế tạo. Nếu không có bộ tiêu chí này sẽ rất khó khăn để đưa ra các quyết định chính xác trong việc lựa chọn, ưu tiên phát triển các hệ thống thiết bị viễn thám tiên tiến, phù hợp cũng như tránh những sai lầm đáng tiếc khi đầu tư vào lĩnh vực viễn thám.

Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, các nhà nghiên cứu tại Cục Viễn thám quốc gia do ông Chu Hải Tùng làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng bộ tiêu chí xác định các hệ thống thiết bị viễn thám trên vệ tinh nhằm đáp ứng nhu cầu ảnh viễn thám ở Việt Nam” từ năm 2015 đến năm 2017.

Đề tài nhằm mục tiêu xây dựng được bộ tiêu chí để xác định các hệ thống thiết bị viễn thám trên vệ tinh nhằm thỏa mãn nhu cầu về tư liệu ảnh viễn thám ở Việt Nam; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về viễn thám của Cục Viễn thám Quốc gia.

Một số kết quả nổi bật:

- Đã xây dựng được bộ tiêu chí xác định các hệ thống thiết bị viễn thám trên vệ tinh nhằm đáp ứng nhu cầu ảnh viễn thám ở Việt Nam. Các nhóm tiêu chí chính bao gồm:

* Tiêu chí về sự cần thiết, phù hợp với nhu cầu ứng dụng dữ liệu viễn thám;

* Tiêu chí về đặc điểm, tính năng kỹ thuật;

* Tiêu chí xác định quỹ đạo vệ tinh viễn thám;

* Tiêu chí về năng lực cung cấp dữ liệu viễn thám;

* Tiêu chí về cơ chế hoạt động và sự ổn định của hệ thống;

* Tiêu chí về sự tương thích, khả năng phối hợp và tận dụng các cơ sở hạ tầng viễn thám hiện có;

* Tiêu chí về hiệu quả phục vụ và đầu tư.

Bộ tiêu chí này sẽ là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc nghiên cứu, phát triển các hệ thống thiết bị viễn thám tương lai ở Việt nam, đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách thẩm định các dự án xây dựng các hệ thống thiết bị và vệ tinh viễn thám.

Các tiêu chí được đề xuất trên cơ sở kết hợp nghiên cứu tổng quan chiến lược, nguyên lý hoạt động, đặc điểm kỹ thuật của các hệ thống thiết bị và vệ tinh viễn thám trên thế giới và xu hướng phát triển của chúng, nhu cầu về dữ liệu viễn thám và năng lực đáp ứng của các vệ tinh viễn thám hiện có ở Việt Nam.

- Trên cơ sở các tiêu chí đã xây dựng, kết hợp với điều kiện thực tế ở nước ta, đề tài đã đề xuất được phương án quy hoạch tổng thể các hệ thống thiết bị viễn thám trên vệ tinh đến năm 2030.

Trong phương án quy hoạch tổng thể xác định rõ các loại, số lượng các hệ thống thiết bị viễn thám trên vệ tinh cần phát triển từ nay cho đến năm 2030 và các đặc tính kỹ thuật tương ứng của chúng.

- Đã xây dựng được các dự thảo thông tư về bộ tiêu chí xác định hệ thống thiết bị Viễn thám trên vệ tinh và quy hoạch tổng thể cho các hệ thống thiết bị này tới năm 2030.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14867) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1972

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)