Thứ sáu, 17/01/2020 21:14 GMT+7

Viettel thực hiện cuộc gọi video 5G đầu tiên trên thiết bị Make in Vietnam

Sáng nay, 17/01/2020, tại trụ sở của Viettel, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả phần cứng và phần mềm.

Đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNode 5G trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12/2019) với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G - eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G.

Như vậy, chỉ sau 8 tháng kể từ ngày Viettel - nhà mạng đầu tiên của Việt Nam, top 50 nhà mạng trên thế giới - thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác vào tháng 5/2019, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.



Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thực hiện thành công cuộc gọi video qua mạng 5G

 

Hiện nay, trên thế giới có 5 công ty sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất  thiết bị này. Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất các thiết bị mạng.

Trước đó vào tháng 12/2019, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 của Bộ TT&TT, Viettel đã ra mắt thiết bị trạm thu phát gốc vô tuyến 5G - gNodeB, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật mà Hiệp hội Viễn thông quốc tế 3GPP đã chuẩn hoá và công bố.

Việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G sẽ giúp Viettel chủ động trong việc triển khai 5G cho mạng di dộng của mình và các dịch vụ gia tăng đi kèm, nhằm tạo ra những trải nghiệm 5G tốt nhất cho khách hàng.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, việc thử nghiệm cuộc gọi 5G lần đầu tiên bằng các thiết bị do Việt Nam sản xuất là minh chứng sinh động cho tinh thần bứt phá theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KH&CN sẽ chung tay cùng Bộ TT&TT trong việc hoàn thiện và tháo gỡ các vấn đề liên quan đến thể chế. Bộ KH&CN sẽ tạo thuận lợi tối đa nhằm giúp Viettel nói riêng và các nhà sản xuất Việt Nam nói chung trong việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả và thành tựu R&D của mình.

“Tháng 5/2019, tôi đã được dự kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam giữa Viettel và Tập đoàn Ericsson. Chỉ mất 8 tháng để Viettel có thể thử nghiệm trên thiết bị do mình sản xuất là quá trình nhanh không thể tưởng tượng dù đây là một chặng đường cam go, nhưng đã có rất nhiều sáng tạo, tích lũy từ năm 2011”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ niềm tự hào vì Việt Nam đã có thể làm chủ từ mạng lõi, mạng truy cập… đồng thời tin tưởng rằng, sắp tới Viettel sẽ phát triển mạnh mẽ.



Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định “Bộ KH&CN sẽ tạo mọi điều kiện để thực hiện dự án thành công”

 

Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của nhà mạng Viettel trong việc đầu tư nghiên cứu và sản xuất thiết bị 5G. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc có một mạng lưới viễn thông bằng các thiết bị Việt Nam là ước mơ và khát vọng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo ngành Bưu điện. Hiện Việt Nam đang làm chủ được khoảng 70% các thiết bị viễn thông dùng trong mạng lưới. Mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2021, Việt Nam phải làm chủ hoàn toàn việc sản xuất tất cả các thiết bị viễn thông.

Năm 2020 sẽ là năm quốc gia về chuyển đổi số. Để hướng tới việc biến Việt Nam trở thành một quốc gia số, cần phải phát triển hạ tầng viễn thông. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ cho Viettel phải sớm thương mại hóa thiết bị 5G Microcell vào tháng 6/2020.

Đây cũng là khoảng thời gian Bộ TT&TT tiến hành cấp phép tần số dùng cho 5G. Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam sẽ chính thức thương mại hóa 5G vào tháng 6/2020. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo đó, trong năm 2020, Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam.



Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định “Trong năm 2020, Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam”

 

Tại sự kiện, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội bày tỏ sự xúc động vì đây là lần đầu tiên Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất các thiết bị 5G. Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia  và Việt Nam sẽ chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có thể đi cùng với thế giới trong làm chủ và ứng dụng công nghệ mới nhất, là sự khẳng định bước trưởng thành của lực lượng kỹ thuật Viettel.



Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên Việt Nam có thể đi cùng với thế giới trong làm chủ và ứng dụng công nghệ mới nhất, là sự khẳng định bước trưởng thành của lực lượng kỹ thuật Viettel”

 

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh, dự án 5G được xác định là một dự án chiến lược nhất của Viettel.

Viettel đặt mục tiêu đến 6/2020 sẽ thương mại hóa 5G Microcell và đến tháng 6/2021 sẽ thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Tập đoàn này sẽ xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên “Hệ sinh thái công nghệ 5G” phát triển và sản xuất tại Việt Nam. Năm 2020, mạng thông tin di động 5G ở Việt Nam sẽ được triển khai thương mại cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới.



Việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G sẽ giúp Viettel chủ động trong việc triển khai 5G cho mạng di dộng của mình và các dịch vụ gia tăng đi kèm.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2558

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)