Thứ sáu, 05/07/2019 13:53 GMT+7

Nghiên cứu chọn giống bạch đàn lai bằng chỉ thị phân tử

Chi bạch đàn (Eucalyptus) gồm 700 loài thuộc họ Myrtaceae (Brooker, 2000) là loài cây mọc nhanh có nguồn gốc từ Úc và được phân bố rộng rãi ở các nước Papua New Guinea, Timor, Sulawesi, Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Philipin. Loài này được gây trồng rộng rãi trên thế giới và đóng vai trò hết sức quan trọng trong trồng rừng, cung cấp các sản phẩm gỗ cho ngành nguyên liệu giấy, ván dăm, gỗ xây dựng và đồ nội thất. Tổng diện tích rừng trồng bạch đàn trên thế giới đến năm 2000 là 17,9 triệu ha, tập trung chủ yếu ở các nước như Braxin, Công Gô, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi. Chỉ riêng các nước khu vực Đông Nam Á và Nam Trung Quốc (gồm có 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây), diện tích trồng rừng keo và bạch đàn lên tới khoảng 7 triệu ha (Harwood và Nambiar, 2014). Nghiên cứu chọn giống bạch đàn là một khâu quan trọng trong chiến lược cải thiện giống nhóm loài bạch đàn. Mặc dù, nhiều loài bạch đàn có biên độ sinh thái rộng nhưng khi được trồng trên nhiều quốc gia khác nhau thì bạch đàn có sự phân hóa mạnh về sinh trưởng.

Trong nghiên cứu công nghệ sinh học hiện đại, đặc biệt là chỉ thị phân tử cho phép nhận biết một cách chính xác các tính trạng quan tâm trên đoạn nhiễm sắc thể, từ đó rút ngắn bước quan sát kiểu hình. Các phương pháp đang được nghiên cứu để lập bản đồ gen về tính đa dạng có hiệu quả là kỹ thuật RFLP, AFLP, RAPD, SSR...Các phương pháp này cho phép nhà nghiên cứu nhanh chóng theo dõi và phát hiện sự di truyền các tính trạng quan trọng nhờ chỉ thị ADN cũng như việc xác định tính đa dạng di truyền ở mức độ phân tử giữa các loài, giống.

Từ khi ra đời đến nay, chỉ thị phân tử đã được sử dụng rộng rãi trong các chương trình cải thiện giống cây trồng nói chung và cây rừng nói riêng và các kết quả đạt được đã góp phần giúp cho quá trình chọn giống nhanh hơn, hiệu quả hơn. Chọn giống cây trồng bằng chỉ thị phân tử đòi hỏi phải có bản đồ liên kết phân tử với mật độ chỉ thị cao và bản đồ các QTL với các chỉ thị có sự liên kết chặt với các tính trạng quan tâm. Hiện nay, hệ gen của bạch đàn đã được lập bản đồ liên kết dựa trên sự đa hình của các chỉ thị SSR, RAPD, AFLP (Brondani et al., 2002).

Đề tài: “Nghiên cứu chọn giống bạch đàn lai bằng chỉ thị phân tử” là đề tài KHCN cấp Nhà nước, được hình thành trên cơ sở kế tiếp một phần sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu lai tạo giống một số loài bạch đàn, keo, tràm và thông” qua 3 giai đoạn từ năm 2001 đến 2015, do TS. Nguyễn Việt Cường, thuộc Viện nghiên cứu giống và công sinh học lâm nghiệp làm chủ nhiệm đề tài cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của các cộng tác viên đề tài đã mang một số kết quả nổi bật, bao gồm:

A. Về nội dung xây dựng nguồn vật liệu nghiên cứu

- Đề tài đã chọn được 19 cây bố mẹ của 3 loài bạch đàn với khoảng cách di truyền nằm trong khoảng [0,28; 3,882], được chia thành nhiều nhánh có sự sai khác lớn và có ý nghĩa trong chọn giống và lai tạo giống.  

- Đề tài đã chọn được 7 cặp bố mẹ lai (U4C1, C7U4, U4E1, C4U4, E6U4, C5U4, E6U4) từ hai hiện trường khảo nghiệm, các tổ hợp lai này đều có ưu thế lai so với bố mẹ của chúng và là tổ hợp lai có sinh trưởng triển vọng. 

B. Về nội dung nghiên cứu và ứng dụng các chỉ thị SSR có liên quan đến sinh trưởng nhanh.

- Đề tài đã chọn lọc được 106 chỉ thị SSR đa hình, trong đó có được 20 chỉ thị SSR có liên quan đến sinh trưởng nhanh, đặc biệt có 8 chỉ thị SSR có tương quan với R từ 0,23 đến 0,57 và 12 chỉ thị có tương quan yếu với R từ 0,14 đến 0,2.

- Đề tài chọn được 10 dòng bạch đàn lai sinh trưởng nhanh là UC16, UC51, CU113, CU123, UC52, CU182, UE72, UC55, CU98, CU82 có năng suất cao từ 30,7m3/ha/năm đến 45,3m3/ha/năm, và đã xác định được 8 chỉ thị SSR (EMBRA39, EMBRA229, EMBRA208, EMBRA78, EMBRA196, EMBRA209, EMBRA168, EMBRA124) có các alen biểu hiện liên quan đến sinh trưởng nhanh của 10 dòng bạch đàn lai trên.

- Kiểm chứng lại mối liên quan giữa 8 chỉ thị phân tử này với 6 dòng bạch đàn lai sinh trưởng nhanh (UE3, UE33, UE27, UE24, UC1, UC90) ở Bầu Bàng cho thấy, chúng vẫn có các alen biểu hiện liên quan đến sinh trưởng nhanh.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14282) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2779

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)