Thứ sáu, 05/07/2019 13:45 GMT+7

Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật gây trồng Sơn huyết (Melanorrhoea laccifera Pierre) và Bời lời đỏ (Litsea glutinosa Roxb.) cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Sơn huyết (Melanorrhoea laccifera Pierre) và Bời lời đỏ (Litsea glutinosa Roxb.) là hai loài cây lâm sản ngoài gỗ bản địa đa tác dụng có giá trị kinh tế cao, có thể đáp ứng được yêu cầu trồng rừng và làm giàu rừng nhằm cung cấp nhu cầu nguyên liệu lâm sản cho công nghiệp chế biến. Đây cũng là hai loài cây lá rộng thường xanh, thích nghi rộng ở nhiều vùng sinh thái nên chúng được ưu tiên lựa chọn trong các chương trình trồng rừng, làm giàu rừng ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây nguyên.

Sơn huyết rất có triển vọng để phục hồi rừng tự nhiên nghèo kiệt bằng phương pháp làm giàu nếu được nghiên cứu thành công. Tuy nhiên, cơ sở khoa học về đặc điểm sinh học cũng như các biện pháp kỹ thuật từ chọn, tạo giống đến gây trồng, khai thác bền vững loài cây này còn nhiều hạn chế.

Đối với cây Bời lời đỏ có vỏ, lá, tinh dầu dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất, hóa mỹ phẩm, dược phẩm như làm chất keo dính, sơn, hương liệu, nhang thờ cúng… Nhu cầu về giống Bời lời đỏ có năng suất, chất lượng cao là rất lớn, song, nguồn cung hiện tại không đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn sản xuất hiện nay. Hầu hết giống đang được sử dụng trong thực tiễn sản xuất là giống xô bồ, chưa được chọn lọc bởi vậy ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất và chất lượng rừng trồng.

Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào về chọn giống cũng như chưa có nghiên cứu cụ thể về các biện pháp kỹ thuật nuôi dưỡng tái sinh chồi để rút ngắn chu kỳ kinh doanh, tăng năng suất và hiệu quả rừng trồng. Vì vậy, đề tài "Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật gây trồng Sơn huyết (Melanorrhoea laccifera Pierre) và Bời lời đỏ (Litsea glutinosa Roxb.) cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên" đã được giao cho Viện KHLN Việt Nam là cơ quan chủ trì, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ là đơn vị thực hiện và ThS. Nguyễn Thị Chuyền làm chủ nhiệm.  

Sau một thời gian tiến hành nghiên cứu, đề tài rút ra một số kết luận đáng chú ý như sau:

- Tại các điểm nghiên cứu Quảng Nam (vùng Nam Trung Bộ), Lộc Lâm và Lang Hanh, Lâm Đồng (vùng Tây Nguyên) các pha vật hậu của Sơn huyết đều chậm hơn so với điểm nghiên cứu tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Hệ số tổ thành và giá trị quan trọng của Sơn huyết ít có sự khác biệt giữa các điểm nghiên cứu, dao động từ 6,34% - 9,33%. Đây là cơ sở quan trọng để xác định mô hình rừng trồng hỗn giao Sơn huyết với các loài khác.

- Trọng lượng 1000 hạt Sơn huyết là 30990,55 gam; số lượng hạt Sơn huyết trong 1kg dao động từ 31 đến 35 hạt và trung bình 1kg hạt Sơn huyết có 32 hạt (quả), tỷ lệ nảy mầm từ 91,67% đến 100%.

- Hạt Sơn huyết mới thu hái từ rừng về có hàm lượng nước khá cao, thường dao động từ 30,05% đến 32,94%.

- Có thể bảo quản hạt giống Sơn huyết trong 9 tháng ở nhiệt độ từ 5oC-15oC, tỷ lệ nảy mầm vẫn đạt ≈ 70-80%.

- Xử lý hạt Sơn huyết bằng cách ngâm hạt trong nước ấm, nhiệt độ ban đầu 40-50 độ C trong thời gian 6 giờ vừa cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất đạt 92,33% vừa rút ngắn được thời gian gieo ươm.

- Đề tài đã chọn lọc được 120 cây trội Sơn huyết và Bời lời đỏ, trong đó, thu hái được hạt giống từ 90 cây trội.

- Khai thác Bời lời đỏ lần 1 khi cây được 4 đến 6 tuổi bằng phương thức khai thác trắng hoặc khai thác chọn. Thời gian khai thác nên tránh mùa mưa do gốc chặt dễ bị thối làm giảm khả năng tái sinh chồi, đồng thời điều kiện thời tiết không thuận lợi cho việc sơ chế hoặc chế biến sản phẩm.

- Chồi Bời lời đỏ tái sinh mạnh sau 5 tháng khai thác ở luân kỳ 1 có thể cao từ 50- 80cm, số chồi để lại trên gốc chặt thường từ 2 đến 4 chồi.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14279) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2017

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)