Thứ tư, 03/07/2019 16:28 GMT+7

Khai thác và phát triển nguồn gen cây thanh mai

Cây Thanh mai hay còn gọi là cây Dâu rượu, thuộc họ Dâu rượu (Myricaceae). Là loài thực vật bản địa của Nepal, Ấn Độ, Trung Quốc (Tây Bắc Quảng Đông, Quảng Tây; Tây và Nam Quý Châu, Nam Tứ Xuyên, Vân Nam), Bhutan, Myanmar, Thái Lan, và Việt Nam. Loài này được Buch.-Ham, ex D.Don miêu tả khoa học đầu tiên vào năm 1825.

Ở Việt Nam có 1 chi, với 2 loài là Myrica esculenta Buch.-Ham. ex D.Don) và Myrica rubra Sieb. & Zucc.,) chủ yếu mọc trong rừng tự nhiên (Lê Mộng Chân, Lê Thị Huyên, 2000). Thanh mai là loài cây có phân bố tự nhiên ở Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh - Quảng Trị), Lạng Sơn (Đình Lập), Quảng Ninh (Bình Liêu, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn…). Tại khu vực Quảng Ninh, Thanh mai thường mọc trên các bãi cỏ tranh, hay các quả đồi thấp, trong các trảng cây bụi lẫn với các loài sim, mua, sầm sì.

Thanh mai là cây gỗ nhỏ, chiều cao thường đạt 9 - 10m, phân cành sớm, và nhiều từ sát gốc và trải đều từ gốc lên tới ngọn. Cành cây mọc hơi chếch so với thân chính. Do vậy Thanh mai có tán rất rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ra hoa kết quả nên năng suất quả khá cao. Thanh mai có hệ rễ bên dạng rễ chùm, ăn nông, và phát triển rất rộng ở tầng đất mặt.



Hình ảnh thực tế cây thanh mai trồng tại Quảng Ninh

 

Quả Thanh mai có vị ngọt, chua, mát rất đặc trưng nên các sản phẩm chế biến từ quả Thanh mai được nhiều người ưa thích. Người dân vùng núi thường thu hái quả Thanh mai là dược liệu, chế biến thành nước giải khát, rượu vang, ô mai, mứt hay ăn tươi. Theo Đông Y, quả Thanh mai có vị chua ngọt và thơm, có tác dụng bổ phổi và dịu đau dạ dày, làm lợi trung tiện. Trong y học, người ta thường dùng quả chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, và lỵ. Hạt được sử dụng chữa chứng ra mồ hôi liên tục ở chân; vỏ thân và vỏ rễ sắc uống điều trị đụng giập, loét, các bệnh về da và ngộ độc arsenic.

Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (2018) cho thấy, người dân chủ yếu đi bứng cây con mọc tự nhiên hoặc chiết cành từ cây mọc tự nhiên trong rừng về gây trồng tại các vườn hộ, vườn nhà nên chất lượng cây giống và năng suất, chất lượng quả không đồng đều, chỉ có khoảng 50% số cây cho quả đạt ở mức trung bình, còn lại cho quả rất thấp, kích thước và chất lượng quả không đồng đều, thậm chí không cho quả. Các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Thanh mai chưa được quan tâm, biện pháp cắt tỉa tạo tán chưa được áp dụng; chưa có mô hình trồng Thanh mai lấy quả được áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh; người dân thu hái thủ công; năng suất và chất lượng quả không ổn định do không có sự đồng nhất khi tuyển chọn cây giống từ rừng tự nhiên… Ngoài ra, các kỹ thuật áp dụng với loài cây này như tuyển chọn cây trội, nhân giống, trồng rừng cũng như thu hái, sơ chế, bảo quản, và chế biến quả Thanh mai chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống, xuyên suốt, và thiếu cơ sở khoa học nên gây khó khăn cho việc khai thác và phát triển bền vững loài cây này.

Vì vậy, nhiệm vụ: “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen cây Thanh mai tại một số tỉnh miền Bắc” đã và đang được Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại nêu trên, nhằm khai khác và phát triển bền vững nguồn gen cây Thanh mai ở các tỉnh miền Bắc. Trong thời gian tới, những cập nhật về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ sẽ được gửi tới bạn đọc thông qua website chính thức của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng.

Nguồn: Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng

Lượt xem: 4012

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)