Thứ năm, 27/06/2019 15:31 GMT+7

Kiểm tra tình hình thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Sáng ngày 26/6/2019, tại Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (TWPCTT) đã có buổi làm việc với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hòa Bình kiểm tra tình hình thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn Tỉnh. Đoàn công tác do đồng chí Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn.

Tham gia Đoàn công tác có đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TWPCTT, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật; Cục An toàn bức xạ và hạt nhân), đại diện Cục chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Về phía tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN Tỉnh, các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN Tỉnh và lãnh đạo các ban, ngành liên quan, đại diện Lãnh đạo UNBD các huyện tham gia cuộc họp và trao đổi với Đoàn công tác.
 

Hình ảnh: Đồng chí Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy viên Ban Chỉ đạo TWPCTT – Trưởng Đoàn công tác.
 

Thay mặt Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hòa Bình, đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban thường trực đã báo cáo về hoạt động PCTT trên địa bàn Tỉnh với các nội dung chính: Thiệt hại do thiên tai trong năm 2017 và năm 2018 lên đến hơn 4.000 tỷ chủ yếu do lũ quét, sạt lở đất, nghiêm trọng nhất là sạt lở đất tại huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Đà Bắc; Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có trên 200 hồ chứa nước trên tổng số hơn 500 hồ chứa có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tình huống khẩn cấp khi có thiên tai do tình trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng; Các bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai và cảnh báo thiên tai còn thiếu độ chính xác, năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai còn hạn chế, đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực PCTT còn thiếu khiến công tác chỉ đạo điều hành trong PCTT và công tác di dân khi có thiên tai gặp nhiều khó khăn; Công tác quản lý Quỹ PCTT còn thiếu kinh nghiệm, thiếu hướng dẫn cụ thể để giải ngân hoạt động sử dụng quỹ; Cơ sở thành lập và chế độ chính sách cho lực lượng xung kích thiên tai còn chưa đầy đủ.
 

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hòa Bình báo cáo với Đoàn công tác.
 

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung buổi làm việc và hoạt động PCTT trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua. Đồng chí cũng ghi nhận toàn bộ các kiến nghị của Tỉnh để báo cáo với Lãnh đạo Ban Chỉ đạo TWPCTT có phương án hỗ trợ địa phương trong việc lập kế hoạch, triển khai di dân, hướng dẫn công tác quản lý Quỹ PCTT, hỗ trợ nguồn vốn để nâng cấp công trình PCTT, tập huấn nâng cao công tác quản lý rủi ro thiên tai cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCTT và cho cả cộng đồng.
 

Toàn cảnh Hội nghị.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng đề nghị tỉnh Hòa Bình cần thường xuyên cập nhật các bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai và bản đồ các vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để phục vụ công tác di dân trước thiên tai, đồng thời nhấn mạnh “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng bất thường, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hòa Bình lưu ý đến công tác cảnh báo, tuyên truyền đến cộng đồng nhằm sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra cũng như thúc đẩy thành lập lực lượng xung kích thiên tai cấp xã để làm nòng cốt thực hiện một số nhiệm vụ PCTT tại địa phương theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo TWPCTT và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tỉnh”.

(Từ ngày 26-29/6/2019 Đoàn công tác của Ban chỉ đạo TWPCTT do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc – thành viên Ban chỉ đạo sẽ đến làm việc với Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên theo kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo TWPCTT)

Nguồn: Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật

Lượt xem: 2598

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)