Thứ tư, 26/06/2019 10:13 GMT+7

Tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại khu vực Nam Trung Bộ và Miền Nam

Hiện nay, nhà nước rất quan tâm và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như giảm thuế nhập khẩu các thiết bị năng lượng tái tạo (hầm ủ biogas, tua bin gió), xây dựng quỹ hỗ trợ đầu tư nghiên cứu khảo sát phát triển năng lượng tái tạo. Các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước được phép đầu tư về vốn, công nghệ để xây dựng dự án năng lượng sạch tại Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan cho biết như trên tại Hội thảo “Hiện trạng và tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại một số tỉnh thành trọng điểm khu vực Nam Trung Bộ và Miền Nam” diễn ra chiều 25/6 tại TP. Hồ Chí Minh.




Phó Cục trưởng Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan phát biểu khai mạc Hội thảo


Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, một số cơ quan Trung ương, các sở, ban ngành các tỉnh thành khu vực phía Nam, và các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Hội thảo nhằm truyền tải đến các đại biểu và công chúng thông tin cập nhật về hiện trạng, định hướng và tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại một số tỉnh Nam Trung Bộ và Miền Nam với mong muốn thông tin từ Hội thảo sẽ đóng góp phần nhỏ bé cho sự phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trong khu vực nói riêng và trên toàn quốc nói chung.
Phát triển nguồn năng lượng sạch thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch, tăng cường sử dụng hiệu quả năng lượng trong sản xuất và đời sống chính đã đang và sẽ là hướng đi tất yếu. Nhận thức được tầm quan trọng trong phát triển năng lượng tái tạo để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trong khi nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, tận dụng được nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu định hướng cho phát triển năng lượng tái tạo. Đó là ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không kể nguồn thủy điện lớn và vừa, thủy điện tích năng) đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030”.
Các dự án phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo được nâng lên từ tỷ lệ không đáng kể trong giai đoạn trước đây, đến cuối năm 2017, đã đưa vào vận hành phát điện 245 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 2.380 MW; 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 190 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW. Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo chiếm 6,47 % tổng công suất toàn hệ thống. Về điện mặt trời, đến tháng 6 năm 2018 có khoảng 100 dự án được bổ sung quy hoạch với tổng công suất khoảng 5.500 MWpít. Đây là tín hiệu hết sức tích cực cho thấy sự phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Việt Nam là khu vực có bức xạ mặt trời hàng năm tương đối lớn và ổn định, đặc biệt là các khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.  Theo thống kê của Tổng cục Khí tượng Thủy văn về số giờ nắng (số liệu bình quân trong 20 năm) nước ta có thể chia làm 3 vùng. Vùng 1 bao gồm các tỉnh vùng Tây Bắc (Lai Châu và Sơn La) với số giờ nắng tương đối cao (từ 1897 giờ/năm đến 2102 giờ/năm). Vùng 2 bao gồm các tỉnh còn lại của miền Bắc và một số tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình với số giờ nắng thấp (trung bình từ 1400 giờ/năm đến 1700 giờ/năm). Vùng 3 bao gồm các tỉnh từ Huế trở vào với số giờ nắng cao nhất trong cả nước (từ 1900 giờ/năm đến 2700 giờ/năm).
Vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ được đánh giá có tiềm năng tốt với tổng số giờ nắng khoảng từ 2000 giờ/năm đến 2500 giờ/năm và cường độ bức xạ mặt trời dao động trong khoảng từ 4,9 kWh/m2/ngày đến 5,7 kWh/m2/ngày.
Do có điều kiện khí hậu lý tưởng nhất cho các dự án năng lượng mặt trời và điện gió cũng như các chính sách khuyến khích từ Nhà nước và chính quyền địa phương nên khu vực này đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
 


Toàn cảnh Hội thảo “Hiện trạng và tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại một số tỉnh thành trọng điểm khu vực Nam Trung Bộ và Miền Nam”.


Tại Hội thảo, đại diện các tỉnh, thành phố phát biểu về hiện trạng, định hướng và tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại một số đại phương như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước... Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của các địa phương, qua đó kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đối với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Phó Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận Đào Văn Rớt cho biết, Ninh Thuận có thể phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch lên đến hơn 18.000MW. Để khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển ngành năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo chủ trương Nghị quyết của Chính phủ “Phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước” nhằm thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế quan trọng, tác động thúc đẩy phát triển công nghiệp tỉnh và kinh tế - xã hội tỉnh. Một trong những giải pháp đã được Ninh Thuận thực hiện là trên cơ sở kết quả lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện Đề án “Phát triển  Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo”. Theo đó, tỉnh sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn bám sát mục tiêu, định hướng Ninh Thuận sẽ là Trung tâm nghiên cứu và phát triển ngành năng lượng tái tạo của cả nước (R&D), trung tâm kiểm định, bảo hành, bảo dưỡng thiết bị năng lượng tái tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển ngành năng lượng tái tạo - một trong những ngành phát triển trong tương lai...trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Ninh Thuận cũng đề xuất ngành điện phối hợp với các nhà đầu tư nghiên cứu phương án đầu tư các công trình lưới điện bằng hình thức cho ngành điện ứng vốn hoặc cho mượn không tính lãi suất để xây dựng lưới điện.
Cùng chia sẻ về hiện trạng, giải pháp phát triển năng lượng tái tạo tại Bình Phước, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Phước Phạm Quốc Dũng cho biết, Bình Phước là một địa phương có nhiều tiềm năng cho phát triển chương trình năng lượng mặt trời vì có cường độ bức xạ cao (khoảng 5,2 kw/m2). Đồng thời, tỉnh còn quỹ đất tương đối lớn là đất cằn cỗi đang sử dụng để sản xuất nông nghiệp nhưng không hiệu quả có thể dành cho phát triển điện mặt trời; Hệ thống lưới truyền tải quốc gia phân bố tương đối đều trên địa bàn tỉnh.
Đưa ra định hướng phát triển năng lượng trong thời gian tới, ông Phạm Quốc Dũng cho rằng cần tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, dự phát triển ngành, lĩnh vực đã được Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020. Đồng thời là đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng điện (đặc biệt là điện năng lượng mặt trời) và hạ tầng thương mại; tiếp tục triển khai dự án đầu tư cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 4264

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)