Thứ hai, 20/05/2019 22:27 GMT+7

Ngày hội STEM 2019: Lan tỏa tinh thần khoa học

Trong chuỗi các sự kiện Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ngày hội STEM 2019 với chủ đề “Nguyên tố bí ẩn” đã được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội). Sự kiện diễn ra ngày 19/5 đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh khắp nơi về tham gia và trải nghiệm các hoạt động khoa học lý thú.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc cho biết, ông đã dự nhiều lần Ngày hội STEM và nhận thấy số lượng người tham gia ngày càng đông hơn, vui hơn. Đặc biệt năm nay STEM được tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và nhân dịp 150 năm ra đời Bảng Tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

“Nhìn trên Bảng Tuần hoàn này, tôi mong rằng, nhờ STEM, nhờ cảm hứng nghiên cứu khoa học từ những ngày hội như thế này, một ngày nào đó sẽ có một nguyên tố mới trên Bảng Tuần hoàn được đặt tên từ viện, trường hoặc nhà khoa học nào đó của Việt Nam”, Thứ trưởng nói.

Theo PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trưởng Ban Tổ chức STEM, thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển như vũ bão trong kỷ nguyên số với sự vượt trội về một số công nghệ có tính đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, điển hình như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data), công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu… nhằm nâng cao hiệu quả lao động và chất lượng cuộc sống của con người. Với mục tiêu đó, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực công tác trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ và Kỹ thuật giữ vai trò quan trọng. STEM (viết tắt từ Science, Technology, Engineering, Maths) là cách tiếp cận hiện đại, giúp người học có kiến thức tích hợp, liên ngành, có kỹ năng làm việc, có khả năng tư duy và giải quyết vấn đề thông qua việc học tập gắn với thực hành, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo từ trải nghiệm thưc tế.

Điểm nhấn của Ngày hội STEM năm nay là sự góp mặt của gần 40 khu trải nghiệm được chính các em học sinh từ các trường THPT ở Hà Nội, Điện Biên, Hải Dương, Nghệ An, Nam Định… tham gia tổ chức. Đặc biệt, một số trường học ở địa phương đã mang mô hình sáng tạo kỹ thuật đến ngày hội để trình diễn cho các trường ở thành phố học hỏi. Điều này cho thấy, sức lan tỏa của xu hướng giáo dục trải nghiệm, nhờ đó, ứng dụng KH&CN đến gần hơn và phát triển mạnh mẽ hơn tại các trường học ở tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đặc biệt, giáo dục theo cách tiếp cận STEM sẽ trang bị cho người học tư duy chủ động sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, tăng cường các kỹ năng thực hành thông qua việc tích hợp kiến thức liên môn liên quan đến các môn như: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Theo định hướng chung đưa nhanh ứng dụng KH&CN vào cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế, STEM là một cách tiếp cận phù hợp góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời cung cấp kiến thức và các kỹ năng nền tảng cho các hoạt động khởi nghiệp trong giới trẻ.

Trong khuôn khổ ngày hội năm nay, bên cạnh các lớp học, trải nghiệm phong phú, các vị phụ huynh và các em học sinh được tham gia tìm hiểu thông tin về các hoạt động bảo vệ môi trường và vật lý vũ trụ. Đặc biệt, các em sẽ được tham quan và trải nghiệm một số phòng thí nghiệm lớn với những trang thiết bị hiện đại bậc nhất của trường đại học.

Năm 2019 được Liên Hợp quốc chọn là Năm Bảng Hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hoá học hay còn gọi là Bảng Tuần hoàn Mendeleev (IYPT2019), nhằm tôn vinh những giá trị mà Bàng Tuần hoàn Mendeleev mang lại cho cộng đồng kể từ khi ra đời vào năm 1869. Cho đến nay, Bảng Tuần hoàn Mendeleev đã có 118 nguyên tố hóa học và con số này còn tiếp tục tăng do các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm kiếm và khám phá những đặc tính mới của các chất.

Hưởng ứng tinh thần đó, theo sự phát động của Bộ KH&CN, trường Đại học Khoa học tự nhiên tổ chức “Cuộc thi tìm hiểu Bảng Tuần hoàn các nguyên tố hóa học” với hai chủ đề: thiết kế, xây dựng mô hình sáng tạo bảng hệ thống tuần hoàn; và ứng dụng KH&CN trong việc tăng cường hiểu biết của xã hội về Bảng Hệ thống tuần hoàn và các nguyên tố hóa học. Cuộc thi đã thu hút được hàng chục công trình đến từ các trường THPT, THCS từ nhiều địa phương trên cả nước. Trong khuôn khổ ngày hội, Ban Tổ chức đã trao giải cho các cá nhân và tập thể đạt giải tại cuộc thi.

 

Ngày hội STEM được tổ chức lần đầu vào năm 2015 theo sáng kiến của Tia Sáng (ấn phẩm của báo Khoa học và Phát triển thuộc Bộ KH&CN) và Liên minh STEM, dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN. Kể từ đó, sự kiện này được tổ chức hằng năm vào dịp Ngày KH&CN Việt Nam. Mục đích của hoạt động là tăng cường phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM - một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại các nước Âu-Mỹ.

Ngày hội STEM 2019 có nhiều đơn vị chung tay tổ chức, trên tinh thần yêu khoa học và tình nguyện, như Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN, Báo KH&PT, Học viện Sáng tạo S3, Học viện STEM, Kidscode, PoMath, Công ty LinkStar, Công ty Long Minh….dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngày hội STEM 2019 cũng là một trong những hoạt động quan trọng của Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN trong việc góp phần thúc đẩy phong trào tuổi trẻ sáng tạo, phong trào nghiên cứu khoa học trong thanh niên.
 

Hình ảnh Ngày hội STEM 2019:

 

Đại diện các nhóm Giải Nhất của “Cuộc thi tìm hiểu Bảng Tuần hoàn các nguyên tố hóa học (ảnh Ngô Hà).
 

Đại diện các nhóm Giải Nhì.
 

Đại diện các nhóm Giải Ba.
 

Đại diện các nhóm Giải Phụ.
 

Các em học sinh, sinh viên, mỗi người cầm biển tên một nguyên tố hóa học, xếp thành hình chữ STEM.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Khoa học Xã hội Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 3828

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)