Tiếp đến là mang đến các giải pháp công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp giầu hữu cơ trong các thiết bị hợp khối kiểu mô đun tương đương với công nghệ A2O kiểu Jokasho của Nhật Bản và Norweco của Mỹ14, hoàn thiện công nghệ chế tạo 02 loại bể xử lý nước thải sinh hoạt kiểu mô đun, thiết lập được quy trình sản xuất bể xử lý nước thải theo công nghệ BASTAFAT, quy mô công suất 200 hệ thống/năm, và quy trình sản xuất bể xử lý nước thải theo công nghệ AFSB, quy mô công suất 50 hệ thống/năm, nhóm dự án do PGS TS. Nguyễn Việt Anh, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây Dựng đứng đầu đã tiến hành thực hiện dự án: “Sản xuất thử nghiệm thiết bị xử lý nước thải tại chỗ hợp khối theo kiểu mô-đun, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với điều kiện Việt Nam”.
Sau một thời gian triển khai, nhóm dự án đã thu được các kết quả sau:
1. Đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ xử lí nước thải sinh hoạt trong các thiết bị XLNT sinh hoạt hợp khối kiểu môđun với một số kết quả sau:
- Lựa chọn được các loại giá thể vi sinh cố định và phù hợp cho các bể XLNT tương ứng
- Nghiên cứu cấp khí gián đoạn cho ngăn xử lí hiếu khí AT
- Nghiên cứu tuần hoàn bùn và nước thải trong bể AFSB và UNI-FI bằng bơm airlift
- Công nghệ xử lý nước thải hệ AO kết hợp giá thể di động có khả năng xử lý chất hữu cơ và chất dinh dưỡng (N) trong nước thải.
- Bể AFSB có thể tích hợp mô đun màng MF hoặc UF để nâng cao chất lượng nước xử lý đầu ra, nhằm mục đích tái sử dụng nước sau xử lý.
- Nước thải được khử trùng bằng tia UV và Clo (viên Clo tan chậm và dung dịch javen) đều cho hiệu suất lớn hơn 95%. Trong bể BASTAFAT, công suất xử lí Q = 2 m3/ngày, thiết bị đèn UV được lựa chọn có công suất 40W, thời gian khử trùng tối ưu là 3 phút; trong bể AFSB, công suất xử lí 20 m3/ngày, đèn UV được chọn là loại đèn có công suất 85W. Trong khi đó, thời gian tối ưu khi khử trùng bằng viên Clo tan chậm loại 2g/viên (sử dụng trong bể BASTAFAT) là 40 phút và khi khử trùng bằng dung dịch Javen là 30 phút.
- Đã hoàn thiện nghiên cứu, chế tạo các bộ điều khiển (tủ điện, phần mềm điều khiển) cho các bể XLNT kiểu mô-đun.. Chất lượng hoạt động của thiết bị ổn định, linh hoạt.
2. Viện KHKTMT cùng các đối tác xây dựng xưởng chế tạo bể XLNT kiểu mô đun tại Thường Tín, Hà Nội. Máy cuốn vỏ bể, phân xưởng gia công chi tiết composite, phân xưởng cơ khí, lắp ráp, khu tập kết nguyên vật liệu và sản phẩm,… là các hạng mục chính do các đối tác Dự án đầu tư để thực hiện Dự án và triển khai sản xuất. Các bể XLNT đường kính nhỏ và vừa được chế tạo tại xưởng. Các bể đường kính lớn được đặt hàng chế tạo tại các nhà máy composite lớn. Toàn bộ các thiết bị được lắp ráp tại xưởng của VESA trước khi đưa ra hiện trường.
3. Tiến hành nghiên cứu hoàn thiện quy trình chế tạo vỏ bể và lắp đặt các thiết bị trong bể XLNT mô-đun. Công nghệ chế tạo vỏ bể được áp dụng trong dự án này là: công nghệ cuốn kết hợp gia công. Sản phẩm đầu ra là các vỏ bể BASTAFAT, bể AFSB và các bể, bồn chứa, các chi tiết khác.
4. Dự án đã chế tạo thử nghiệm 3 sản phẩm bể BASTAFAT. Bể BASTAFAT thế hệ 3 có cấu trúc hợp khối, bể AT được bố trí gọn, đặt trên bể BASTAF, cho phép giảm chi phí sản xuất, lắp đặt, tăng độ an toàn khi sử dụng. Công nghệ chế tạo BASTAFAT và quy trình xử lý nước thải theo công nghệ BASTAFAT đã được nghiên cứu hoàn thiện và sẵn sàng sản xuất hàng loạt. Mức tiêu thụ điện tối đa quy đổi là 1,71 KWh/kg BOD loại bỏ.
5. Dự án đã chế tạo thử nghiệm 3 sản phẩm bể AFSB (sản phẩm số 1, 2, 3). Sản phẩm số 1 (gồm 2 bể) đã được áp dụng thử nghiệm, lắp đặt để XLNT tại Công ty Stylestone, Hòa Lạc, Hà Nội, với quy mô công suất 20m3/ngày. Chất lượng nước đầu ra đạt cột B, QCVN 40:2011/BTNMT. Sản phẩm số 2 (gồm 10 bể xử lý) được áp dụng thử nghiệm xử lí nước thải sinh hoạt tại Đền Thượng, khu di tích Tây Thiên, công suất xử lí 100m3/ngày. Chất lượng nước đầu ra đạt loại A. Sản phẩm số 3 (gồm 6 bể xử lý) được áp dụng để xử lí nước thải Trunng tâm Nghiên cứu chăn nuôi lợn Thụy Phương, Hòa Bình, quy mô công suất 130m3/ngày. Nước thải sau xử lý đạt cột B, QCVN 40:2011/BTNMT. Phân tích kinh tế - kỹ thuật cho thấy, suất đầu tư, chi phí vận hành đều ở mức độ phù hợp. Mức tiêu thụ điện năng của công nghệ AFSB tại 2 Trạm XLNT thử nghiệm lần lượt là 0,8 và 2 KWh/kg BOD được loại bỏ, tùy theo đặc tính nước thải đầu vào, mức độ xử lý yêu cầu, chế độ bơm nước thải, phương thức xử lý bùn…
6. Trong dự án này, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành nghiên cứu thị trường và phân tích tài chính đối với giải pháp xử lí nước thải phân tán và tại chỗ và cho thấy rằng thị trường xử lí nước thải phân tán ở Việt Nam là một thị trường tiềm năng.
7. Đối với nước thải công nghiệp, lưu lượng cũng như chất lượng nước thải đầu vào rất đa dạng. Trong dự án SXTN này, một hệ pilot đa năng UNI-FI, có thể tháo lắp, di chuyển được, phục vụ công tác nghiên cứu đã được nghiên cứu chế tạo. Hệ pilot đã được nghiên cứu thử nghiệm tại Trang trại chăn nuôi lợn Sơn Tây, Hà Nội, với nước thải chăn nuôi thực tế, cho phép thu được những thông tin có giá trị.
Từ các kết quả thu được, nhóm dự án cũng mong muốn được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, phát triển các loại giá thể vi sinh mới, phù hợp để đưa vào các bể xử lí nước thải kiểu mô-đun, hướng tới các loại GTVS làm từ các vật liệu tự nhiên hoặc dễ tìm tại Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13444/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.