Thứ hai, 06/05/2019 16:28 GMT+7

Nghiên cứu ấu trùng sán lá có khả năng gây bệnh cho người ở khu vực miền núi phía Bắc

Nhằm xác định được thành phần loài ấu trùng sán lá truyền qua cá nước ngọt, xác định được đặc tính mùa vụ của một số ấu trùng sán lá quan trọng nhiễm trên cá, xác định phương pháp bất hoạt hiệu quả ấu trùng của một số loài sán lá truyền qua cá quan trọng phân bố tại khu vực miền núi phía Bắc, nhóm nghiên cứu do Phan Thị Vân, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1, đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu ấu trùng sán lá có khả năng gây bệnh cho người ở khu vực miền núi phía Bắc”.

Cá là thực phẩm có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân khu vực miền núi phía Bắc. Kết quả phỏng vấn cho thấy 100% số hộ có sử dụng cá làm thực phẩm trong sinh hoạt của gia đình. Tần suất sử dụng cá làm thức ăn cũng tương đối cao, có đến 76,07% số hộ tham gia phỏng vấn cho biết họ thường xuyên sử dụng cá trong bữa ăn hàng ngày và chỉ có 32,93% số hộ sử dụng cá với tần suất từ 1-2 lần/tuần. Cá có nguồn gốc tự nhiên trong vùng như ở sông, suối, hồ chứa là các đối tượng được ưu thích hơn so với các đối tượng cá nuôi trong ao, lồng có sử dụng thức ăn công nghiệp.  Thông thường cá được chế biến theo một số phương thức đơn giản như kho, nấu, chiên, nướng… trong các bữa ăn sinh hoạt hàng ngày.  Mặc dù vậy, khá bất ngờ là gỏi cá lại khá phổ biến tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Tỷ lệ số hộ có ăn gỏi cá trung bình tại đây là 64,02%, trong đó cao nhất là Yên Bái tỷ lệ người ăn gỏi cá lên tới 86,95%. Ấu trùng sán lá nhỏ ký sinh trên các loài cá nước ngọt bao gồm cả cá nuôi và cá tự nhiên phổ biến nên nguy cơ gây bệnh cho người ăn gỏi là rất cao.

Nhằm xác định được thành phần loài ấu trùng sán lá truyền qua cá nước ngọt, xác định được đặc tính mùa vụ của một số ấu trùng sán lá quan trọng nhiễm trên cá, xác định phương pháp bất hoạt hiệu quả ấu trùng của một số loài sán lá truyền qua cá quan trọng phân bố tại khu vực miền núi phía Bắc, nhóm nghiên cứu do Phan Thị Vân, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1, đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu ấu trùng sán lá có khả năng gây bệnh cho người ở khu vực miền núi phía Bắc”.

Sau một thời gian triển khai, nhóm nghiên cứu thu được các kết quả như sau: 

1. Về thành phần ấu trùng sán ở khu vực miền núi phía Bắc

Nghiên cứu phát hiện ấu trùng của ít nhất 6 loài sán lá có khả năng gây bệnh cho người trên cá ở khu vực miền núi phía Bắc bao gồm ấu trùng 1 loài sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis và 5 loài sán lá ruột nhỏ Haplorchis pumilio, Haplorchis taichui, Haplorchis yokogawai, Centrocetus formosalus và Procerovum varium. Đây có thể nói là nghiên cứu phát hiện đầu tiên về thành phần ấu trùng trên cá nước ngọt tại đây trong đó kết quả quan trọng nhất là phát hiện ấu trùng sán lá gan nhỏ C. sinensis. Phân tích kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ và cường độ nhiễm ấu trùng nói chung có sự khác nhau giữa các loại hình mặt nước bao gồm Ao nuôi, Hồ chứa và Sông suối. Tỷ lệ và cường độ nhiễm ấu trùng trên cá thu từ Ao nuôi cao hơn so với Hồ chứa và Sông suối. Mặc dù vậy, ấu trùng sán lá gan nhỏ C. sinensis lại không phát hiện trên cá từ Ao nuôi mà chủ yếu phát hiện trên cá tự nhiên thu ở Hồ chứa.  Ấu trùng sán là ruột gồm 5 nhiều loài trong đó H. pumilio là loài chiếm ưu thế nhất trên hầu hết các loài cá nuôi.

2. Sự biến động của ấu trùng sán lá gan nhỏ C. sinensis trên cá tại Hồ Thác bà

Nghiên cứu phát hiện có ít nhất 7 loài cá tự nhiên tại Hồ Thác bà, Yên Bái nhiễm ấu trùng sán lá gan nhỏ C. sinensis trong đó chủ yếu là Tép dầu Toxabramis houdemeri 76,7% và 65,7% ấu trùng/cá, Mương Hemiculter leucisculus 31,1% và 11,7 ấu trùng/cá, cá Thiểu Cultrichthys erythropterus 58,8% và 38,0 ấu trùng/cá; Ngão Cuter recurvirostris 68,0% và 3,9 ấu trùng/cá. Không có sự khác biệt về tỷ lệ và cường độ nhiễm ấu trùng sán lá gan nhỏ C. sinensis trên cá (Tép dầu, Mương, Thiểu). Tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán lá gan nhỏ chung vào mùa Khô là 61,31% và mùa Mưa là 54,72% và cường độ nhiễm tương ứng là 49,72 ấu trùng/cá và 48,04 ấu trùng/cá. Riêng từng loài cá, không có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm giữa 2 mùa nhưng cường độ nhiễm vào mùa Mưa cao hơn so với mùa Khô ở cá Mương và cá Thiểu. Tép dầu T. houdemeri là loài ký chủ đặc hiệu của sán lá gan nhỏ C. sinensis, nghiên cứu cũng cho thấy mật độ ấu trùng C. sinensis chủ yếu tập trung ở phần cơ gốc vây đuôi 14,7 ấu trùng/g trong khi đó mật độ đó là 1,4 ấu trùng/g ở phần đầu và 0,74 ấu trùng/g ở phần thân.

3. Khả năng sống của ấu trùng C. sinensis trong điều kiện chế biến và bảo quản

Đông lạnh: Ấu trùng C. sinensis sau khi phân lập được từ cá bị bất hoạt sau 30 phút khi đông lạnh ở -80 độ C, 6 giờ ở -20 độ C và 24 giờ ở 0 độ C. Thời gian ấu trùng bị bất hoạt dài hơn khi đông lạnh cá, ấu trùng phân lập được sau khi động lạnh ở -80 độ C bất hoạt sau 120 giờ,  20 độ C bất hoạt hoàn toàn sau 168 giờ và 0 độ C sau 240 giờ.

Gia nhiệt: Ấu trùng C. sinensis phân lập từ cá bị bất hoạt hoàn toàn sau 1 phút gia nhiệt ở 100 độ C, 5 phút ở 70 độ C, tuy nhiên ấu trùng vẫn sống sót sau 20 phút gia nhiệt ở 50 độ C.

Ướp muối: Ở nồng độ muối 7 và 10% ấu trùng C. sinensis bị bất hoạt hoàn toàn sau 24 giờ và phải mất 48 giờ ấu trùng mới bất hoạt hoàn toàn ở nồng độ 5%. Thời gian bất hoạt ấu trùng dài hơn với ấu trùng ở trong cá khi cá được ướp muối. Ở nồng độ muối 10%, ấu trùng C. sinensis trong cá bị bất hoạt hoàn toàn sau 240 giờ và 5-7% thời gian cần thiết là 360 giờ.

Nước chanh & rượu: Xử lý ấu trùng C. sinensis phân lập được từ cá bằng nước chanh, trong thời gian 6-12 giờ, tỷ lệ sống của ấu trùng vẫn là 70% mặc dù có sự khác biệt với đối chứng. Xử lý bằng rượu với nồng độ 30, 40 và 50% cồn trong thời gian ≤1,5 giờ, tỷ lệ sống của ấu trùng vẫn lên tới 57-83%.

Praziquantel: Praziquantel có hiệu quả với ấu trùng sán lá gan nhỏ C. sinensis sau 3 giờ xử lý, tỷ lệ sống ấu trùng giảm xuống 48-60% tùy theo nồng độ. Kết quả này cho thấy Praziquantel có thể sử dụng trong việc điều trị ấu trùng sán trên cá trong nuôi trồng thủy sản.

Như vậy, nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ các sản phẩm xuất bản trên tạp chí quốc tế, đào tạo và tham gia trình bày tại hội thảo trong và ngoài nước. Góp phần xác định được vùng dịch tễ mới của sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis cũng như ký chủ đặc trưng của ấu trùng sán lá gan nhỏ tại Hồ Thác Bà, Yên Bái. Việc phát hiện ấu trùng sán lá gan nhỏ C. sinensis trên cá tại đây có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong khoa học cũng như thực tế góp phần đề xuất chiến lược kiểm soát phòng tránh sự lây truyền bệnh cho người tại đây. Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần nghiên điều tra nghiên cứu về ấu trùng sán lá gan nhỏ trên cá ở quy mô rộng hơn tại các Hồ chứa ở các tỉnh miền núi để có được bản đồ dịch tễ học về sán lá gan nhỏ.  Nghiên cứu xác định rõ các vật chủ trung gian, vật chủ lưu trữ là vector lây truyền sán lá gan nhỏ C. sinensis tại khu vực Hồ Thác Bà, Yên Bái từ đó đề xuất giải pháp can thiệp nhằm kiểm soát sự lây truyền của sán lá gan nhỏ trong cộng đồng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13443/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2719

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)