Chủ nhật, 21/04/2019 20:42 GMT+7

Tôn vinh sở hữu trí tuệ trong thể thao

Đằng sau những thành công trong thể thao đều có sự góp mặt của các yếu tố liên quan đến sở hữu trí tuệ như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan….đó cũng là thông điệp mà “sự kiện cộng đồng kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm 2019” muốn chuyển tải nhằm hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/04 năm nay.

Ngày 20/4/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện “Cộng đồng chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 tại Việt Nam”.

Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc; đại diện Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Đại diện Hội Kỷ lục Việt Nam, cùng hơn 500 người, bao gồm đại diện các doanh nghiệp, cộng đồng sở hữu trí tuệ (SHTT), các nhà quản trị, doanh nhân, chuyên gia đổi mới sáng tạo, nghệ sĩ và đông đảo sinh viên của nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
 

Nghi thức thắp lửa lan tỏa tinh thần ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2019 tại sự kiện

Sự phát triển của thể thao gắn liền với hoạt động Sở hữu trí tuệ

Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là “Vươn tới Giải Vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao” đã đưa ra một góc nhìn cận cảnh hơn trong lĩnh vực thể thao, tập trung vào việc phổ biến và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về một khía cạnh hoàn toàn mới trong việc áp dụng những luật bảo vệ, sở hữu trí tuệ vào ngành kinh doanh thể thao. Từ đó giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến thể thao có thể sáng tạo, phát triển và tăng trưởng tốt hơn. Khẳng định được đằng sau những thành công trong thể thao đều có sự góp mặt của các yếu tố liên quan đến sở hữu trí tuệ như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, quyền tác giả và quyền liên quan,…

Nhiều người nghĩ rằng SHTT và thể thao dường như chẳng hề liên quan gì đến nhau. Nhưng hãy nhìn cách mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực thể thao sử dụng bằng sáng chế và thiết kế để phát triển những công nghệ, chất liệu, phương pháp huấn luyện, thiết bị để giúp các vận động viên cải thiện thành tích thể thao và thu hút người hâm mộ trên toàn thế giới.

Những vận động viên thể thao có thể tạo ra thu nhập từ các hợp đồng tài trợ với các thương hiệu nổi tiếng, nhờ đó giá trị của các thương hiệu được nâng cao thông qua hình ảnh các vận động viên. Bên cạnh đó bản quyền các giải đấu củng cố cho mối quan hệ giữa thể thao và truyền hình cùng những phương tiện truyền thông khác, đem người hâm mộ tiến đến gần hơn với các hoạt động thể thao.

Đối với các doanh nghiệp, việc thương mại hóa tài sản trí tuệ giúp cho doanh nghiệp thu được nguồn lợi lớn từ việc kinh doanh các thiết bị thể thao mới. Cùng với đó, những thỏa thuận tài trợ, chuyển nhượng cho các đội tuyển, các giải thi đấu thể thao lớn như Thế vận hội Olimpic, các cúp thế giới cũng sẽ góp phần tối đa hóa doanh thu cho các thương hiệu, giúp gia tăng giá trị, hình ảnh cho doanh nghiệp.

Có thể khẳng định, sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo và hỗ trợ sự phát triển của thể thao, góp phần hiệu quả vào việc nâng cao thành tích của các vận động viên, mang lại vinh quang cho nước nhà.

 “cao hơn, xa hơn, nhanh hơn và thông minh hơn”

Tại sự kiện này, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho hay, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 cho thấy, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, đứng thứ 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. Thứ hạng này đã cải thiện tăng 2 bậc so với năm 2017, tăng 14 bậc so với năm 2016. Đây là một minh chứng quan trọng cho kết quả chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.

“Khẩu hiệu năm nay của WIPO khơi gọi cho chúng ta sự nỗ lực từ cá nhân một trong cuộc đấu, công việc, cuộc sống với tinh thần Olympic “cao hơn, nhanh hơn và xa hơn”, tôi nghĩ cần phải bổ sung thêm ý nữa là “thông minh hơn”.  Nếu chúng ta dám nỗ lực đến năng lượng cuối cùng để đạt được “cao hơn, xa hơn, nhanh hơn và thông minh hơn”, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng.

Với các bạn thanh niên, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng các bạn còn nhiều thời gian, tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết thì hãy nỗ lực đến tận cùng, dám chấp nhận những thất bại trong quá khứ để giành được vinh quang trong sự nghiệp của mình.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc: “Khẩu hiệu năm nay của WIPO khơi gọi cho chúng ta sự nỗ lực từ cá nhân một trong cuộc đấu, công việc, cuộc sống với tinh thần Olympic “cao hơn, nhanh hơn và xa hơn”, tôi nghĩ cần phải bổ sung thêm ý nữa là “thông minh hơn”.
 

“Mỗi một con người, gia đình, tập thể, thành phố, địa phương, hơn nữa là một quốc gia, dân tộc dám chấp nhận, thử thách và vươn lên “cao hơn, xa hơn, nhanh hơn và thông minh hơn” thì chắc chắn sẽ thắng lợi”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Tạc cũng khẳng định, Bộ KH&CN đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình để tạo ra các thể chế, cơ chế mạnh mẽ nhất, phù hợp nhất, khuyến khích bảo hộ thỏa đáng và đầy đủ sở hữu trí tuệ, từ đó hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT cho biết thêm, tất cả chúng ta đều thấy rằng chính các giá trị của thể thao là sự xuất sắc, sự tôn trọng đối thủ và tinh thần fair-play đã tạo nên sức hấp dẫn của thể thao trên toàn cầu. Tinh thần này cũng hoàn toàn đúng trong hoạt động của những nhà sáng tạo, những doanh nghiệp ngày ngày miệt mài nghiên cứu để tạo ra những thành tựu khoa học và công nghệ hay những nỗ lực tạo dựng uy tín, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho xã hội và đời sống con người.

“Rõ ràng rằng, sở hữu trí tuệ và thể thao có mối liên hệ với nhau và chia sẻ cùng nhau các giá trị chung như sự sáng tạo, luôn vướn tới đỉnh cao, sự nỗ lực hết mình, sự tôn trọng và tinh thần fair-play. Mối quan hệ kinh doanh được tạo dựng từ quyền sở hữu trí tuệ giúp bảo đảm giá trị kinh tế của thể thao. Điều này, đến lượt nó, sẽ kích thích sự phát triển của thể thao thông qua việc cho phép các tổ chức tài trợ sự kiện thể thao và cung cấp phương tiện nhằm phát triển thể thao cộng đồng”, ông Phí nói.
 

Ông Đinh Hữu Phí: Sáng chế trong lĩnh vực thể thao 10 năm trở lại đây vẫn còn khá khiêm tốn, đây cũng là mảnh đất lớn cho việc phát triển các sản phẩm tạo ra các công cụ, phương tiện trong hoạt động thể dục thể thao.

Cũng theo ông Phí, hiện nay, tại Việt Nam có 1.897 doanh nghiệp đăng ký 2.622 nhãn hiệu trong lĩnh vực thể thao như: Doanh nghiệp tư nhân giày Á Châu, Công ty cổ phần động lực, Công ty cổ phần dụng cụ thể thao DELTA, Công ty cổ phần thể thao ngôi sao Geru, Công ty TNHH MTV Cuộc sống thịnh vượng Việt Nam…. nhưng sáng chế trong vòng 10 năm trở lại đây vẫn còn khá khiêm tốn, đây cũng là mảnh đất lớn cho việc phát triển các sản phẩm tạo ra các công cụ, phương tiện trong hoạt động thể dục thể thao.
 

"Ngày sở hữu trí tuệ thế giới" (World Intellectual Property Day – viết tắt là IP Day) ra đời vào năm 2000 khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định ngày 26 tháng 4 hàng năm - ngày mà Công ước WIPO chính thức có hiệu lực vào năm 1970 - là ngày để các quốc gia cùng nhau gia tăng sự hiểu biết chung về sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới. Kể từ đó, "IP Day" đã trở thành ngày mà mọi người trên thế giới cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, công nghệ và những đổi mới sáng tạo vì cuộc sống con người.

Trong bốn năm qua (2015 - 2018), sự kiện Ngày sở hữu trí tuệ thế giới tại Việt Nam đã được tổ chức một cách sáng tạo, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều thành phần xã hội cũng như tạo được những tác động truyền thông đáng kể về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3102

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)