Thứ sáu, 19/04/2019 17:14 GMT+7

Nghiên cứu nguồn gốc, dự báo tiềm năng Titan trong tầng cát đỏ ở Việt Nam

Các thành tạo cát màu đỏ khu vực ven biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu là những thực thể địa chất đã và đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà địa chất. Đó là các trầm tích có màu sắc đầy ấn tượng, ẩn chứa nhiều giá trị khoa học độc đáo, mà trong thành phần của chúng còn hiện hữu tài nguyên sa khoáng titan, zircon, có giá trị công nghiệp. Vì vậy, việc làm sáng tỏ nguồn gốc, điều kiện hình thành, cũng như tiềm năng khoáng sản sa khoáng của loại cát này thực sự đã trở thành một yêu cầu khách quan, đặc biệt cần thiết trong công tác dự báo định hướng phát triển bền vững.

Đề tài: “Nghiên cứu nguồn gốc, dự báo tiềm năng Titan trong tầng cát đỏ ở Việt Nam” đã được nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học địa chất và khoáng sản dẫn đầu là TS. Nguyễn Thanh Tùng, thực hiện từ năm 2011 đến 2013.

Phân tích tổng hợp kết quả nghiên cứu của các công trình trước đây kết hợp với kết quả nghiên cứu mới của đề tài, có thể rút ra các kết luận sau:

- Thành tạo cát đỏ ở Việt Nam phân bố ở các khu vực ven biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực Đảo Phú Quý và khu vực Bắc Vĩnh Linh. Trong đó, cát đỏ ở khu vực ven biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực Đảo Phú Quý được hình thành trong môi trường trầm tích biển, tướng đê cát ven bờ, gắn liền với các pha biển tiến ứng với các thời kỳ gian băng toàn cầu vào thời kỳ Pleistocen giữa - muộn; trong điều kiện khí hậu khô nóng.

- Các thành tạo cát đỏ có nguồn vật liệu trầm tích đa dạng từ các sản phẩm phong hóa của hầu hết các thành tạo địa chất trước Pleistocen giữa ở vùng thượng du, cũng như ở các khu vực liền kề. Các sản phẩm này đã được các quá trình vận chuyển và tác động lâu dài của chế độ thủy thạch động lực mạnh mẽ vùng ven biển chọn lọc một cách khá trọn vẹn trước khi hình thành các đê cát chồng gối lên nhau.

- Nguồn cung cấp khoáng vật chứa titan cho sa khoáng trong cát đỏ ở khu vực ven biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu là đa nguồn, song nguồn cung cấp chủ yếu là sản phẩm phong hóa trên đá bazan hệ tầng Túc Trưng tuổi Pliocen - Pleistocen vùng Tây Nguyên và ít hơn có thể cả sản phẩm phong hóa trên các đá metamafic của loạt Kan Nack, Sông Re. Chúng được lắng đọng trong môi trường biển theo 3 thời kỳ tạo khoáng trùng với 3 thời kỳ thành tạo 3 tập trầm tích cát đỏ chứa chúng.

- Sa khoáng titan trong cát đỏ ở khu vực ven biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã được điều tra, đánh giá cho thấy chúng có quy mô lớn. Khả năng chứa sa khoáng titan của thành tạo cát đỏ tuổi Pleistocen giữa - muộn ở khu vực Đảo Phú Quý cũng tương tự như cát đỏ ở khu vực ven biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng do cát đỏ nằm dưới thành tạo bazan hệ tầng Phú Quý và nằm dưới mực nước biển nên chưa có khả năng khai thác và không nên khai thác. Hàm lượng sa khoáng titan nói riêng, hàm lượng khoáng vật nặng nói chung trong cát đỏ ở khu vực Bắc Vĩnh Linh là rất nghèo, nên không có ý nghĩa công nghiệp trong thời điểm hiện tại.

 

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 13700) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2842

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)