Thứ ba, 09/04/2019 16:29 GMT+7

Cơ quan chức năng Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tả lợn châu Phi dựa trên các kỹ thuật dẫn xuất hạt nhân dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc

Ngay sau thông báo về sự bùng phát dịch bệnh tả lợn châu Phi ở Trung Quốc vào tháng 8/2018, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức một chương trình đào tạo dành cho các cán bộ đang làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán thú y đến từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam về chẩn đoán bệnh tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm động vật.

Thông qua khóa đào tạo, các cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã sử dụng thành thạo các kỹ thuật dẫn xuất hạt nhân trong chẩn đoán sớm bệnh tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm động vật, giúp rút ngắn thời gian phát hiện chỉ trong vòng một ngày thay vì phải mất ba đến bốn tuần như trước đây, từ đó giúp ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi và môi trường bền vững.
 


Quá trình xử lý mẫu để chẩn đoán bệnh động vật xuyên biên giới ở Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) (Ảnh: IAEA)

Kể từ sau thông báo trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 8/2018, bệnh tả lợn châu Phi đã nhanh chóng lây lan xuống khu vực phía Nam và lan sang Việt Nam, trở thành dịch bệnh gây hại trên đàn lợn, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi và môi trường. Trong khi thế giới hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh hay thuốc đặc trị bệnh tả lợn châu Phi thì việc phát hiện sớm và chính xác bệnh trở nên đặc biệt quan trọng, cho phép thực hiện các biện pháp vệ sinh và an toàn sinh học một cách triệt để nhằm ngăn chặn, khống chế và loại bỏ dịch bệnh.

Với mục đích hỗ trợ các quốc gia thành viên có khả năng ứng biến kịp thời trước những nguy cơ lây lan của dịch bệnh, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đã phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc tổ chức một chương trình đào tạo cho các cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực chẩn đoán thú y đến từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam về chẩn đoán bệnh tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm động vật ngay sau thông tin dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 8/2018. Bằng kỹ thuật dẫn xuất hạt nhân, các cán bộ chuyên môn có thể chẩn đoán sớm bệnh tả lợn châu Phi, từ đó đưa ra những biện pháp hữu hiệu và triệt để nhằm bảo vệ các trang trại nuôi lợn.

Tại Việt Nam, tổng đàn lợn có khoảng 30 triệu con, chủ yếu được nuôi trong các trang trại quy mô hộ gia đình. Thịt lợn chiếm khoảng 75% tổng sản lượng và tiêu thụ thịt trong nước, nhu cầu về thịt lợn đang tăng ở mức 6-8% mỗi năm.

Ông Tô Long Thành, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, cho biết trước khóa đào tạo, Trung tâm đã phải gửi các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ mắc tả lợn châu Phi đến các phòng thí nghiệm tham chiếu ở nước ngoài để kiểm tra kết quả. Quá trình này có thể mất từ ba đến bốn tuần và thời gian này là quá lâu để có thể kịp thời đưa ra các biện pháp phòng trừ bệnh. Tuy nhiên, sau khi tham dự khóa đào tạo của IAEA/FAO, các cán bộ chuyên môn của Việt Nam đã có thể kiểm tra và cho biết kết quả các mẫu nghi ngờ chỉ trong thời gian một ngày.

Với sự tăng trưởng về thương mại và du lịch trong khu vực, Việt Nam luôn có nguy cơ sẽ phải đối mặt với các dịch bệnh động vật xuyên biên giới với tần suất ngày càng gia tăng. Việc có thể thực hiện kiểm tra phát hiện bệnh tả lợn châu Phi một cách hiệu quả là một cột mốc quan trọng không chỉ đối với Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương mà còn đối với cả Việt Nam.

Hiện tại, Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương có khả năng sàng lọc khoảng nửa triệu mẫu bệnh phẩm mỗi năm và không chỉ đối với bệnh tả lợn châu Phi mà còn cả các bệnh lở mồm long móng, bệnh xoắn khuẩn leptospirosis, bệnh dại và thủy đậu...

Việt Nam kiểm soát và khống chế dịch bệnh tả lợn châu Phi

Bệnh tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm động vật do virut gây ra, lây lan nhanh trên đàn lợn với tỷ lệ chết lên đến 100% khi mắc bệnh. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người, không gây bệnh cho các loài động vật khác nhưng gây thiệt hại về kinh tế và môi trường.

Tại cuộc họp khẩn về khống chế dịch tả lợn châu Phi do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, tổ chức vào chiều 14/3/2019, theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến thời điểm 9g sáng cùng ngày, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố bao gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.

Mặc dù cho đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh tả lợn châu Phi nhưng khi được phát hiện sớm, bệnh dịch hoàn toàn có thể được khống chế và loại bỏ bằng các biện pháp bảo vệ và an toàn sinh học một cách triệt để. Việc sử dụng các kỹ thuật dẫn xuất hạt nhân đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chẩn đoán, phát hiện sớm nhằm ngăn chặn, kiểm soát và khống chế dịch bệnh.

Cũng theo báo cáo tại cuộc họp, tính đến ngày 12/3/2019, Cục Thú y đã chủ trì tổ chức lấy tổng cộng 2.929 mẫu kiểm tra, cho kết quả dương tính 1.310 mẫu; trong đó mẫu lấy từ các hộ chăn nuôi có lợn bệnh là 1.881 mẫu (dương tính 1.299 mẫu), mẫu kiểm tra tại các hộ xung quanh hộ có lợn bị bệnh là 1.048 mẫu (dương tính 11 mẫu). Dựa trên các kết quả kiểm tra này, các khu vực có dịch bệnh xuất hiện đã nhanh chóng được ngăn chặn và kiểm soát với các biện pháp vệ sinh và an toàn sinh học.

Kỹ thuật dẫn xuất hạt nhân để phát hiện các bệnh động vật

Xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzyme (Enzyme Linked Immunosorbent Assay_ELISA) và phản ứng chuỗi polymerase (Polymerase Chain Reaction_PCR) là hai kỹ thuật dẫn xuất hạt nhân thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh.

Kỹ thuật xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzyme rất dễ dàng được thực hiện trong bất kỳ phòng thí nghiệm thú y nào. Sự kết hợp đặc hiệu giữa kháng nguyên (virut) và kháng thể sẽ tạo ra phức hợp kháng nguyên - kháng thể. Dựa trên đặc điểm sinh học này, mẫu huyết thanh của bệnh phẩm nghi ngờ sẽ được pha với kháng thể gắn chất đánh dấu. Sau các giai đoạn ủ, rửa, chỉ có phức hợp kháng nguyên-kháng thể đánh dấu được giữ lại do khả năng bám dính vào bề mặt rắn. Việc phát hiện các phức hợp này nhờ vào chất đánh dấu cho phép xác định mẫu xét nghiệm mang virut gây bệnh. Trong kỹ thuật này, ban đầu chất đánh dấu sử dụng là hợp chất chứa đồng vị phóng xạ (125I) sẽ được ghi nhận và phát hiện bằng các detector, sau đó được thay thế bằng một loại enzyme liên kết có khả năng làm biến đổi màu của chất chỉ thị. Kỹ thuật xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzyme thường được sử dụng cho các xét nghiệm ban đầu và sàng lọc các quần thể lớn, tuy nhiên không thể được sử dụng để xác định chính xác các chủng virut gây bệnh.

Khác với kỹ thuật hấp thụ miễn dịch liên kết với enzyme, kỹ thuật phản ứng chuỗi polymerase là kỹ thuật bao gồm nhiều thiết bị và quy trình phức tạp hơn, do đó kỹ thuật này có độ nhạy, độ chính xác cao cho phép để xác định chính xác các chủng virut và vi khuẩn gây bệnh. Kỹ thuật phản ứng chuỗi polymerase sử dụng hỗn hợp chất xúc tác gồm enzyme DNA polymerase, DNA mồi và các tiền chất deoxynucleotid (32P-α-dATP) theo những quy trình nhiệt khác nhau để sao chép theo cấp số nhân một đoạn DNA của virut gây bệnh trong mẫu kiểm tra. Trong vòng nửa giờ, số lượng sao chép có thể lên đến hàng tỷ DNA từ một đoạn DNA của virut gây bệnh. Sau đó, nhờ vào phương pháp điện di trên gel, các DNA được phân tách và hiển thị hình ảnh. Dựa trên những đặc điểm so sánh về kích thước, trọng lượng phân tử với thang DNA chuẩn, chủng virut của DNA mẫu sẽ được xác định chính xác. Tùy thuộc vào kích thước của DNA mẫu, loại gel điện di có thể là agarose hoặc polyacrylamide. Đối với gel agarose, sử dụng chất nhuộm bằng ethidium bromid, chất này sẽ gắn xen các bazơ của phân tử DNA và phát quang dưới tia tử ngoại. Đối với gel polyacrylamide, phân tử DNA được xác định dựa trên đồng vị phóng xạ (32P) bằng kỹ thuật phóng xạ tự ghi (autoradiography_kỹ thuật phát hiện các phân tử có đánh dấu phóng xạ thông qua hiệu ứng tạo ảnh các phân tử này trên phim X-quang).

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử - Dịch và tổng hợp nguồn IAEA, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT)

Lượt xem: 2551

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)