Thứ hai, 08/04/2019 22:57 GMT+7

Việt Nam thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với Cộng hòa Liên bang Đức

Chiều ngày 08/4/2019 tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã tiếp Đoàn công tác Bang Thüringen (Cộng hòa Liên bang Đức) do Ngài Bodo Ramelow, Thủ hiến Bang Thüringen dẫn đầu.

Tham dự buổi làm việc có đại diện Đại sứ quán Đức, đại diện khối Văn phòng Thủ hiến Bang Thüringen, khối kinh tế thương mại và công nghiệp Bang Thüringen, khối các viện khoa học và công ty công nghệ… Về phía Bộ KH&CN có đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Bộ tham dự.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Ngài Bodo Ramelow, Thủ hiến Bang Thüringen chủ trì buổi tiếp

Thay mặt Bộ KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chào mừng Ngài Thủ hiến Bodo Ramelow cùng đoàn đã đến thăm và làm việc với Bộ KH&CN. Bộ trưởng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm và làm việc của Ngài Thủ hiến trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ với Đoàn công tác Bang Thüringen một số thông tin ấn tượng về phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian qua, chủ trương trong thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao và phát triển sản phẩm theo chuỗi, tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.., cũng như cơ hội hợp tác KH&CN giữa hai nước.

Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sắp được ký kết và có hiệu lực trong thời gian tới, sẽ mở ra cơ hội hợp tác và thị trường đầy hứa hẹn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp của cả hai quốc gia.

“Với trách nhiệm của Bộ KH&CN, chúng tôi cũng nhận thấy cơ hội tiếp tục thúc đẩy, tăng cường hợp tác nghiên cứu, công nghệ và đổi mới sáng tạo với Bang Thüringen. Đối với Việt Nam, đây là chìa khóa quan trọng để biến cơ hội và tiềm năng hợp tác đó thành hiện thực, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và kinh tế hai nước”.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại buổi tiếp

Thực tế trong những năm qua cho thấy, Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tăng trưởng cũng như chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam liên tục được duy trì và cải thiện. Kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Tăng trưởng luôn được duy trì ở mức cao, GDP năm 2017 đạt 6,81%, năm 2018 đạt 7,08%, ngay Quý I năm 2019 dù có nhiều thách thức nhưng đã đạt 6,79%.

Những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc (đứng thứ 55/137 quốc gia). Đặc biệt, việc chuyển đổi và tái cơ cấu nền kinh tế cũng thể hiện qua dấu hiệu quan trọng đó là chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng: năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng thêm 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia.

Các chủ trương trong thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao và phát triển sản phẩm theo chuỗi trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp và y tế được Chính phủ Việt Nam quan tâm chỉ đạo. Hiện nay có các chính sách thu hút đầu tư cũng như ưu đãi được áp dụng vào thực tiễn. Trong đó có rất nhiều sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển, đặc biệt là Cộng hòa Liên bang Đức.

Một số khu công nghệ cao được Chính phủ, địa phương đầu tư để xây dựng tiềm lực cho phát triển KH&CN quốc gia như Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với nhiều cơ chế ưu đãi, thủ tục thuận lợi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và nghiên cứu, phát triển công nghệ cao ứng dụng trong công nghiệp. Các khu công nghệ cao đã tham gia vào xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao.

Gần đây, Bộ KH&CN được Chính phủ giao làm đầu mối tham mưu cho Chính phủ nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ tư. Bộ KH&CN rất quan tâm làm sao có giải pháp để tăng cường, cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, nhận tư vấn hỗ trợ chuyển giao công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như BigData, IoT, Robot... Trong đó, hợp tác và hội nhập quốc tế đặc biệt với các nước phát triển như Cộng hòa Liên bang Đức được coi là một trong các giải pháp rất quan trọng

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đối với mối quan hệ hợp tác Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức nói chung, Bang Thüringen và Bộ KH&CN nói riêng, những ưu tiên đặt ra trong hợp tác KH&CN đã được thiết lập và thực sự coi đây là trọng tâm. Bởi nói đến Cộng hòa Liên bang Đức là nói đến quốc gia có nền công nghiệp ô tô, kỹ thuật cơ khí chính xác, công nghệ robot tự động hóa, công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, kỹ thuật y tế….

“Việt Nam luôn coi Cộng hòa Liên bang Đức là đối tác hàng đầu tại Châu Âu. Với những thế mạnh của Cộng hòa Liên bang Đức, thiết lập hợp tác về KH&CN và đổi mới sáng tạo giữa hai nước sẽ chứng minh giữa hai quốc gia chúng ta không chỉ hợp tác về kinh tế thương mại và đầu tư mà còn có đầy đủ hành lang hợp tác về trao đổi hàn lâm, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay.

Theo đó, trong thời gian qua, hai Bên đã có những thành tựu hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hai Bên đã cùng thiết lập 4 chương trình hợp tác quan trọng gồm: Chương trình Y tế và phát triển đô thị bền vững, Chương trình kinh tế sinh học, Chương trình CLIENT I & II - Đối tác quốc tế về nghiên cứu phát triển bền vững và Chương trình Đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ các viện/trường và doanh nghiệp vừa và nhỏ (ZIM programme) hợp tác với Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức (BMWi)…

Trên nền tảng này, trong những năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Cộng hòa Liêng bang Đức, Bộ KH&CN và Bang Thüringen đạt được những dấu mốc quan trọng. Kim ngạch xuất khẩu của Bang Thüringen tới Việt Nam đã tăng từ 8,8 triệu Euro lên 70,7 triệu Euro, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của việc xuất khẩu máy móc vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là thiết bị y tế.

Tại buổi làm việc, Ngài Bodo Ramelow cho biết, Bang Thüringen là Bang lớn nhất của Cộng hòa Liên bang Đức, đây là Bang đứng thứ tư về số lượng doanh nghiệp và có doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng số 1 tại Đức, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp mong muốn hợp tác với Việt Nam. Ngài Bodo Ramelow bày tỏ mong muốn hai Bên cùng đẩy mạnh hợp tác KH&CN, cũng như mở ra cánh cửa mới trong hợp tác giữa các doanh nghiệp.
 

Ngài Bodo Ramelow, Thủ hiến Bang Thüringen phát biểu tại buổi tiếp

Tại buổi làm việc, phía Bang Thüringen đã đề xuất một số nội dung hợp tác với Bộ KH&CN thông qua một số dự án cụ thể của khối doanh nghiệp và các Viện nghiên cứu gồm: hợp tác kinh tế giữa Bang Thüringen và Việt Nam; Hợp tác nghiên cứu; triển khai dự án đầu tư trong lĩnh vực Y tế công nghệ cao: Dự án sản phẩm cấy ghép cao cấp trong chấn thương của Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam; chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng từ chất tái chế.

Trên cơ sở tiềm năng hợp tác giữa hai nước, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, hai Bên thúc đẩy triển khai tốt các hợp tác nghiên cứu chung và ký kết thực hiện thêm nhiều chương trình hợp tác mới giữa Việt Nam với Cộng hòa Liên bang Đức nói chung và Bang Thüringen nói riêng vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của hai nước trong tương lai và mong mối quan hệ hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hai Bên phát triển lên tầm cao mới./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế

Lượt xem: 3313

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)