Thứ tư, 23/01/2019 22:19 GMT+7

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia

Ngày nay, việc tăng trưởng dựa vào vốn, các nguồn tài nguyên sẵn có đang dần hết dư địa phát triển, nếu không đưa được khoa học và công nghệ (KH&CN) vào quá trình sản xuất, không áp dụng khoa học kỹ thuật, bẫy thu nhập trung bình sẽ rất lớn, có lẽ khó vượt qua được.

Đó là nhận định của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo “Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội” do Bộ KH&CN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức ngày 22/01/2019 tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Lê Quang Mạnh -Thứ trưởng Bộ KH&ĐT; ông William Maloney, Kinh tế trưởng của WB; bà Asya Akhlaque, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB; GS.TS. Kum Dong Hwa, Viện trưởng Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST); ông Marcel Reymond, Giám đốc Cục Phát triển kinh tế Thụy Sĩ; ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; cùng các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban KH,CN và Môi trường Quốc hội, Viện Hàn lâm KH&XH Việt Nam, WB, Đại sứ quán Úc…



Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội thảo

 

Khẳng định rõ vai trò của KH, CN và đổi mới sáng tạo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN đã khẳng định vai trò, vị trí của KH, CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong bối cảnh các nguồn tài nguyên sẵn có đang dần cạn kiệt và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh làm sao để KH, CN và ĐMST thực sự đóng góp, trở thành động lực mới để duy trì tốc độ tăng trưởng, tạo ra sự phát triển cho đất nước. Hội thảo “Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội” được tổ chức nhằm tiếp tục cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, làm rõ vai trò của KH, CN và ĐMST trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Lê Quang Mạnh- Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho rằng “Nếu không đưa được KH&CN vào quá trình sản xuất, không áp dụng khoa học kỹ thuật, bẫy thu nhập trung bình sẽ rất lớn, có lẽ khó vượt qua được” và “KH, CN và ĐMST là công cụ, con đường tốt nhất để phát triển của Việt Nam”.



Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh phát biểu tại Hội thảo

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo về Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và vấn đề đặt ra đối với KH, CN và ĐMST; Định hình chính sách STI: tăng năng suất, năng lực quốc gia và tận dụng những cơ hội đã bỏ qua trong quá trình bắt kịp công nghệ; Giới thiệu sơ bộ về Dự án WB hợp tác với Bộ KH&CN xây dựng báo cáo KH, CN và ĐMST năm 2030; Định hướng cho Chiến lược mới về KH&CN và ĐMST, dự kiến các cải cách ưu tiên;…  

Theo PGS.TS. Bùi Tất Thắng – Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào những năm cuối cùng của thời kỳ Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm. Kinh tế Việt Nam năm 2018 cũng đạt được nhiều thành tích nổi bật: tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 10 năm qua (7,08%), chất lượng tăng trưởng kinh tế cũng được cải thiện, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,5%, bình quân 3 năm 2016 – 2018 đạt 43,3%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011 – 2015, năng suất lao động tăng 5,9%,…

Tuy nhiên, PGS.TS. Bùi Tất Thắng cho rằng, tuy gần đây tình hình kinh tế Việt Nam đang có xu hướng được cải thiện toàn diện cả về số lượng và chất lượng, nhưng bức tranh tổng thể về dài hạn còn thấp so với nhiều nước và chưa đủ sức làm thay đổi cục diện chung của nhiệm vụ “chuyển đổi mô hình tăng trưởng” với việc dựa chủ yếu vào tăng năng suất lao động mà duy trì mục tiêu “tăng trưởng nhanh và bền vững”.

“Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030. Để đạt được các mục tiêu định hướng đặt ra, có rất nhiều nhân tố được tính tới, trong đó KH, CN và ĐMST cần được bàn thảo kỹ lưỡng bởi ngày nay, việc tăng trưởng dựa vào vốn, các nguồn tài nguyên sẵn có đang dần hết dư địa phát triển”.

Ông William Maloney – Kinh tế trưởng, WB cho rằng, áp dụng công nghệ là một động lực quan trọng của tăng trưởng năng suất. Trong đó, vốn con người và năng lực sáng tạo (năng lực về ĐMST, kinh doanh, quản lý), nâng cao hoạt động của doanh nghiệp, chất lượng doanh nghiệp mới, áp dụng nhân tố được cải tiến ở tất cả các doanh nghiệp và các lĩnh vực là tổng các nhân tố tạo nên tăng trưởng năng suất.

“Lịch sử cho thấy, khả năng ĐMST của doanh nghiệp rất quan trọng để áp dụng công nghệ và tăng trưởng. Việc áp dụng công nghệ nhanh chóng đã từng là chìa khóa cho sự phát triển kỳ diệu sau chiến tranh ở tất cả các khu vực và các ngành công nghiệp”, ông William Maloney khẳng định.



Ông
William Maloney, Kinh tế trưởng của WB trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo
 

Cho rằng Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, thế giới đã đi qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp, trong đó 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, vì nhiều lý do khách quan chúng ta chưa tận dụng được để phát triển đất nước. Ngày nay, chúng ta đã chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập, chúng ta không nên bỏ lỡ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này. Nếu bỏ lỡ thời cơ này, khả năng tụt hậu sẽ xa hơn rất nhiều. Nếu trước kia chúng ta đã có khát vọng bằng mọi giá phải giành độc lập tự do thì giờ đây cần xây dựng khát vọng bằng mọi giá phải thành một nước phát triển và không có KH&CN, sẽ rất khó đạt được mục tiêu này.
 

Hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển

Tại Hội thảo, rất nhiều giải pháp đã được các đại biểu, chuyên gia đặt ra như vấn đề thể chế, tăng cường đầu tư cho KH, CN và ĐMST, coi KH&CN và chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố đột phá, áp dụng kinh nghiệm quốc tế,… trong đó, nhấn mạnh việc KH, CN và ĐMST cần được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Một số chuyên gia đã đặt ra nhiều vấn đề đối với KH, CN và ĐMST như: Vị trí của KH, CN và ĐMST trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030 sẽ như thế nào? Làm thế nào để phát triển KH, CN và ĐMST ở Việt Nam? Nhiều nước trên thế giới và khu vực đi trước đã để lại không ít bài học kinh nghiệm đắt giá về phát triển KH, CN và hệ sinh thái ĐMST, vậy có những bài học nào Việt Nam cần, nên và có thể học hỏi? Hướng chính sách hợp tác quốc tế về phát triển KH, CN và ĐMST như thế nào? Việc đảm bảo thông tin thống kê chính thức và có hệ thống về KH, CN và ĐMST ra sao?…

Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng, năng lực để phát triển KH, CN và ĐMST, tuy nhiên, cần có những giải pháp tổng thể. Bà Asya Akhlaque, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB cho rằng, Việt Nam đã và đang đạt được những kết quả đầy ấn tượng về kinh tế, là hình ảnh cho câu chuyện thành công về phát triển nhanh – lấy thương mại và đầu tư làm lực đẩy chính; chiến lược phát triển theo định hướng xuất khẩu giúp tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo; đầu tư nước ngoài quy mô lớn đẩy mạnh tăng trưởng việc làm trong những ngành nghề lắp ráp cơ bản. Theo bà Asya Akhlaque, Việt Nam đã tự tạo ra được chỗ đứng cho mình trong các Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và nổi lên trở thành một “công xưởng sản xuất của Châu Á”, nhưng quá trình chuyển đổi chưa hoàn tất do nhiều nguyên nhân. Để duy trì quỹ đạo tăng trưởng cao nhằm tiến tới tình trạng quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng cao, Báo cáo Việt Nam 2035 đã chỉ ra nhu cầu cần hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước để phát triển theo hướng ĐMST và có năng lực cạnh tranh, đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng năng suất. Việt Nam cần chỉ ra được những hạn chế của ĐMST gồm yếu tố bổ trợ và năng lực doanh nghiệp; hỗ trợ của Nhà nước cho ĐMST tăng theo quy mô doanh nghiệp ở Việt Nam, hỗ trợ có phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp không; việc học hỏi từ mô hình tốt nhưng phải thích ứng với hoàn cảnh trong nước; khung thời gian ĐMST KH&CN cần phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;…

Theo ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, cần duy trì tốt mối quan hệ nhà nước – doanh nghiệp, tổ chức KH&CN – thị trường. Nhà nước cần tăng cường đầu tư vào KH, CN và ĐMST bằng cả hình thức trực tiếp và gián tiếp, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước, đặc biệt là hệ thống doanh nghiệp vào phát triển KH&CN và ĐMST. Cũng cần chú trọng đến nguồn cung và cầu trong vấn đề này. Đối với doanh nghiệp lớn, cơ chế chính sách nên là khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi, để tạo thành động lực cho doanh nghiệp phát triển. Đối với doanh nghiệp nhỏ phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ tiếp cận, đổi mới công nghệ, thuế, vốn,… Đồng thời, đổi mới thể chế quản lý KH&CN, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường công nghệ.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 7262

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)