Thứ sáu, 16/11/2018 14:02 GMT+7

Phú Yên: Nhiều dấu ấn trong chỉ đạo và triển khai công tác cải cách hành chính

Cắt giảm 30% số lượng thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, thời gian giải quyết giảm hơn 30%; giảm số lần khai thuế, nộp thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm; số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế giảm từ 537 giờ xuống còn 117 giờ; 182/186 cơ quan, đơn vị xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện và xã thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính;…

Đó là những dấu ấn quan trọng trong hoạt động cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Phú Yên thời gian qua. Thông tin được đưa ra tai buổi làm việc giữa Đoàn kiểm tra công tác CCHC của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ do đồng chí Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ làm Trưởng đoàn với tỉnh Phú Yên ngày 15/11/2018. 

Tham gia Đoàn công tác về phía Bộ KH&CN có đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Văn phòng Bộ, Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; cùng dự có đại diện Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
 


Toàn cảnh buổi làm việc.

 

Những chuyển biến lớn

Theo báo cáo của tỉnh Phú Yên, hoạt động cải cách TTHC, nhất là các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp và người dân là một trong những nội dung được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, xem đây là nội dung trọng tâm, tạo bước đột phá trong công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, hiệu quả, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Tỉnh đã thực hiện đồng bộ, đơn giản hóa nhiều chính sách và TTHC về thuế cho doanh nghiệp; giảm số lần khai thuế, nộp thuế GTGT cho các doanh nghiệp từ 12 lần/năm còn 4 lần/năm; bỏ quy định doanh nghiệp phải khai thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm tính hàng quý, giảm số lần khai thuế TNDN từ 5 lần/năm còn 1 lần/năm; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu nộp thuế,... Nhờ vậy, đã cắt giảm thời gian thực hiện được khoảng 420 giờ, số giờ thực hiện TTHC về thuế giảm từ 537 giờ còn 117 giờ, đồng thời giảm 8 lần khai và nộp thuế GTGT, giảm 4 lần nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính. Hiện nay, gần 100% các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện khai thuế và nộp thuế điện tử.

UBND tỉnh đã thực hiện chuẩn hóa xong bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 3 cấp, với 1.916 thủ tục được công bố; ban hành 2 Quyết định về công bố danh mục TTHC được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ Bưu chính công ích; công bố 921 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp với 485/1.916 TTHC; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã gộp thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất vào bước thẩm định chủ trương đầu tư; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh là 18 ngày làm việc.

Toàn tỉnh có 18/18 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 09/9 UBND cấp huyện và 112/112 UBND cấp xã  thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC. UBND tỉnh đã ban hành các quy chế liên thông, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết TTHC ở một số lĩnh vực như đất đai, đăng ký kinh doanh, khai sinh, khai tử, hộ khẩu, cấp thẻ BHYT,… Bắt đầu triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 (phiên bản 2000, 2008 và 2015) từ năm 2007, đến nay, toàn tỉnh có 182/186 cơ quan, đơn vị xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Cùng với đó, không ngừng hiện đại hóa nền hành chính, việc kết nối liên thông qua Trục liên thông văn bản (tại địa chỉ http://truclienthong.phuyen.gov.vn) đã đảm bảo đến 4 cấp (riêng cấp xã dùng chung với cấp huyện, xem như 1 đơn vị trực thuộc). Tỷ lệ văn bản trao đổi qua Trục (so với tổng số văn bản giấy chuyển qua đường công văn) đạt tỷ lệ bình quân 60.4%. Tỷ lệ công chức, viên chức sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản đạt tỷ lệ bình quân 87%. Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi trên mạng đạt tỷ lệ bình quân 80%.

Cải cách hành chính một cách đồng bộ, hệ thống

Tại buổi làm việc, các sở, ban, ngành của tỉnh và các thành viên trong đoàn công tác đã cùng trao đổi, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong công tác CCHC của tỉnh. Theo đó, hiện công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính còn chưa đồng bộ; các văn bản quy định của pháp luật thay đổi thường xuyên, liên tục nên việc cập nhật sửa đổi hệ thống tài liệu ISO chưa kịp thời để đồng bộ với bộ TTHC của tỉnh và phù hợp với quy định của pháp luật;…

Tỉnh Phú Yên kiến nghị, cần sớm có quy định thống nhất TTHC phải thực hiện cơ chế liên thông; quy định các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan ngành dọc tại địa phương phải đưa ra tiếp nhận, giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính, Bộ phận một cửa cấp huyện để thực hiện thống nhất, đồng bộ trên cả nước; Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện, hướng dẫn áp dụng phần mềm tổ chức thi tuyển trên máy tính, nghiên cứu chuyển hình thức thi viết sang thi trực tuyến, thi trên máy tính để đảm bảo nguyên tắc khách quan, công bằng, chất lượng trong công tác tuyển dụng công chức;…

 


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế mong muốn các cơ quan liên quan sớm xúc tiến xây dựng các cơ sở dữ liệu hỗ trợ các địa phương.

 

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế khẳng định, quan điểm của tỉnh với hoạt động CCHC là tập trung phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời chú trọng đến yếu tố liên thông, toàn diện và hệ thống, giám sát lẫn nhau. Vì thế, tỉnh đã đưa ra rất nhiều giải pháp và trong quá trình thực hiện, việc làm nào phù hợp sẽ phát huy, tiếp tục triển khai và đánh giá. 

Phó Chủ tịch tỉnh bày tỏ mong muốn các cơ quan liên quan sớm xây dựng hệ thống có tính liên thông, chuẩn hóa để có sự tương thích. Đồng thời, xúc tiến xây dựng các cơ sở dữ liệu để hỗ trợ các địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Trưởng đoàn kiểm tra bày tỏ sự ấn tượng với những kết quả đã đạt được cũng như một số cách làm mới, hiệu quả của tỉnh, ví dụ như thực hiện chuyên mục “Dân hỏi, Thủ trưởng các sở, ban, ngành trả lời”, chuyên mục “Cải cách hành chính” trên sóng đài Phát thanh, truyền hình và báo Phú Yên hàng tuần; 182/186 cơ quan, đơn vị xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng;… Điều đó thể hiện sự vào cuộc, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các địa phương trong công tác CCHC. “CCHC là công cuộc gian nan, vất vả, đặc biệt rất tổng thể từ bộ máy tổ chức cho đến nhân lực, biên chế, TTHC, tin học hóa, tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp,… do đó, không thể thực hiện ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, với quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi tin công tác CCHC của tỉnh ngày càng tốt hơn. Đặc biệt tỉnh đã bám sát chặt chẽ thực hiện các Nghị quyết 18-NQ/TƯ và Nghị quyết 19-NQ/TW của Chính phủ - điều kiện tiên quyết về việc tinh giản bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế, nhân lực, giảm chi của Nhà nước…”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Trưởng đoàn kiểm tra nhấn mạnh.

 


Đồng chí Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng đoàn kiểm tra: Các kết quả CCHC đã thể hiện sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo tỉnh cũng như các địa phương.

 

Thứ trưởng mong muốn thời gian tới tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác CCHC, phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành, địa phương trong tỉnh để giải quyết những vấn đề thực sự vướng mắc, đưa ra nhiều sáng kiến trong giải quyết các vấn đề; quan tâm đến biên chế và cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; tập hợp các khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất để đoàn kiểm tra báo cáo Ban Chỉ đạo sớm có các giải pháp; tìm hiểu, cập nhật danh mục dịch vụ công do Chính phủ ban hành để thực hiện; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho triển khai tự chủ của các đơn vị nhưng phải đảm bảo yếu tố phát triển bền vững.

Trước đó, đoàn công tác Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã làm việc với một số đơn vị (Sở Xây dựng, Sở KH&CN) của tỉnh về việc thực hiện công tác CCHC./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3949

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)