Thứ năm, 04/10/2018 17:06 GMT+7

Bộ KH&CN tổ chức Họp báo thường kỳ quý III/2018

Tập trung xây dựng các chính sách, pháp luật phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN); triển khai các công việc nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0); hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia; triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ các ngành kinh tế, phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị… Đó là những hoạt động trọng tâm của Bộ KH&CN trong quý III/2018.

Thông tin được đưa ra tại buổi Họp báo thường kỳ quý III/2018 do Bộ KH&CN tổ chức sáng ngày 04/10/2018, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy. Tham dự buổi Họp báo có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ; các đơn vị báo chí thuộc Bộ KH&CN cùng đại diện nhiều cơ quan thông tấn, báo chí.

 


Toàn cảnh buổi Họp báo.

 

Tập trung xây dựng, triển khai các chính sách, pháp luật về KH&CN

Trong Quý III, Bộ KH&CN đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 30/2018/QĐ-TTg ngày 31/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, đổi mới công nghệ, phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư; Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành: Thông tư số 09/2018/TT-BKHCN ngày 01/7/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 09/2016/TT-BKHCN ngày 09/6/2016 quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất ôxít hữu cơ (thuộc loại 5) và các chất ăn mòn (thuộc loại 8) bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; Thông tư số 11/2018/TT-BKHCN ngày 08/8/2018 Quy định định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục; Thông tư số 13/2018/TT-BKHCN ngày 05/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ KH&CN và Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế; Quyết định số 1942-QĐ/BKHCN ngày ngày 09/7/2018 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quy chế phối hợp số 2222/QCPH-BKHCN-BNNPTNT-BCT ngày 08/8/2018 giữa Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý;… Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng đã cung cấp thêm thông tin về Quyết định của Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia đến năm 2025 hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0.
 

Hai trụ cột lớn hiện thực hóa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Nói về vai trò của KH&CN trong cuộc CMCN 4.0, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ, các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó đều dẫn dắt bởi KH&CN, từ những hội tụ của các thành tựu đột phá trong KH&CN dẫn đến những thay đổi lớn về phương thức sản xuất, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống và phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Với Việt Nam, để tận dụng các cơ hội của cuộc CMCN 4.0, cần quan tâm đến những trụ cột chính, trong đó có 2 trụ cột lớn là nguồn nhân lực và KH&CN. 

Hiện Bộ đang triển khai nhiều hoạt động cụ thể bám sát Chiến lược phát triển KH&CN và tập trung vào điểm nhấn mới là thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Đây là một trong những cách tiếp cận có thể đi nhanh, đi tắt với sự sáng tạo của các bạn trẻ, thu hút đầu tư từ các nguồn lực trong nước và quốc tế để nhanh chóng bứt phá và đạt kết quả tốt.

Trả lời câu hỏi về việc doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ như thế nào, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, trong các hoạt động hỗ trợ, đã chia doanh nghiệp thành 4 nhóm: Nhóm doanh nghiệp đầu tầu dẫn dắt; Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nhóm doanh nghiệp KH&CN và nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Với mỗi nhóm doanh nghiệp, Bộ có những chính sách, chiến lược đồng hành khác nhau.
 

Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với ĐMST

Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí tại buổi Họp báo. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thành công Diễn đàn mở với chủ đề: “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018). Diễn đàn mở này đã tạo cơ hội cho giới trẻ, sinh viên, doanh nhân, chuyên gia trẻ và công chúng thảo luận về tương lai của chính mình trong một giai đoạn phát triển chưa từng có của công nghệ trong khu vực ASEAN.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Phần Lan, Bộ KH&CN phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học”. Thứ trưởng cho biết: “Sau 04 năm triển khai, IPP2 được đánh giá là chương trình ODA tiên phong thử nghiệm ở Việt Nam mô hình mới trong hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo và xây dựng năng lực, hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lành mạnh, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp sáng tạo tăng trưởng nhanh, hướng tới nền kinh tế dựa trên ĐMST và phát triển bền vững ở Việt Nam”.

 


Thứ trưởng Bùi Thế Duy chủ trì buổi Họp báo.

 

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến một sự kiện lớn sắp diễn ra là Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia năm 2018” (Techfest Vietnam 2018), đồng thời đưa ra các dẫn chứng cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã hình thành và đang phát triển rất sôi động. Techfest Vietnam 2018 hướng đến hai nội dung là “Khởi nghiệp sáng tạo 4.0” và “Kết nối toàn cầu”. Techfest năm nay dự kiến sẽ đón hơn 4.500 lượt người tham dự, hơn 250 doanh nghiệp khởi nghiệp, trên 150 nhà đầu tư. Đây sẽ là nơi liên kết phát triển các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Trả lời câu hỏi của nhà báo về việc kết nối các tập đoàn, doanh nghiệp với hoạt động khởi nghiệp ĐMST, đặc biệt trong dịp Techfest sắp tới, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết: Trong dịp Techfest 2018, việc tham gia của tập đoàn, quỹ đầu tư được triển khai rất đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã và đang tham gia vào Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia (Đề án 844) như Viettel, VNPT,... “Chúng tôi cũng đề xuất với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có những sáng kiến để doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia. Trước khi khai mạc Techfest 2018 sẽ có một loạt các hoạt động do các nhà đầu tư và các Làng công nghệ của Techfest 2018 triển khai. Trong Hành trình Chuyến xe khởi nghiệp (từ Hà Nội vào Đà Nẵng và từ TP.Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng) cũng sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của các địa phương, các doanh nghiệp lớn...”, ông Quất cho biết.

 


Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cung cấp thông tin cho báo chí.

 

Vai trò của KH&CN trong việc sản xuất thành công vắc xin cúm

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vai trò của KH&CN trong nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin cúm mùa, ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật cho biết, đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, sản xuất lâu dài của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) dưới sự hỗ trợ của ngân sách KH&CN và sự tài trợ của quốc tế như WHO, PATH, BARDA (Hoa Kỳ). Từ năm 2003 khi dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước, tập trung trí tuệ và nguồn lực để nghiên cứu phát triển vắc xin cúm A/H5N1 phòng bệnh cho người. Năm 2005, Đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 bằng công nghệ trên trứng gà có phôi" do Bộ KH&CN giao Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chủ trì đã khởi động việc nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm ở Việt Nam.  

 


Ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật cung cấp thông tin cho báo chí.


Từ năm 2014, trong khuôn khổ Chương trình sản phẩm quốc gia, Bộ KH&CN và Bộ Y tế đã tiếp tục hỗ trợ Dự án “Hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm mùa ở qui mô công nghiệp”, nhiệm vụ đã được nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc.

“Hiện nay, đối với sản phẩm vắc xin phòng bệnh cho người, không phải chỉ riêng bệnh cúm mùa mà đã có 12 dự án đã được phê duyệt, trong đó có rất nhiều loại vắc xin khác đang triển khai có hiệu quả. Hàng năm, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Y tế, thống nhất danh mục cũng như kinh phí hỗ trợ ngân sách nhà nước cho các tổ chức nghiên cứu. Có thể khẳng định, trong thời gian qua, trong các thành tựu về y tế nói chung và về vắc xin nói riêng, có sự đóng góp rất lớn từ các nhà khoa học, sự tham gia rất tích cực của KH&CN”, ông Nguyễn Đình Hậu chia sẻ.

Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy và đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ đã giải đáp nhiều câu hỏi của các nhà báo liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành như: đánh giá năng lực công nghệ của các doanh nghiệp; việc xử lý đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ… Thứ trưởng mong muốn thời gian tới, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đồng hành cùng Bộ để thực hiện công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, phản ánh đầy đủ, trung thực những lĩnh vực quản lý của ngành, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3154

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)