Toàn cảnh Hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0”.
Hội thảo tập trung thảo luận về các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, vận hành đô thị thông minh. Trong đó có đề cập đến tình hình triển khai đô thị thông minh của Thành phố Hà Nội.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông với những năng lực mới do công nghệ đem lại như: điện toán đám mây; kết nối và đo lường trực tuyến; xử lý dữ liệu quy mô lớn khi ứng dụng công nghệ; nhận dạng; công nghệ số, di động, và internet vạn vật...
Những công nghệ tiến bộ sẽ giúp đô thị xây dựng các chiến lược thích ứng mới nhằm tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng, nâng cao khả năng ứng phó và chống chịu với thách thức, phối hợp giải quyết các vấn đề ở quy mô lớn hơn, toàn diện hơn và kịp thời hơn. Do đó, phát triển đô thị thông minh được xác định là giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy phát triển đô thị nhanh hơn, bền vững hơn.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Cũng như các siêu đô thị khác, Hà Nội cũng đang gặp phải nhiều thách thức như: Tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều người di cư về thành phố để sinh sống, các vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Do đó, nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh đảm bảo các yếu tố bền vững là yêu cầu cấp thiết.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Chung, quản lý xây dựng Đô thị thông minh gần đây là một xu thế đã được nhiều thành phố trên thế giới triển khai thành công. Thành phố Hà Nội cũng lựa chọn mục tiêu xây dựng đô thị thông minh bền vững. Ông Nguyễn Đức Chung cũng bày tỏ kỳ vọng các thách thức, vấn đề nêu trên của Hà Nội sẽ phần nào được giải đáp thông qua các ý kiến, trao đổi của các diễn giả là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, từ các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực CNTT, tự động hóa, năng lượng... trình bày tại Hội thảo.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai rất nhiều công việc để hướng tới mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh như đã xây dựng các kế hoạch để số hóa toàn bộ dữ liệu hiện có của thành phố, xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc ứng dụng các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như phục vụ cho việc quản lý, điều hành của thành phố. Hà Nội cũng đã xây dựng những cơ sở dữ liệu cốt lõi phục vụ cho việc điều hành của thành phố như cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở dữ liệu về đất đai...
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đang triển khai các dịch vụ để phục vụ cho việc quản lý, điều hành của Thành phố như xây hệ thống iParking để quản lý toàn bộ hệ thống chỗ đỗ xe tự động, hay xây dựng hệ thống quản lý điều hành toàn bộ giao thông thành phố.
Mô hình đô thị thông minh bền vững mà Hà Nội mong muốn hướng tới phải mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0.
Cũng tại Hội thảo này, các đại biểu đã được nghe trình bày từ các diễn giả quốc tế như: Bà Samia Melhem, Trưởng Ban Phát triển số, Ngân hàng Thế giới với một số vấn đề cần quan tâm khi xây dựng bộ tiêu chuẩn cho thành phố thông minh; Ông Martin C. Yates, Giám đốc Công nghệ, Đô thị số & An ninh nội địa, Dell EMC xu với hướng phát triển hạ tầng số cho đô thị thông minh tại Việt Nam trong CMCN 4.0; Ông Denis Brunetti, Đồng Chủ tịch, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam khuyến nghị chính sách cho xây dựng một số đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam…
Qua các bài tham luận, đặc biệt là phiên thảo luận đã góp phần làm nổi bật về những sáng tạo, ứng dụng và kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai dự án xây dựng thành phố thông minh; góp phần hỗ trợ cho các cơ quan, ban, ngành; thành phố Hà Nội và các bên liên quan xây dựng hoàn thiện các chính sách thúc đẩy sự phát triển của các đô thị thông minh phù hợp với điều kiện của Việt Nam.