Thứ năm, 19/04/2018 22:08 GMT+7

Nghiên cứu hoàn thiện quy trình tạo chế phẩm từ lá Chay bắc bộ (artocarpus tonkinensis chev. ex gagnep.) và tác dụng điều biến miễn dịch, chống ung thư tủy xương cấp của chế phẩm và một số chất sạch tách được

Các phương pháp điều trị rối loạn hệ miễn dịch hiện nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, sử dụng các loại thuốc điều hoà miễn dịch bằng cách sàng lọc một lượng lớn các hợp chất thiên nhiên và tổng hợp hóa học. Việc sử dụng các hợp chất thiên nhiên như là một nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp dược đã và đang được thế giới triển khai một cách sôi động và có kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, các loại thuốc ức chế miễn dịch đang lưu hành hiện nay như corticosteroid và cyclosporin A có nhiều tác dụng phụ và giá thành lại rất cao. Nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch cũng được sử dụng để điều trị ung thư. Cho đến nay, các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên vẫn là những chất dẫn đường quan trọng trong việc tìm kiếm các thuốc điều hòa miễn dịch, kích thích miễn dịch, ức chế miễn dịch và thuốc chống ung thư mới.

 

Qua nghiên cứu sàng lọc các chất có hoạt tính từ cây thuốc cổ truyền của Việt Nam (Pha I), hai hợp chất auronol glucosid (ký hiệu TAT2, TAT6) đã được phát hiện từ lá cây Chay (Artocarpus tonkinensis). Kết quả thử nghiệm cho thấy hai auronol glucosid này có hoạt tính ức chế miễn dịch dựa vào hiệu ứng chống sự phát triển nhanh của các tế bào lympho T hoạt hóa. Ngoài ra chất TAT2 còn có hoạt tính kháng ung thư cao và hầu như không có tác dụng phụ. Từ kết quả này đã thúc đẩy chúng tôi tiếp tục nghiên cứu sâu rộng, hơn nhằm tạo ra nguyên liệu từ lá Chay để sản xuất thuốc hoặc thực phẩm chức năng.

Vì vậy chúng tôi đã hợp tác với GS. D. Delfino thực hiện đề tài  “Nghiên cứu hoàn thiện qui trình tạo chế phẩm từ lá Chay bắc bộ (Artocarpus tonkinensis A. Chev. ex Gagnep.) và tác dụng điều biến miễn dịch, chống ung thư tủy xương cấp của chế phẩm và một số chất sạch tách được”. Việc nghiên cứu này hứa hẹn có thể ứng dụng lá Chay trong y dược, do PGS.TS Trịnh Thị Thủy làm chủ nhiệm đề tài.

Với mục tiêu Nghiên cứu hoàn thiện qui trình chiết, tách và tạo chế phẩm từ lá Chay bắc bộ (Artocarpus tonkinensis, AT2) qui mô pilot (30 kg nguyên liệu khô/mẻ); Đánh giá tác dụng điều biến miễn dịch của chế phẩm AT2; Nghiên cứu hoạt tính chống ung thư tủy xương cấp của một số chất sạch từ cây này; Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho chế phẩm và đánh giá độ an toàn của chế phẩm AT2.

Qua thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu lại được những kết quả như sau:

1. Đã xây dựng được qui trình tạo chế phẩm từ lá Chay bắc bộ (ký hiệu AT2), quy mô pilot (30kg nguyên liệu khô/mẻ). Qui trình cho hiệu suất ổn định (xấp xỉ 15% so với nguyên liệu khô), dung môi sử dụng an toàn. Công nghệ chiết khả thi ở quy mô sản xuất, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

2. Đã nghiên cứu, phân tích một cách có hệ thống về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của chế phẩm lá Chay, trong đó chất chính TAT2 thu được với hiệu suất khá cao (0,2% so với cao AT2, 0,013% so với nguyên liệu khô). Từ lá chay đã phân lập và xác định được cấu trúc của 11 chất là: maesopsin 4-O-β-Dglucopyranoside (hovetrichoside C, TAT2), alphitonin-4-O-β-D-glucopyranoside (TAT6); kaempferol (TATB2), astragalin (TATB3), kaempferol 3-rutinoside (TATB5a), kaempferol 3-neohesperidoside (TATB5b), quercetin 3-O-β-Dglucopyranoside (TATB6), quercetin 3-rutinoside (TATB7), afzelechin-(4β8)- catechin-3-O-β-D-glucopyranoside (TAT11), O-β-D-fructofuranosyl-(2β1)-O-β-D-fructofuranosyl-(6βl)-β-fructopyranose (TATB1) và catechin (TAT3a).

3.  Đã đánh giá độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của của sản phẩm AT2 trên động vật thực nghiệm. Kết quả cho thấy sản phẩm AT2 là an toàn, cụ thể:

- Ở liều cao nhất chuột có thể uống được (42,9g/kg trọng lượng cơ thể), sản phẩm AT2 không gây độc cấp, chưa xác định được LD50.

- AT2 ở cả 2 mức liều 0,6g/kg thể trọng/ngày (liều có tác dụng tương đương liều dùng trên người) và liều cao gấp 3 lần (1,8g/kg thể trọng/ngày), uống liên tục trong 8 tuần không gây ảnh hưởng đến tình trạng chung, sự gia tăng trọng lượng,chức năng tạo máu, chức năng gan, thận, hình thái đại thể và cấu trúc vi thể gan,thận của thỏ. Tất cả các chỉ số theo dõi đều nằm trong giới hạn bình thường, không có sự khác biệt rõ rệt. Kết quả này cho thấy AT2 là an toàn và có tiềm năng dùng làm nguyên liệu để sản xuất thực phẩm chức năng và thuốc điều trị các bệnh tự miễn.

4. Kết quả đánh giá tác dụng giảm viêm khớp dạng thấp trên chuột bị gây viêm bằng collagen cho thấy sản phẩm AT2 có khả năng ức chế 36,37% trên chuột bị gây viêm bằng collagen. AT2 thực sự đã làm giảm hàm lượng IL-6 và TNF alpha trong huyết thanh chuột thí nghiệm ở mức có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Ngoài ra cặn chiết ethanol và cặn chiết nước từ lá chay có tác dụng kháng viêm khớp dạng thấp mạnh trên chuột bị gây viêm bằng collagen + tá dược Freund. Nghiên cứu biểu hiện gen, đã phát hiện có 39 gen liên quan đến bệnh tự miễn ở nhóm điều trị được điều chỉnh.

5. Đánh giá tác dụng kháng u trên động vật cho thấy ở liều 100 và 200mg/kgP/ngày chất TAT2 đã thể hiện khả năng ức chế tương ứng là 35,47% và 51,24% sự phát triển của khối u so với đối chứng. Chất TAT2 không ảnh hưởng đến enzyme chức năng gan và thận so với đối chứng.

6. Đã đánh giá hoạt tính điều hòa miễn dịch và chống ung thư và nghiên cứu cơ chế tác dụng kìm hãm tế bào ung thư tủy xương cấp (AML) của một số chất sạch tách được từ lá Chay (TAT2, TAT6, TATB3 và TAT3a). Kết quả cho thấy cả 4 chất này đều có hoạt tính kháng ung thư tủy xương cấp tốt, trong đó hai chất TAT2, TAT6 có hoạt tính chọn lọc và không gây ra tác dụng phụ.

7. Đã xây dựng TCCS cho chế phẩm AT2 làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng. Kết hợp với công ty TNHH Tuệ Linh đã sản xuất thử 5000 hộp sản phẩm thực phẩm chức năng từ nguyên liệu AT2 do đề tài điều chế. Sản phẩm này đã được bộ Y tế cấp phép và cho lưu hành trên thị trường.

8. Các kết quả khác: đề tài đã được cấp 01 bằng sáng chế giải pháp hữu ích (6/2014); 4 bài báo tạp chí quốc tế (trong đó 3 bài ISI đã in, 1 bài đang chờ phản biện), 3 bài báo ở tạp chí quốc gia và 3 bài ở tuyển tập hội nghị khoa học quốc tế; góp phần đào tạo 2 Th.S và 1 TS.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12516/2016) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 4767

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)