Thứ năm, 19/04/2018 21:23 GMT+7

Nghiên cứu phát triển một số vùng sản xuất khoai môn, sọ (colocasia esculenta (l.) schott) theo hướng hàng hóa ở miền núi phía Bắc

Khoai môn, khoai sọ (Colocasia esculenta (L) Schott), thuộc họ Ráy (Araceae) có lịch sử trồng trọt từ lâu đời. Cây khoai môn - sọ được sử dụng làm lương thực và thực phẩm ở châu Á, châu Phi, Tây Ấn Độ và Nam Mỹ, đặc biệt là nguồn lương thực chính của các nước ở quần đảo Thái Bình Dương.

 

Ở nước ta, đặc biệt đối với vùng Miền núi phía Bắc: với lợi thế được coi là cây bản địa, đa tác dụng như ăn tươi, làm thực phẩm, làm thức ăn cho chăn nuôi, phù hợp với nhiều vùng sinh thái, nhiều loại đất khác nhau,... Ngày nay, khoai môn sọ còn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến như: khoai chiên, khoai sấy, bột dinh dưỡng trẻ em, chế biến bánh, kẹo, kem,... Bên cạnh đó, với lợi thế sản phẩm truyên thống, không đòi hỏi kỹ thuật thâm cao lại tương đối phù hợp với tập quán người dân có ưu thế trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đây là những yếu tố thuận lợi cho cây khoai môn sọ phát triển ở miền núi phía Bắc. Mặt khác, tiềm năng đất nương rẫy, đất một vụ, đất dốc của vùng còn rất lớn, phát triển cây khoai môn sọ sẽ góp phần khai thác tiềm năng đất đai và tạo ra sản phẩm có giá trị hàng hoá cao.

 

Kết quả phát triển khoai môn sọ tại các địa phương như: Phú Thọ, Hà Giang, Hòa Bình, Yên Bái,... đều đạt hiệu quả kinh tế cao, bước đầu nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên cho đến nay việc phát triển vùng sản xuất khoai môn sọ theo hướng sản xuất hàng hóa ở miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là quy hoạch, xác định một số vùng có tiềm năng thực sự để đầu tư tập trung. Hơn nữa cũng chưa hình thành bộ giống phù hợp với sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến một số giống khoai môn sọ đặc sản như: khoai tầng vàng Thanh Sơn, khoai môn Lục Yên, khoai mán, khoai Thuận Châu, khoai tàu Bắc Kạn, Lạng Sơn,… chưa phát triển thành hàng hóa là do các địa phương chưa thực sự quan tâm tới các giải pháp tổng hợp từ đầu vào cho đến đầu ra của sản phẩm, cũng như chưa xây dựng được quy trình nhân giống, bảo quản và sơ chế các sản phẩm nên chưa hình thành chuỗi ngành hàng hóa hiệu quả cao. Do đó, chưa hấp dẫn được nhà đầu tư trong vấn đề chế biến và tìm đầu ra cho các sản phẩm từ khoai môn.

 

Xuất phát từ những hạn chế trên cho thấy, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững cây khoai môn sọ trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao theo vùng là việc làm cần thiết nhằm tận dụng tốt lợi thế tài nguyên đất đai, khí hậu, con người… Nếu vấn đề trên được giải quyết sẽ là cơ sở để hình thành vùng nguyên liệu mang tính hàng hóa cho các nhà máy chế biến, công nghiệp thực phẩm trong nước, tiêu dùng tại địa phương và tiến tới xuất sang các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapo, Hồng Kông... Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng tăng thu nhập và phát triển bền vững cho Vùng.

 

Đề tài: “Nghiên cứu phát triển một số vùng sản xuất khoai môn, sọ (Colocasia esculenta (L.) Schott) theo hướng hàng hóa ở miền núi phía Bắc” do chủ nhiệm đề tài Tạ Quang Tưởng thực hiện đã góp phần giải quyết được một số vấn đề nếu trên ở một khía cạnh nào đó. Trước hết là góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trông theo hướng phù hợp với thực tiễn đồng thời bảo tồn và phát huy được các thế mạnh của cây đặc sản vùng cao. Hơn thế nữa để từng bước tăng cường năng lực tổ chức sản xuất của nông hộ, trên cơ sở đó tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế bền vững cho vùng miền núi.

 

Qua thời gian nghiên cứu, đã tuyển chọn được các giống khoai môn phù hợp có thể xây dựng và sản xuất khoai môn theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững ở Miền núi phía Bắc gồm: Khoai môn Bắc Kạn, khoai Bông Lục Yên, khoai tím Lục Yên, khoai tím Đà Bắc.

 

Đã đề xuất xây dựng được một số vùng sản xuất tiềm năng như khu 1 gồm các xã Liễu Đô, Thế yên, Tân Lĩnh; khu 2: Minh Chuẩn, Tô Mậu, Khánh Hòa; khu 3: Phúc Lợi, Tân Lập, Phan Thanh thuộc hiện Lục Yên tỉnh Yên Bái; tại huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn: Đồng Lạc, Ngọc Phái, Đại Sảo; tại huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ gồm: Thượng Cửu, Yên Lương và tại huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình các xã: Cao Sơn, Tu Lý.

 

Đã xây dựng được quy trình nhân giống khoai môn dựa trên kết quả nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật: Mật độ thích hợp cho sản xuất khoai môn hàng hóa là từ 30-33.000 cây/ha, kích thước củ giống tối ưu nhất là từ 40-60 củ/kg củ giống. Thời gian cắt thân mẹ thích hợp nhất là sau trồng 90 ngày và kỹ thuật này có hệ số nhân giống>7 lần. Xây dựng được quy trình về kỹ thuật bảo quản sơ chế khoai môn dựa trên kết quả nghiên cứu: Phương pháp bảo quản củ con làm giống và củ khoai thương phẩm tốt nhất là bằng cát ẩm. Tỷ lệ hao hụt thấp nhất 23%.

 

Các mô hình sản xuất hàng hóa, chế biến đã cho thấy: sản xuất khoai môn cho doanh thu từ 87,36 - 137,9 triệu đồng/ha đem về lợi nhuận từ 23,3 - 73,87 triệu đồng/ha. Mô hình sấy khô cho hiệu quả cao hơn bán củ tươi 15.570đ/3,5kg củ tươi. Mô hình lưu giữ và nhân giống đạt năng suất từ 12-21 tấn/ha, hệ số nhân giống đạt > 7 lần. Đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu số: 260408 cho sản phẩm khoai môn theo Quyết định số 1646/QĐ- SHTT ngày 25/3/2016. Để phát triển hàng hóa cần tập trung vào một số vấn đề về kỹ thuật, sơ chế bảo quản, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường.

 

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12538/2016) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 4852

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)