Thứ sáu, 06/10/2017 12:30 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Họp báo thường kỳ Quý III: Giải đáp nhiều vấn đề báo chí quan tâm

Chiều ngày 05/10/2017, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức họp báo thường kỳ Quý III/2017 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc. Tại buổi Họp báo, Lãnh đạo Bộ KH&CN, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời trực tiếp những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm trong thời gian gần đây như: kế hoạch của Bộ KH&CN trong việc triển khai Chỉ thị 16 /CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng 4.0; lộ trình, kinh phí và tiến độ triển khai Đề án Tri thức Việt số hóa; hiệu quả của các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ; những điểm mới của Ngày hội khởi nghiệp Việt Nam Techfest 2017; việc nghiên cứu, đưa ra đánh giá amiăng trắng là vật liệu độc hại hay không độc hại;…

Hoàn thiện, ban hành nhiều văn bản chính sách

Buổi họp báo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về hoạt động của Bộ KH&CN trong Quý III và những hoạt động trọng tâm trong Quý IV. Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, về công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật KH&CN, trong Quý III, Bộ KH&CN đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các văn bản: Nghị định 95/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN; Quyết định 37/2017/QĐ-TTg ngày 17/08/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng;...

Bộ KH&CN đang trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định thay thế Nghị định số 80/2007/NĐ-CP, Nghị định số 96/2010/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN; Nghị định về cơ chế ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng;... Trong Quý IV/2017, Bộ KH&CN sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định thay thế Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia;... Thứ trưởng cho biết thêm.

Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành Thông tư số 11/2017/TT-BKHCN ngày 11/8/2017 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định quản lý thực hiện Đề án "Thí điểm cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN"; Thông tư số 88/2017/TT-BTC ngày 22/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý tài chính Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chủ trì buổi Họp báo.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng đã điểm lại những sự kiện nổi bật đã được tổ chức trong Quý III và đã được báo chí, truyền thông quan tâm, đưa tin như: Luật Chuyển giao công nghệ 2017 chính thức được công bố theo Lệnh của Chủ tịch nước; đón tiếp cựu Thủ tướng Chính phủ Phần Lan đến thuyết trình tại Bộ để chia sẻ kinh nghiệm của Phần Lan trong phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo; tổ chức Buổi thuyết trình của Giáo sư Göran Roos (người được tạp chí kinh doanh của Tây Ban Nha “Direccion y Progreso” bình chọn là một trong 13 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế kỷ 21) về chính sách KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh của cuộc Cách mạng 4.0; Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Thái Lan ký Hiệp định về Hợp tác KH, CN và Đổi mới sáng tạo giữa 2 Chính phủ; Bộ trưởng Bộ KH&CN tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 2 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - I-xra-en về hợp tác kinh tế, KH&CN và các lĩnh vực khác; Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 cho Thiếu niên lần thứ 6; Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; Hội thảo Phát triển công nghệ thông minh trong cách mạng công nghiệp 4.0 và Kết nối doanh nghiệp; Hội thảo giới thiệu báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017;…

Thông tin thêm về hoạt động của Bộ trong Quý III, ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn của Bộ cho biết, Bộ KH&CN đã và đang tích cực triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ đã thành lập Tổ công tác giúp Bộ trưởng triển khai Chỉ thị số 16 và tổ chức các Đoàn công tác của Bộ KH&CN làm việc với các bộ, ngành, địa phương về việc triển khai Chỉ thị 16. Đồng thời, Bộ cũng đang tích cực hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về định nghĩa, cách tính toán và nguồn dữ liệu của Chỉ số GII để nghiên cứu, có các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và tiếp tục cải thiện chỉ số GII của Việt Nam trong thời gian tới.

Techfest Vietnam 2017 có nhiều điểm mới

Trả lời câu hỏi của phóng viên về kế hoạch tổ chức, những điểm mới của Ngày hội khởi nghiệp Việt Nam – Techfest Vietnam 2017, Cục trưởng Cục phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN Phạm Hồng Quất cho biết, năm nay, ngày hội khởi nghiệp được dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 11/2017 với quy mô tăng khoảng 1,5 lần so với năm trước. Điểm khác biệt là Techfest năm nay được thiết kế theo mô hình các Làng khởi nghiệp về nông nghiệp, y tế, công nghệ mới hay kết nối đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư cho các startup; đối tác tham gia Techfest năm nay sẽ có các nội dung chương trình đặc biệt để thu hút đối tượng tham dự chuyên biệt trong từng Làng khác nhau;… Ban tổ chức của Techfest hướng tới lựa chọn các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp có hàm lượng trí tuệ, khoa học cao, mô hình kinh doanh sáng tạo, có khả năng tăng trưởng nhanh, dễ dàng hội nhập toàn cầu.

Techfest Vietnam 2017 hướng đến mục đích đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế thông qua các hoạt động như: thu hút đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tham vấn chính sách về đổi mới sáng tạo, tôn vinh doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ có đóng góp tích cực cho cộng đồng khởi nghiệp. Ban tổ chức mong muôn cộng đồng khởi nghiệp quốc tế biết đến Việt Nam như một địa chỉ tiềm năng cho việc phát triển khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo; kết nối các hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong phạm vi Việt Nam, các tỉnh thành, tổ chức trung ương đoàn, các hiệp hội địa phương để có hệ sinh thái tương đối đồng nhất. Thay vì trưng ra những startup đã có thì năm nay, Techfest hướng tới việc gọi vốn, khách hàng chính là các nhà đầu tư quốc tế, để startup được giao lưu, cọ xát.

Hệ tri thức Việt số hóa góp phần phát triển công nghiệp nội dung số

Tại buổi Họp báo, các phóng viên cũng dành nhiều sự quan tâm đến việc triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. Thông tin với báo chí, ông Đào Mạnh Thắng – Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia cho biết, ngày 18/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 677/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” với mục tiêu xây dựng một Hệ tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi người dân học tập suốt đời, làm chủ tri thức, tăng cường nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN, thúc đẩy phát triển đất nước.

Hệ tri thức Việt số hóa được hình thành thông qua việc tổng hợp, hệ thống hóa, việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức của nhân loại và của người Việt trong mọi lĩnh vực, trước hết hỗ trợ cho giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như pháp luật, y tế, kỹ thuật sản xuất,… Phương thức triển khai xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa là huy động tham gia của mọi người dân, đặc biệt là các cộng đồng doanh nghiệp, thanh niên, sinh viên, khơi dậy niềm tự tôn dân tộc và kích thích óc sáng tạo và nhiệt huyết tham gia đóng góp vì một xã hội tri thức phát triển.

Việc phát triển thành công Hệ tri thức Việt số hóa sẽ từng bước góp phần phát triển công nghiệp nội dung số của Việt Nam, định hướng việc sử dụng tri thức của người dùng trên môi trường mạng.

Ông Thắng cho biết, sau khi Quyết định 677 được ban hành, Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan thường trực của Đề án, đã hình thành Nhóm nòng cốt bao gồm một số chuyên gia của Bộ KH&CN, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và doanh nghiệp nội dung. Nhóm đã nghiên cứu thiết kế và xây dựng Platform Hệ tri thức gồm các hợp phần chính sau: Dữ liệu mở - Tập hợp các dữ liệu công bố công khai các các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan nhà nước; Cây tri thức – Tập hợp tri thức tổng hợp của thế giới được dịch sang tiếng Việt và tri thức của người Việt được hệ thống hóa, được cấu trúc tạo thuận lợi cho người dân học tập, nghiên cứu ở các trình độ khác nhau; Ngân hàng hỏi đáp – Nơi mọi người đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời tin cậy từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, cho phép người dùng tương tác với nhiều mạng xã hội và diễn đàn khác nhau; Kho ứng dụng – Do các doanh nghiệp, cá nhân phát triển trên nền tảng kho dữ liệu khổng lồ của Hệ tri thức và sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) để tạo ra các giá trị gia tăng đáp ứng các yêu cầu đa dạng của người dùng.

Ngoài ra, Nhóm triển khai đề án đã làm việc với một số bộ, ngành về việc tham gia đóng góp dữ liệu mở cho Hệ tri thức, làm việc với Trung ương đoàn về việc huy động thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia khai thác và đóng góp tri thức cho hệ thống.

Ông Thắng cho biết thêm, dự kiến đầu tháng 11/2017 sẽ hoàn thiện phiên bản beta Hệ tri thức và mời một số cộng đồng dùng thử để đánh giá sản phẩm, đồng thời đóng góp dữ liệu khởi tạo cho Hệ tri thức. Đầu tháng 01/2018 sẽ khởi động chính thức Hệ tri thức và kêu gọi công chúng vừa khai thác vừa đóng góp dữ liệu, tri thức cho hệ thống.
 

Toàn cảnh buổi Họp báo.
 

Tại buổi Họp báo, các nhà báo cũng đặt ra nhiều vấn đề quan tâm khác như trách nhiệm của Bộ KH&CN trong việc nghiên cứu, đưa ra đánh giá amiăng trắng là vật liệu độc hại hay không độc hại?; việc các Trung tâm đăng kiểm đang đứng ngồi không yên vì lo chi phí đo thiết bị kiểm định tăng cao; thực trạng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hiệu quả của các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ; việc sáp nhập Tạp chí Tia sáng vào Báo Khoa học và Phát triển;… Nhiều nhà báo cũng đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị với Bộ nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông như cần có kế hoạch truyền thông riêng cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; tổ chức cung cấp thông tin sâu hơn về cuộc Cách mạng 4.0, trong đó nêu bật được vai trò của KH&CN trong cuộc Cách mạng này;… Các vấn đề nhà báo, phóng viên đưa ra đã được Thứ trưởng Phạm Công Tạc và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trả lời, cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết.

Theo kế hoạch, trong Quý IV, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN. Đồng thời, tổ chức các hoạt động, sự kiện theo kế hoạch: Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ; Ngày hội khởi nghiệp Việt Nam – Techfest Vietnam 2017; Sự kiện ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ năm 2017; Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI; Hội nghị toàn quốc về thông tin, thống kê KH&CN, Kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn hóa quốc tế, Chợ công nghệ và thiết bị Hà Nội 2017,…

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3862

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)