Thứ tư, 12/07/2017 20:32 GMT+7

Họp báo Quý II: Nhiều vấn đề lớn báo chí quan tâm

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với tỉ lệ tán thành rất cao; cơ chế đặc thù cho Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc; kế hoạch của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thời gian tới để tiếp tục thăng hạng chỉ số GII; triển khai Đề án xây dựng hệ tri thức Việt số hóa; Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3; cơ chế, chính sách đối với các nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học trẻ;... Đó là những vấn đề được các nhà báo, phóng viên tập trung đặt câu hỏi để Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trả lời, cung cấp thông tin tại buổi Họp báo Quý II/2017 của Bộ KH&CN diễn ra ngày 07/7/2017.

Cơ chế mới thu hút nhà đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc

Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, ngày 20/06/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 74/2017/NĐ-CP Quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc. Nghị định gồm 6 chương, 22 điều, mở ra những cơ hội đầu tư mới tại Dự án này.
Trả lời câu hỏi của nhà báo Đài tiếng nói Việt Nam và báo Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch triển khai Nghị định 74, cơ chế thu hút nhà đầu tư mới,… Phó trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Nguyễn Trung Quỳnh cho biết, kế hoạch xây dựng Khu CNC không chỉ phụ thuộc vào cơ sở pháp lý liên quan đến phát triển KH&CN mà còn liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường, quy hoạch,… và rất nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, giai đoạn trước trong nhiều Luật chuyên ngành thường không quy định tư cách pháp lý cho Ban Quản lý Khu CNC (BQL) để xử lý các vấn đề quản lý nhà nước đối với Khu CNC Hòa Lạc. Nghị định 74 ra đời đã giải quyết được những vấn đề khó khăn như vậy trong quá trình triển khai thực hiện đến thời điểm này. Các cơ chế, chính sách trong thẩm quyền của BQL đã được giải quyết, đặc biệt có thêm một số chính sách ưu đãi đối với Khu CNC Hòa Lạc.
Theo Nghị định, Dự án đầu tư tại Khu CNC được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đầu tư và thuế. Với dự án đầu tư mới tại Khu CNC có quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 30 năm. BQL được áp dụng cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của BQL, cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn khác trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, lao động và các lĩnh vực khác. UBND thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại Khu CNC.
Ông Quỳnh cho biết, BQL đã và đang có cơ chế để xã hội hóa và thu hút đầu tư các nguồn vốn từ bên ngoài cho xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội tại Khu. Hiện cơ sở hạ tầng xã hội đã bước đầu được triển khai như trường học, nhà hàng, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, nhà ở... Quan điểm của BQL là phải đảm bảo cơ sở hạ tầng để các nhà khoa học đến làm việc và sinh sống tại Khu với môi trường cảnh quan được quy hoạch theo hỗ trợ của Chính phủ.

 


Ông Nguyễn Trung Quỳnh - Phó trưởng BQL Khu CNC Hòa Lạc: Khu CNC Hòa Lạc đang đón nhận tín hiệu đầu tư tốt


Khu CNC đang hướng đến mục tiêu phát triển thành một thành phố KH&CN, một đô thị sinh thái và thông minh, phát triển mạnh mẽ tiềm lực KH&CN. Theo ông Nguyễn Trung Quỳnh, BQL đã, đang và sẽ chọn những nhà đầu tư đủ năng lực về công nghệ cũng như về tài chính để xây dựng, đầu tư vào Khu. BQL đã cấp giấy phép cho 79 Dự án đầu tư, trong đó có 9 dự án đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Khu CNC Hòa Lạc đón nhận tín hiệu đầu tư tốt khi một loạt các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư tại đây, tiêu biểu trong số đó là Tập đoàn Nidec, Nhật Bản. Hai bên đã ký kết ghi nhớ hợp tác chiến lược đầu tư vào Khu CNC Hoà Lạc với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD tại Khu CNC Hòa Lạc, dự kiến triển khai xây dựng đầu năm 2018. BQL cũng đang chuẩn bị cấp giấy phép cho nhà đầu tư Hàn Quốc với quy mô đầu tư trên 200 triệu USD. “Đó là tín hiệu vui mừng thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Khu CNC Hòa Lạc. Tôi tin rằng với những Tập đoàn lớn như vậy đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc, vấn đề thu hút đầu tư sẽ có triển vọng rất tốt trong thời gian tới”, ông Quỳnh chia sẻ.


Kế hoạch triển khai Trung tâm KH&CN hạt nhân
Đây là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của báo chí tại buổi Họp báo. Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, Bộ KH&CN và Tập đoàn Nhà nước về Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga (Rosatom) vừa ký Bản ghi nhớ về Kế hoạch hợp tác triển khai Dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân tại Việt Nam (CNEST) trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Liên bang Nga từ ngày 28/6 đến 1/7/2017 vừa qua. “Trước đây, CNEST hầu như là một dự án thành phần của Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc ký biên bản ghi nhớ tại Nga đã khẳng định CNEST là một dự án độc lập, được xây dựng nhằm đạt mục tiêu phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, KH&CN Việt Nam", ông Thành cho biết.

 


Ông Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cung cấp thông tin cho báo chí


Về địa điểm, hiện nay, Hội đồng thẩm định liên ngành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành thẩm định báo cáo tiền khả thi của dự án. Khi có kết quả, Hội đồng thẩm định liên ngành sẽ gửi báo cáo lên Chính phủ. Hiện tại, có 2 địa phương đồng ý với một số địa điểm xây dựng do Bộ đề xuất là tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai.
Về công nghệ, công nghệ để xây dựng nhà máy và sản xuất điện đã được chuẩn hóa. Vấn đề ở đây là lò nghiên cứu phản ứng hạt nhân sau khi xây dựng xong sẽ triển khai được những ứng dụng gì? Quan trọng hơn, chúng ta phải xây dựng, kết cấu ra sao để 50 năm nữa, vẫn có thể sử dụng lò hạt nhân hiệu quả, ông Thành nói.


Tạo lập Hệ trí thức Việt số hóa

Tại buổi Họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Lao Động, ông Lê Xuân Định - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia cho biết, Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017. Mục tiêu là tạo lập hệ tri thức cho người Việt, của người Việt, làm nền tảng cho sức sáng tạo, làm chủ tri thức, làm chủ công nghệ trong tất cả lĩnh vực.
Với mục tiêu như vậy, Đề án đã có lộ trình cụ thể, rõ ràng từ nay đến cuối năm 2017 và các năm tiếp theo. Trong tháng 7, đề án sẽ thiết lập một nhóm các doanh nghiệp nòng cốt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác để tạo nền tảng có thể tích hợp, lưu trữ, hỗ trợ truyền bá phổ biến kiến thức KH&CN và tri thức Việt số hóa. Tháng 8, nhóm doanh nghiệp nòng cốt này sẽ thiết lập các quy định, quy chế về quá trình phối hợp kiến tạo nền tảng, thu thập chia sẻ dữ liệu tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tiếp cận thông tin, để các start up có thể xây dựng các ứng dụng dựa trên nền tảng dữ liệu này.
Đặc biệt, dự kiến ngày 7/9 sẽ chính thức diễn ra lễ khởi động triển khai Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” trên quy mô toàn quốc. Trong năm 2017, đề án ưu tiên thiết lập nền tảng, tích hợp dữ liệu tập trung thử nghiệm tại 2 lĩnh vực là nông nghiệp và y tế ở một số địa bàn. Đến năm 2018, kế hoạch hệ tri thức Việt số hóa sẽ mở rộng ra các ngành, lĩnh vực và địa phương khác. Ứng dụng cũng được đa dạng hóa trên nhiều phương tiện khác nhau như website, máy tính, ứng dụng di động và các phương tiện khác. Sản phẩm cũng đa dạng hơn rất nhiều. Đến 2019 tiếp tục mở rộng nội dung và khai thác sâu Hệ tri thức Việt số hóa.

 


Ông Lê Xuân Định - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia: Mọi người dân có thể vừa tham gia vừa khai thác, làm giàu hệ tri thức theo công nghệ tạo nội dung từ chính cộng đồng


Ngoài ra, ông Định cũng cho biết, người dân có thể thụ hưởng các thành quả công nghệ ngay từ bây giờ bởi đã có nhóm triển khai công nghệ nền tảng phát triển nội dung hệ tri thức Việt số hóa. Đặc trưng của Hệ tri thức Việt số hóa là mọi người dân có thể vừa tham gia vừa khai thác làm giàu hệ tri thức theo công nghệ tạo nội dung từ chính cộng đồng. Quá trình đặt câu hỏi cũng là quá trình kiến tạo nên tri thức mới hữu hiệu. Điều quan trọng, các thông tin trên hệ tri thức có sự kiểm chuẩn, được kiểm tra về mặt nội dung chứ không phải thông tin thông thường tìm kiếm trên các trang mạng. “Chúng tôi cũng mong nhận được sự quan tâm, đồng hành từ các nhà báo - những người tiên phong trong việc đưa tri thức đến với xã hội”, ông Định chia sẻ.
Một số vấn đề quan trọng khác như kế hoạch của Bộ KH&CN thời gian tới để tiếp tục thăng hạng chỉ số GII; Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3; cơ chế, chính sách đối với các nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học trẻ; hiệu quả hoạt động của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội;… các nhà báo, phóng viên đặt ra cũng đã được Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời và cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết./.
 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3557

TAGS :
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)