Thứ ba, 11/07/2017 18:08 GMT+7

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: môi trường đầu tư tiềm năng đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc

Hiện nay, Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc đã có sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc. Có thể thấy rằng, Khu CNC Hòa Lạc là một môi trường đầu tư tiềm năng đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc và cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc ở đây đang ngày càng phát triển.

Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Khu CNC Hòa Lạc ngày 7/7/2017 là sự kiện xúc tiến đầu tư đầu tiên được tổ chức sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành Nghị định số 74/NĐ-CP vào ngày 20/6/2017 quy định cơ chế chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc. Cơ chế chính sách đặc thù này sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi đồng thời giảm thiểu chi phí đầu tư cũng như cung cấp ưu đãi cao nhất cho các nhà đầu tư công nghệ cao tại Khu CNC Hòa Lạc.

3 đồng hành, 5 hỗ trợ

Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, ông Phạm Đại Dương nhấn mạnh: “Ý nghĩa hơn, Hội nghị lần này nằm trong sự kiện Chào mừng kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2017). Trải qua 25 năm hợp tác, hai nước chúng ta đã đạt được những kết quả hợp tác đáng khích lệ. Hàn Quốc hiện đang là quốc gia có tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam lớn nhất trong số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Kim ngạch xuất khập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng tăng lên”.

Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho biết, xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc là chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc tập trung quyết liệt hoàn thành xây dựng hạ tầng cơ sở, hoàn thiện thể chế nhằm đảm bảo đầy đủ hành lang pháp lý và các điều kiện ưu đãi tốt nhất để thu hút nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư các dự án KH&CN tại Khu CNC Hòa Lạc.

Với quyết tâm đó, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã xây dựng lộ trình và kế hoạch xúc tiến đầu tư; xây dựng chính sách ưu đãi trình Chính phủ ban hành; ban hành trình tự, thủ tục đầu tư với tiêu chí đơn giản, rõ ràng, minh bạch, hướng tới chuyên nghiệp trong quản lý các dự án đầu tư, đồng thời bám sát chủ trương “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc, nâng tổng số dự án tại Khu CNC lên 80 dự án. Mặc dù con số này còn “khiêm tốn” nhưng Khu CNC Hòa Lạc được quy hoạch hướng tới mục tiêu phát triển thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh nên định hướng thu hút đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc không đặt nặng vấn đề “lấp đầy” trong thời gian gần nhất và “lấp đầy” bằng mọi giá.

Các doanh nghiệp đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc phải thực sự là doanh nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, có tiềm lực về tài chính. Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định tiêu chí dự án công nghệ cao và những danh mục dự án công nghệ cao cũng như những định hướng công nghệ cao cần thu hút trong khu công nghệ cao nên Ban Quản lý Khu công nghệ phải “bám sát” chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Khoa học và Công nghệ trong thu hút đầu tư để đảm bảo phát triển và phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ.

Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước đều quan tâm tới địa điểm đầu tư, môi trường đầu tư có thật sự thuận lợi và thông thoáng không, các chính sách ưu đãi về thuế, giá đất và các vấn đề liên quan để giảm chi phí trong quá trình đầu tư, điều đáng quan tâm là Ban Quản lý phải thực sự tạo ra môi trường thân thiện cho các nhà đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc.

Trong thu hút đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc, các dự án phải đảm bảo tiêu chí nghiên cứu - triển khai (R&D) và Ban Quản lý đặt kỳ vọng thu hút các dự án có tỉ lệ R&D cao, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện R&D tại Khu CNC Hòa Lạc. Thực tế, một số nhà đầu tư lớn của nước ngoài sang Việt Nam đầu tư chủ yếu làm về sản xuất hơn là làm R&D nhưng Khu Công nghệ cao vẫn đưa ra tiêu chí R&D để nhà đầu tư đảm bảo tỉ lệ nghiên cứu cũng như sử dụng nguồn nhân lực công nghệ cao khi thực hiện dự án đầu tư của họ tại Khu CNC Hòa Lạc.

Tạo cơ chế “mở” trong thu hút đầu tư

Hiện nay, Khu CNC Hòa Lạc đã có sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc như Công ty liên doanh y học Việt Hàn, Công ty SDS, Công ty DT&C... Đặc biệt, Dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST) được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ xây dựng theo mô hình Viện KIST của Hàn Quốc cũng đang được triển khai tại đây. Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đang phối hợp với Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc để thực hiện các thủ tục để đầu tư. Trong một vài ngày tới, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Hanwha Techwin của Hàn Quốc đầu tư hơn 200 triệu USD để sản xuất các bộ phận và linh kiện của động cơ máy bay và các bộ phận và linh kiện của động cơ gas tuabin công nghiệp. Có thể thấy rằng, Khu CNC Hòa Lạc là một môi trường đầu tư tiềm năng đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc và cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc ở đây đang ngày càng phát triển.

Đặc biệt, Nghị định số 74/2017/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 20/6/2017 đã thực sự tạo cơ chế “mở” trong thu hút đầu tư. Theo Thứ trưởng Phạm Đại Dương, Nghị định này đã giải quyết được cơ bản vấn đề về cơ chế, chính sách, môi trường, thủ tục hành chính thông thoáng, tạo môi trường đầu tư thật sự thuận lợi cho nhà đầu tư bằng cách giao thẩm quyền cho Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc để có quy trình, thủ tục thật sự thông thoáng “một cửa” “một cửa liên thông”. Đồng thời, tạo cơ chế ưu đãi đối với các dự án đầu tư và cá nhân những người đầu tư trong Khu CNC Hòa Lạc.

Đánh giá thế nào về tiềm năng của các nhà đầu tư Hàn Quốc trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Đại Dương nhấn mạnh, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỉ lệ vốn đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam hiện nay, với điều kiện thực tế của Khu CNC Hòa Lạc (vị trí thuận lợi, cơ chế chính sách “mở”, thông thoáng cùng với cơ chế chính sách đặc thù, môi trường đầu tư và điều kiện cơ sở hạ tầng của Khu CNC Hòa Lạc) thì đây chắc chắn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng và các nhà đầu tư nói chung.

 

Trao chứng nhận đầu tư cho 2 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Khu CNC Hòa Lạc ngày 7/7/2017

 

Vikomed là liên doanh giữa Trung tâm công nghệ laser Nacelas thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Công ty TNHH Hệ thống thiết bị Y tế Hàn Quốc (Gemss). Tổng vốn đầu tư của liên doanh là 8 triệu USD. Là liên doanh đầu tư giữa Việt Nam - Hàn Quốc hoạt động khá hiệu quả tại khu CNC Hòa Lạc

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4522

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)