Thứ ba, 04/07/2017 15:35 GMT+7

Mô hình xử lý rơm rạ góp phần giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường sau thu hoạch

Ngày 02/7/2017, Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các ngành kinh tế-kỹ thuật đã đến thăm và tìm hiểu một đại diện doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi T&T 159 về mô hình thiết bị chế biến thức ăn cho trâu bò từ nguồn rơm rạ. Đi cùng đoàn có các đại diện Lãnh đạo và chuyên viên Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, cùng các đại diện nhà khoa học thuộc Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ảnh 1,2. Vụ trưởng Nguyễn Đình Hậu cùng đoàn công tác thăm quan hệ thống thiết bị đồng bộ chế biến thức ăn cho trâu bò từ rơm rạ tại xưởng chế biến của Công ty T&T 159

 

Nguồn rơm rạ tới hàng chục triệu tấn sau khi thu hoạch thường bị đốt bỏ là một sự lãng phí lớn và gây ô nhiễm môi trường. Theo kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), cứ đốt 1 tấn rơm lãng phí khoảng 6,5 kg đạm; 1,2 kg lân; 20 kg kali; 40 kg silic và 400 kg carbon mà có thể cung cấp cho đất trồng. Nghiên cứu các giải pháp khắc phục thực trạng này, các nhà khoa học đã dành nhiều công sức để tìm tòi, thử nghiệm. Theo đó, rơm rạ thay vì đốt bỏ đã được nghiên cứu tận dụng để làm nguồn thức ăn cho trâu bò hoặc làm giá thể sản xuất nấm. Đặc biệt có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ thành các loại phân bón hữu cơ một cách hiệu quả và kinh tế, hoặc tạo ra một số sản phẩm hữu ích khác như dầu sinh học, nhiên liệu sinh học, các loại ván ép… Qua hệ thống thiết bị tự động hóa, một chu trình từ công đoạn cấp liệu rơm rạ ra đến sản phẩm viên thức ăn gia súc hoàn chỉnh chỉ mất khoảng 15 phút nhưng đã góp phần giải quyết một bài toán lớn về vấn đề ô nhiễm môi trường sau thu hoạch bởi rơm rạ, đồng thời đã tạo ra được một sản phẩm hữu ích cho chăn nuôi từ nguồn phế phẩm này.
 

Ảnh 3,4. Sản phẩm viên thức ăn gia súc hoàn chỉnh từ nguồn rơm rạ

Phía doanh nghiệp đã chia sẻ tâm huyết của mình trong việc đầu tư xử lý, tận dụng nguồn phế phụ phẩm sau thu hoạch và mong muốn luôn được liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, nhà quản lý để có được hướng đi đúng và hiệu quả thực sự. Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế-kỹ thuật Nguyễn Đình Hậu đã bày tỏ những trăn trở của người làm công tác quản lý nhà nước trong việc làm sao để hỗ trợ kịp thời và xứng đáng cho việc áp dụng KH&CN giải quyết các vấn đề của thực tế sản xuất và đời sống.

Nguồn: Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật

Lượt xem: 4471

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)