Giống Hương cốm 1 có kiểu cây thâm canh, chống đổ tốt, bông to, hạt to dài, nhiễm bạc lá, đạo ôn trung bình và được công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới năm 2008. R3 là dòng bố của giống lúa lai TH3-3, cảm ôn, có TGST từ 130-140 ngày trong vụ Xuân; 102-106 ngày trong vụ Mùa, thân mảnh, dễ đổ, bông to, hạt nhỏ dài thon, gạo trong, cơm mềm dẻo. Giống Hương cốm 3 đã được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận cho sản xuất thử theo Quyết định số 624/QĐ-TT-CLT ngày 27/12/2012. Giống đang được mở rộng diện tích gieo trồng trên các tỉnh thành của cả nước như: Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Nam, Bình Định, Đăklăk...
Tuy nhiên, giống Hương cốm 3 khi đưa ra diện rộng còn biểu hiện một số nhược điểm đó là: Là giống cảm ôn nhưng TGST dài hơn dòng bố mẹ, cần xác định thời vụ gieo trồng hợp lý để đạt năng suất cao; Kiểu cây khỏe mạnh, thân cứng, lá dầy đứng, xanh đậm, nhưng chiều cao cây cao hơn bố mẹ, cần đánh giá khả năng chống đổ và tiềm năng năng suất ở các chân đất khác nhau; Độ thuần kiểu hình chưa thật ổn định, cần chọn tốt hơn nữa đồng thời phải đánh giá được khả năng duy trì tính thơm trong các vụ và các vùng khác nhau.
Để có thể giải quyết những nhược điểm nêu trên cũng như sản xuất được hạt giống có độ thuần cao, ổn định về năng suất, duy trì được chất lượng, mùi thơm khi gieo cấy thương phẩm và được nông dân chấp nhận cũng như đánh giá tính thích nghi của giống làm cơ sở đề nghị công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới cho giống Hương cốm 3, bổ sung vào cơ cấu giống lúa chất lượng cao cho vụ Mùa trung, Xuân trung ở miền Bắc Việt Nam, nhóm nghiên cứu do ThS. Vũ Văn Quang, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đứng đầu đã triển khai thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ có tên: “Sản xuất thử giống lúa thơm Hương cốm 3 cho các tỉnh phía Bắc”.
Các nội dung dự án thực hiện bao gồm: Hoàn thiện quy trình sản xuất hạt giống nguyên chủng giống Hương cốm 3. Hoàn thiện quy trình sản xuất hạt giống xác nhận 1 giống Hương cốm 3. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh thương phẩm giống Hương cốm 3. Sản xuất thử các cấp hạt giống Hương cốm 3. Xây dựng mô hình sản xuất thương phẩm giống Hương cốm 3 tại 3 vùng sinh thái. Biên soạn tài liệu tập huấn cho các vùng sản xuất giống. Hoàn thiện quy trình sản xuất hạt nguyên chủng, xác nhận 1 và quy trình thâm canh tăng năng suất giống lúa thơm Hương cốm 3. Từ đó sản xuất hạt siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận 1 giống Hương cốm 3 đạt Qui chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng hạt giống lúa của Bộ NN&PTNT.
Sau gần 2 năm tiến hành thực hiện (01/2014-12/2015), dự án đã đạt được các kết quả như sau:
- Dự án đã hoàn thiện được các quy trình công nghệ như: Qui trình sản xuất hạt nguyên chủng giống lúa thơm Hương cốm 3; qui trình sản xuất hạt xác nhận 1 giống lúa thơm Hương cốm 3 và qui trình thâm canh thương phẩm giống lúa thơm Hương cốm 3 áp dụng cho các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
- Dự án đã xây dựng được 6 mô hình trình diễn thương phẩm giống lúa thơm Hương cốm 3 năng suất vụ Xuân đạt 65,6-72,5 tạ/ha; vụ Mùa đạt 60,5-68,7 tạ/ha.
- Dự án đã sản xuất được 600 kg hạt SNC; 22,0 tấn hạt NC và 120,0 tấn hạt xác nhận 1 giống lúa thơm Hương cốm 3. Chất lượng hạt giống đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng hạt giống lúa (QCVN 01-54:2011/TTBNNPTNT) của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Dự án đã tham gia đào tạo 1 sinh viên làm đề tài tốt nghiệp chuyên ngành Di truyền và chọn giống cây trồng. Dự án mở 6 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất hạt giống các cấp và kỹ thuật thâm canh thương phẩm giống lúa thơm Hương cốm 3 và đã tập huấn cho 335 hộ nông dân tham gia dự án về kỹ thuật sản xuất hạt giống các cấp và kỹ thuật thâm canh thương phẩm giống lúa thuần chất lượng Hương cốm 3 và 4 lần tổ chức hội thảo đầu bờ với trên 400 lượt người tham gia.
Từ những kết quả trên, nhóm tác giả thực hiện dự án đề nghị Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ nghiệm thu dự án để các sản phẩm của dự án có thể ứng dụng và mở rộng sản xuất.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12349-2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.