Thứ năm, 29/06/2017 17:00 GMT+7

Khẳng định vị trí, vai trò động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội của KH&CN

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với tỉ lệ tán thành rất cao (93,28% (458/459) số đại biểu có mặt tán thành). Theo ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội, ngoài việc tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ, việc Quốc hội ban hành Luật còn khẳng định, làm rõ hơn vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) vừa là quốc sách hàng đầu, vừa là động lực quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội.

Đổi mới quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ

Phó Chủ nhiệm UBKH, CN&MT Quốc hội Trương Minh Hoàng cho rằng, xuất phát từ những hạn chế, vướng mắc như đã nêu, trong quá trình sửa đổi, Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) lần này hướng đến dần kiểm soát chất lượng công nghệ đưa vào Việt Nam, hạn chế các công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường. Luật cũng tính đến giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước đối quá trình CGCN, vừa bảo đảm kiểm soát được công nghệ, vừa không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Quan điểm xây dựng Luật là ngăn chặn công nghệ lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, đồng thời thúc đẩy CGCN tiên tiến, hiện đại.

Luật CGCN (sửa đổi) với 6 Chương 60 Điều đã sửa đổi căn bản những vấn đề hạn chế hiện tại, trong đó tập trung vào phạm vi điều chỉnh, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CGCN, biện pháp thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư và quản lý Nhà nước hoạt động CGCN.

Theo ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN), về phát triển thị trường KH&CN, một loạt biện pháp đã được đưa vào Luật theo hướng tạo cơ chế phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Trong đó các tổ chức trung gian được quan tâm, hỗ trợ để thực hiện vai trò kết nối giữa bên cung và bên cầu công nghệ như: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động của sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ; Đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian; Nâng cao năng lực khai thác thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến CGCN, đánh giá, định giá và giám định công nghệ.

Về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Luật CGCN (sửa đổi) đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như: giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; công bố kết quả hoạt động KH&CN phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ hoạt động liên kết giữa tổ chức KH&CN sở hữu kết quả hoạt động khoa học và công nghệvới tổ chức ứng dụng, CGCN địa phương trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để phù hợp đặc thù của địa phương được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dành cho KH&CN.

Để ngăn chặn, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, Luật bổ sung 1 Chương quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Trong đó, quy định cụ thể loại dự án phải thẩm định, có ý kiến về công nghệ. Luật quy định ý kiến về công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là một nội dung bắt buộc trong nội dung văn bản thẩm định dự án đầu tư khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, trong Chương này cũng thiết kế 1 Điều quy định về việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, CGCN. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN và cơ quan có liên quan trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và CGCN trong dự án đầu tư cùng với việc kiểm tra, giám sát đầu tư.

 

Luật CGCN (sửa đổi) sẽ ngăn chặn, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam

 

Luật CGCN (sửa đổi) cũng tập trung vào việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, ngăn chặn, hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam cũng như ngăn ngừa hiện tượng chuyển giá trong hoạt động CGCN. Điều này thể hiện ở các quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư và quản lý CGCN. Cơ chế bắt buộc đăng ký CGCN là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam đã tạo nên một bộ lọc để cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát nhằm ngăn chặn việc gian lận, chuyển giá qua hoạt động CGCN. Đồng thời cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ chế để rà soát công nghệ nhập khẩu, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Nhiều biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ

Theo ông Đỗ Hoài Nam, liên quan đến khuyến khích, hỗ trợ hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, Luật sửa đổi đã bổ sung một số biện pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ. Cụ thể, đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, thành lập tổ chức R&D; cơ chế liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp; mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; khuyến khích các hình thức hợp tác để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp.

Để thúc đẩy CGCN trong nông nghiệp, Luật đã dành 1 Điều quy định về hoạt động này, trong đó quy định phương thức, hình thức, loại hình CGCN đặc thù trong nông nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết hoạt động CGCN trong lĩnh vực này.

Ông Trần Mạnh Báo - Tổng giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình cho rằng, “Đây cũng là một kỳ vọng của chúng tôi nói riêng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, những người làm khoa học, các doanh nghiệp. Hy vọng việc ban hành Luật CGCN (sửa đổi) sẽ góp phần thúc đẩy khoa học, CGCN để đưa nông nghiệp phát triển. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra rất nhiều các sản phẩm KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và việc phát triển các giống cây trồng nói chung. Đồng thời, triển khai ứng dụng KH&CN và CGCN trong việc nghiên cứu, sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm sạch”.

Là một doanh nghiệp có nhiều hoạt động CGCN trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vắc xin, ông Đỗ Tuấn Đạt – Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) kỳ vọng, Luật CGCN (sửa đổi) hy vọng sẽ giúp các thầy thuốc, các nhà khoa học Việt Nam nhanh chóng tiếp cận các thành tựu mới nhất của nhân loại trong phòng và điều trị nhiều loại bệnh lý nguy hiểm, góp phần nâng cao sức khoẻ nhân dân cũng như phát triển kinh tế xã hội nói chung. Tuy nhiên, theo ông Đạt, cần có tư duy hướng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức nhận chuyển giao và mua công nghệ  thủ tục để tiếp cận các nguồn vốn cho hoạt động chuyển giao và đổi mới công nghệ. Có tiếp cận được nguồn vốn và cơ chế chi tiêu hợp lý mới thúc đẩy được các đơn vị chủ động, tiếp cận nhanh với các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, cập nhật trình độ công nghệ của các nước phát triển.

Có thể nói, Ban soạn thảo, Bộ KH&CN với sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan có liên quan đã nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN và CGCN, kế thừa những nội dung tiến bộ của Luật CGCN năm 2006, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy CGCN, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Bộ KH&CN đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới Luật để sớm ban hành, đưa Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

 

Luật CGCN (sửa đổi) tạo điều kiện thuận lợi, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và CGCN

 

Ý kiến Đại biểu Quốc hội

Ông Lê Quân – Đoàn đại biểu TP. Hà Nội: Kỳ họp lần này, Quốc hội thảo luận và thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó hỗ trợ đổi mới, sáng tạo về khởi nghiệp và Luật CGCN (sửa đổi). Đây là các Luật rất có ý nghĩa để đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ KH&CN và phát triển các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như tháo gỡ cho việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, các viện nghiên cứu và các đơn vị chuyển giao.

 

Ông Lê Công Nhường – Đoàn đại biểu Bình Định: Luật CGCN (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, tập trung vào hướng thay đổi cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và CGCN, đó là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà khoa học,… phát triển. Về quản lý hợp đồng CGCN, tôi đồng tình với việc quy định các hợp đồng CGCN phải đăng ký để từ nước ngoài vào Việt Nam. Thực tế tại địa phương, cơ quan quản lý về KH&CN hầu như không nắm được các luồng CGCN tại địa phương, do vậy không có số liệu đầy đủ để đánh giá hoạt động này.

 

Ông Lê Quang Huy – Đoàn đại biểu Nghệ An: Tôi thấy các cơ quan chủ trì thẩm tra, chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rất nỗ lực trong việc tham mưu giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng thời đã tiếp thu hầu hết những ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong các kỳ họp để hoàn thiện Luật.

Tôi thấy có rất nhiều các cơ chế, chính sách và những quy định rất mới, tích cực và khi Quốc hội thông qua, cùng với các dự án luật khác, đặc biệt là các dự án luật liên quan đến đầu tư, tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,… sẽ tạo được một môi trường, điều kiện hết sức thuận lợi và đột phá để thúc đẩy các hoạt động CGCN, đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào phục vụ phát triển kinh tế, sản xuất. Luật CGCN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã làm rõ hơn vị trí, vai trò của KH&CN vừa là quốc sách hàng đầu, vừa là động lực quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội.

 

Bài 1: Luật Chuyển giao công nghệ: Sửa đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3379

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)