Nền kinh tế ngày nay, hơn lúc nào hết, có nhu cầu về sáng tạo trong sản phẩm và phát triển dịch vụ, về nâng cao hiệu quả hợp tác, về quản lý rủi ro trong đầu tư; và hơn lúc nào hết, có sự tập trung về phát triển, níu kéo và trọng đãi nhân tài giữa các nguồn lực. Nhằm cải thiện khả năng có việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Việt Nam cần đầu tư và nâng cao khả năng sáng tạo trong phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng và dịch vụ đi kèm. Sự hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp; và mạng lưới hợp tác giữa các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp thật sự cần thiết trong bối cảnh này và là thành phần quan trọng của hệ sinh thái sáng tạo hiệu quả.
PGS.TS. Mai Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Điện tử Y sinh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, dự án “Nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao và khả năng có việc làm cho Việt nam trong thiết kế và phát triển sản phẩm có giá trị cộng thêm cao, sáng tạo và khởi nghiệp” (viết tắt là HAPIE), do Hội đồng Anh tài trợ, với mục đích hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam trong việc phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ, nhất là các sản phẩm phục vụ ngành y tế, ưu tiên phục vụ các đối tượng người dân chưa được chăm sóc y tế tương xứng.
Thực tế, những công ty nhỏ và vừa (SME) thường gặp khó khăn về vốn, kỹ năng quản trị. Họ rất cần tận dụng thời gian, cho ra sản phẩm rất nhanh, thu hồi vốn và luân chuyển dòng tiền. Trong khi đó, rất nhiều nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu có định hướng ứng dụng được trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện với kết quả rất tốt, được hội đồng các cấp thẩm định.
“Tuy nhiên, các sản phẩm này khó đến tay người sử dụng, hoặc đáp ứng nhu cầu của xã hội do các nhà khoa học không có chuyên môn, không giỏi và không được phân công xã hội để làm marketing, kinh doanh, bán hàng… Do đó, giải pháp cho SME là tìm hiểu các công trình nghiên cứu tại các các trường đại học, viện nghiên cứu, tận dụng bí quyết công nghệ, sáng tạo, sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học, nhanh chóng đưa sản phẩm vào phục vụ xã hội. Các nhà khoa học đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm công nghệ có giá trị cộng thêm cao trong khi doanh nghiệp đảm bảo được tính cạnh tranh, triển khai kinh doanh ở thị trường trong nước và xuất khẩu”, PGS.TS. Mai Anh Tuấn chia sẻ.
Trong khuôn khổ dự án HAPIE, có nhiều ví dụ điển hình thể hiện được sự sáng tạo trong thiết kế và chế tạo sản phẩm công nghệ có giá trị cộng thêm cao nhờ hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu và công ty SME. Thông qua dự án, cán bộ nghiên cứu, những công ty vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ đã được huấn luyện những kỹ năng trong viết, quản lý dự án, đặc biệt là các dự án quốc tế, việc lên kế hoạch để thực hiện một nội dung khoa học công nghệ với nhiều bên tham gia. Thêm vào đó, các nhà khoa học Việt Nam cũng được bổ túc kỹ năng chuyển giao công nghệ, xác định đối tác trong chuyển giao tri thức, tổ chức-điều hành một hội thảo quốc tế một cách hiệu quả.
Dự án HAPIE hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam trong việc phát triển các sản phẩm KH&CN
Hội thảo tổng kết các hoạt động khoa học và công nghệ của Dự án HAPIE được tổ chức mới đây tại Hà Nội với sự tham gia của gần 50 đại biểu, đặc biệt trong đó có đại diện của 4 trường đại học tại Vương quốc Anh và gần 20 đơn vị trong nước bao gồm các trường đại học kỹ thuật, Viện nghiên cứu hàng đầu, bệnh viện, phòng khám, công ty khởi nghiệp…
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết về lĩnh vực quan tâm, đặc biệt là việc nhanh chóng đưa sản phẩm đến với cuộc sống, liên kết doanh nghiệp…. Đại diện Hội đồng Anh tại Hà Nội, đại diện của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, và một số đơn vị đầu tư tài chính cũng đã tới chia sẻ thông tin về cơ hội hợp tác, các nguồn vốn tài trợ từ Vương quốc Anh, EU và trong nước.
Một số sản phẩm nghiên cứu đã được trưng bày tại Hội thảo
Trong khuôn khổ hội thảo, các sản phẩm công nghệ do các nhà khoa học, công ty thuộc dự án đã được trưng bày và thu hút sự quan tâm của người tham dự. Đặc biệt, một số hợp đồng hợp tác và biên bản ghi nhớ giữa các đối tác dự án, công ty và viện nghiên cứu cũng đã được ký kết./.