Với mục tiêu phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù mang địa danh của từng địa phương, ngày 24/4/2017 Bộ KH&CN đã ra quyết định phê duyệt danh mục đặt hàng các dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có dự án Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm Artemia. Để đánh giá tính khả thi của việc triển khai thực hiện dự án, đoàn khảo sát của Cục Sở hữu trí tuệ và Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành khảo sát tình hình sản xuất, năng suất, chất lượng Artemia tại khu sản xuất và chế biến trứng bào xác Artemia của Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu và trại thực nghiệm Artemia của Trường Đại học Cần Thơ tại thị xã Vĩnh Châu. Qua khảo sát bước đầu cho thấy điều kiện tự nhiên của thị xã Vĩnh Châu rất phù hợp để sản xuất Artemia và tạo ra sản phẩm có những đặc trưng riêng đáp ứng các yêu cầu xây dựng chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị của sản phẩm trong thời gian tới.
Khảo sát thực tế khu vực sản xuất Artemia
Sau buổi khảo sát, hội thảo Sự cần thiết của việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm Artemia đã diễn ra với sự chủ trì của ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, bà Vũ Thị Hiếu Đông - Giám đốc Sở KH&CN và ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cùng sự tham dự của 26 đại biểu là đại diện lãnh đạo Phòng Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ - Cục Sở hữu trí tuệ; Trung tâm Phát triển nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Phòng chuyên môn trực thuộc UBND thị xã Vĩnh Châu và các hợp tác xã sản xuất và chế biến trứng bào xác Artemia.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe PGS.TS. Nguyễn Văn Hòa - Trưởng Bộ môn Kỹ Thuật nuôi Hải Sản, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ giới thiệu về nguồn gốc, danh tiếng, chất lượng và quá trình thuần hóa và chọn lọc để tạo ra dòng Artemia Vĩnh Châu. Artemia Vĩnh Châu (Artemia franciscana) được du nhập và trải qua thời gian đã thích nghi với điều kiện tự nhiên của Vĩnh Châu. Artemia Vĩnh Châu có kích thước trứng bào xác nhỏ, hàm lượng dinh dưỡng (axit béo không no - HUFA) cao, thích hợp cho sự phát triển của ấu trùng tôm, cá và được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã nghe chuyên gia Cục Sở hữu trí tuệ giới thiệu về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 và việc đẩy mạnh hoạt động xây dựng, quản lý chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam.
Qua trao đổi, thảo luận, hội thảo đã tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ phía lãnh đạo các bộ phận chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ và Hợp tác Artemia Vĩnh Châu nhằm xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý một cách hiệu quả, đưa sản phẩm Artemia Vĩnh Châu trở thành sản phẩm có danh tiếng trong và ngoài nước. Theo đó, tỉnh Sóc Trăng cần xác định rõ bản đồ khu vực nuôi trồng và sản xuất trứng bào xác Artemia, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm từ Artemia bao gồm trứng bào xác Artemia và Artemia sinh khối, xây dựng cụ thể quy trình sản xuất và chế biến trứng bào xác Artemia trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, trao quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý cho Liên hiệp Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu,…
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng việc xây dựng chỉ dẫn địa lý Artemia Vĩnh Châu là hết sức cần thiết nhằm nâng cao giá trị và danh tiếng cho sản phẩm Artemia Vĩnh Châu, giúp người nuôi, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất chế biến có điều kiện phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Để triển khai thành công dự án và phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý trong thời gian tới, ông Đinh Hữu Phí đề nghị Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng và UBND thị xã Vĩnh Châu phối hợp với các tổ chức có liên quan đăng ký quy trình nuôi và chế biến trứng bào xác Artemia với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng đề cương dự án chi tiết, mang tính khoa học để trình Bộ KH&CN thẩm định; nâng cao vai trò của tổ chức sở hữu trong việc quản lý, duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý sau khi được bảo hộ. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ hỗ trợ, tư vấn và phối hợp với địa phương để việc xây dựng chỉ dẫn địa lý Artemia Vĩnh Châu sớm được thực hiện và mang lại lợi ích cho cộng đồng./.