Thứ hai, 12/06/2017 16:47 GMT+7

Nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thiết bị phun cát ướt làm sạch vỏ tàu

Làm sạch là một khâu quan trọng và cần thiết trong quá trình sản xuất cũng như sửa chữa, hoàn thiện tàu thủy. Phương pháp làm sạch truyền thống bằng cát khô thể hiện bất cập lớn nhất là gây ô nhiễm môi trường. Đây là lý do nhóm tác giả thuộc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị phun cát ướt thay thế phương pháp phun cát khô truyền thống. Đề tài vừa được hội đồng khoa học thành phố Hải Phòng tổ chức đánh giá ngày 8/6.

Cấu tạo thiết bị phun cát ướt gồm: Máy sàng phân ly cát năng suất 8-10m3/giờ; máy phun cát có dung tích bình chứa 0,2m3, áp suất làm việc 6.5Kg/ cm2; máy bơm nước áp lực 170 bar; đầu phun (cát, nước) có 3 lỗ, kích thước lỗ 0,5mm; hệ thống phun sương dập bụi đầu phun có kích thước lỗ 0,35mm.

 

 

Nguyên lý vận hành của thiết bị phun cát ướt là khi vận hành bơm nước áp lực cao, sau đó mở van cấp khí nén vào máy phun cát. Lúc này đầu phun sẽ bắn ra gồm cả cát và nước. Người sử dụng sẽ điều khiển để làm sao lượng nước và cát phun ra vừa đủ làm sạch bề mặt lẫn ướt hạt cát. Sau khi làm sạch vỏ tàu bằng phun cát ướt, bề mặt vỏ tàu sẽ xuất hiện hiện tượng rò rỉ cấp tính, nhóm nghiên cứu tiếp tục tiến hành phun cát khô để đảm bảo độ nhám trước khi sơn. Hệ thống giàn phun sương được vận hành trong giai đoạn này để ngăn bụi thải vào môi trường.

Mặc dù năng suất làm sạch của phương pháp phun cát ướt chỉ bằng 80% phương pháp phun cát khô, nhưng ưu điểm lớn nhất mà phương pháp này mang lại là đảm bảo được môi trường làm việc cho người lao động. Đây là tiêu chí quan trọng để đưa phương pháp phun cát ướt vào sử dụng và thay thế hoàn toàn phương pháp phun cát khô để làm sạch vỏ tàu trong thực tế./.

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng

Lượt xem: 4167

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)