Toàn cảnh buổi họp báo
Ngày hội STEM được tổ chức hằng năm trong khuôn khổ Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ ba năm nay theo sáng kiến của Tạp chí Tia Sáng và cộng đồng giáo dục STEM, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Với mục đích phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM, một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại các nước Âu-Mỹ, Ngày hội STEM là cơ hội tốt để học sinh làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo và hướng nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, còn các nhà quản lý giáo dục – đào tạo và giáo viên tiếp cận phương pháp học qua hành hướng tới từng học sinh.
Các hoạt động của ngày hội năm nay được thiết kế và tổ chức bởi Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Học viện Sáng tạo S3, Học viện STEM, Kidscode, và PoMath.
Bên cạnh đó còn có một số đơn vị tham gia trưng bày về giáo dục STEM như: Trường Trưng Vương, Trường Olympia, Trường Tạ Quang Bửu, Câu lạc bộ Thiên văn Hà Nội, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo Hạ Long, UMI Academy, và Nhà sách Long Minh.
Ba hoạt động lớn dành cho học sinh trong khuôn khổ ngày hội bao gồm: Labtour thăm các phòng thí nghiệm của USTH và thực hiện một số thí nghiệm nhỏ; Lớp học STEM trải nghiệm một tiết học định hướng STEM; và Trải nghiệm STEM trải nghiệm một số hoạt động liên quan đến thiết kế chế tạo hay robotics, như lắp mô hình xe ô tô mặt trời; lập trình; đề xuất giải pháp cho các vấn đề thực tế của cuộc sống, như tạo ra điện từ thức ăn; xem trình diễn robot dò đường, đá bóng…
Song song với các hoạt động dành cho học sinh là hoạt động dành cho phụ huynh và giáo viên mở cửa tự do, bao gồm: Bài giảng đại chúng, các nhà khoa học sẽ nói chuyện về các vấn đề đang được họ nghiên cứu như: Kháng thuốc kháng sinh, cúm gia cầm, công nghệ Nano, năng lượng tái tạo…; Hội thảo cho giáo viên và cha mẹ học sinh do các nhà giáo dục của các trung tâm giáo dục STEM chủ trì, đưa ra một số gợi ý cũng như hướng dẫn phụ huynh đến với giáo dục STEM và hướng dẫn giáo viên thực hiện các bài dạy định hướng STEM.
Tại khu vực trưng bày của ngày hội lần này, các trường giới thiệu nhiều sản phẩm khám phá khoa học như: cần cẩu thủy lực, hệ thống an ninh quang học, máy lau bảng tự động, động cơ ô tô sử dụng năng lượng mặt trời, tàu thủy lọc nước; trong khi các đơn vị nghiên cứu khoa học trưng bày một số sản phẩm như mô hình hệ mặt trời, mô hình đèn hệ mặt trời, các thiết bị tự động hóa, máy in 3D, máy vẽ, Laser CNC…
Cũng tại khu vực trưng bày, các em học sinh tiếp tục được trải nghiệm một số hoạt động như tập làm index, làm đồ tái chế, giải mật mã, xếp gỗ, làm xe bóng bay, làm con rối, làm thí nghiệm vui như Vòi rồng, Đĩa nhựa bay, Bong bóng xà phòng khổng lồ, Pháo dây cháy trong cốc nước…, xem trình diễn robot xếp rubic…
Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên sau ba năm tổ chức, Ngày hội STEM có các hoạt động dành riêng cho học sinh THPT như: tương tác với người máy thông minh NAO; tìm hiểu và lái thử xe thám hiểm sao Hỏa; làm một số thí nghiệm Vật lý, Hóa học, Sinh học; thử sức giải đáp kiến thức liên quan đến năng lượng tái tạo, phát triển bền vững bằng Tiếng Anh…
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty công nghệ DTT, thành viên BTC Ngày hội STEM 2017 đã có phần trình bày về vai trò của giáo dục STEM trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa - Giáo dục Long Minh, có phần trình bày về các hoạt động tình nguyện của Liên minh STEM nhằm tập huấn cho giáo viên dạy các môn STEM tại một số địa phương từ năm 2016 đến nay.
Ngày hội STEM 2017 dự kiến đón 1.500 lượt học sinh cùng 500 lượt cha mẹ, giáo viên và nhà quản lý giáo dục. Đây là một trong những hoạt động chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nêu rõ cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông.
|